Với tốc độ hiện nay, mỗi năm toàn tỉnh chỉ phát triển được khoảng 5 làng nghề thì rất khó để thực hiện mục tiêu theo kế hoạch của tỉnh...
Nghề làm hương ở xã Thanh Quang (Nam Sách) tạo việc làm cho hơn 400 lao động
nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận làng nghề
Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2015, Hải Dương có từ 80 - 90 làng được công nhận là làng nghề công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp (CNTTCN). Với tốc độ hiện nay, mỗi năm toàn tỉnh chỉ phát triển được khoảng 5 làng nghề thì rất khó để thực hiện mục tiêu này.
Chính quyền cơ sở ít quan tâmXã Thanh Quang (Nam Sách) có 16 hộ sản xuất hương nằm rải rác ở các thôn: Linh Khê, Tống Xá, Lê Hà và Tông Phố, riêng thôn Tống Xá có đến 9 cơ sở sản xuất. Nghề làm hương ở đây tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 400 lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, doanh thu từ nghề làm hương đem về cho Thanh Quang khoảng 4 tỷ đồng. Mặc dù trong danh sách của tỉnh, làng nghề làm hương xã Thanh Quang thuộc diện quy hoạch để phát triển và được công nhận đạt danh hiệu làng nghề, nhưng lãnh đạo địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Đồng chí Nguyễn Xuân Thảo, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang cho biết: "Có thể trong những năm tới, xã sẽ quy hoạch và phát triển nghề làm hương để được công nhận là làng nghề". Do chưa có quy hoạch và định hướng phát triển làng nghề nên hiện nay, các hộ sản xuất hương ở Thanh Quang đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc vận chuyển hương bằng ô-tô ra khỏi làng để tiêu thụ.
Huyện Cẩm Giàng hiện có 4 làng nghề đã được công nhận danh hiệu làng nghề CNTTCN, giải quyết việc làm cho hơn 4.600 lao động. Trong quy hoạch phát triển làng nghề, mục tiêu đến năm 2015, huyện sẽ phát triển thêm 3 làng nghề mộc là Hoàng Xá, Hòa Tô và Mậu Tài ở xã Cẩm Điền. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa mục tiêu này đang rất khó khăn. Đồng chí Phạm Văn Thái, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cẩm Giàng cho biết: "Nhiều khả năng đến năm 2015, huyện cũng chỉ phát triển được thêm 1 làng nghề nữa. Nguyên nhân chính vẫn là do chính quyền các xã trong huyện chưa quan tâm đúng mức việc phát triển các làng nghề".
Nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các xã về ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc phát triển các làng nghề chưa cao. Do đó, lãnh đạo các xã chưa quan tâm, dành công sức, tâm huyết để xây dựng và phát triển các làng nghề tại địa phương.
Thiếu điểm tựaGiải thích vì sao tỉnh ta khó có thể đạt được mục tiêu phát triển các làng nghề vào năm 2015, đồng chí Vũ Doãn Quang, Giám đốc Sở Công thương cho biết, trước đây, phần lớn các làng có nghề truyền thống đã được xem xét công nhận. Vì vậy từ năm 2011 đến nay, số địa phương có nghề truyền thống để khôi phục còn lại rất ít. Dù đã có các chế độ chính sách của Nhà nước cũng như của địa phương để hỗ trợ làng nghề về cơ sở vật chất, hạ tầng, đào tạo và truyền nghề nhưng so với yêu cầu mới chỉ như muối bỏ bể. Hiện nay, lực lượng lao động là thanh niên ở nông thôn nói chung và các làng có nghề nói riêng phần lớn đã vào làm trong các doanh nghiệp, vì vậy các địa phương gặp rất nhiều khó khăn để truyền nghề và dạy nghề truyền thống. Một nguyên nhân nữa là hiện nay sản phẩm do các làng nghề làm ra còn hạn hẹp, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định dẫn đến thu nhập của người lao động trong các làng nghề không cao, vì vậy không tạo được động lực để phát triển. Hiện nay, chính sách khuyến công của tỉnh đến với các làng nghề rất ít. Ngay cả các làng nghề đã được công nhận cũng chưa nhận được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp. Do đó, nhiều làng có nghề cũng không tha thiết phấn đấu để được công nhận đạt danh hiệu làng nghề. Ngay cả các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã được tỉnh bình xét, công nhận thì sau khi công nhận cũng không nhận được sự hỗ trợ để phát triển. Do đó, mục tiêu phát triển làng nghề của tỉnh sẽ rất khó thực hiện.
Có thể khẳng định, sự phát triển của các làng nghề trong những năm qua đã góp phần tạo ra khối lượng sản phẩm, các mặt hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Qua đó, đóng góp đáng kể vào tăng thu ngân sách, tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Các làng nghề phát triển còn góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Ngoài ra, phát triển các làng nghề còn tạo điều kiện thuận lợi để nông dân trong tỉnh tận dụng triệt để thời gian nông nhàn, sản xuất theo phương châm “ly nông bất ly hương”, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở khu vực nông thôn. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh cần quan tâm triển khai thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ các làng nghề phát triển. Các chính sách khuyến công, hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và định hướng các làng nghề tiêu thụ sản phẩm cần được tăng cường. Các cấp ủy, chính quyền cần coi việc phát triển làng nghề là thiết thực góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề, từ đó thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các làng nghề thu hút 35 nghìn lao động
65 làng nghề của tỉnh hiện đã thu hút và giải quyết việc làm cho gần 35 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân phổ biến từ 1-5 triệu đồng/người/tháng. Tốc độ tăng trưởng về số lượng lao động của các làng nghề trong tỉnh bình quân đạt trên 15%/năm. Đến năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu có từ 40 đến 45 nghìn lao động tham gia sản xuất tại các làng nghề.
|
VŨ ÚY