Khó quản lý rượu tự nấu

19/03/2013 08:54

Nếu đối chiếu theo quy định tại Nghị định 94 thì nhiều cơ sở kinh doanh rượu ở Hải Dương không đạt yêu cầu, nhất là các cơ sở bán rượu nhỏ, lẻ.


Một cơ sở chưng cất rượu ở làng nghề Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng). Mai Anh

Xã Văn Giang (Ninh Giang) có 250 hộ làm nghề nấu rượu, chiếm 30% tổng số gia đình trong xã. Ước tính mỗi tháng, Văn Giang cung cấp cho thị trường từ 2.000 - 3.000 lít rượu, tạo việc làm tại chỗ cho 2.000 lao động. Mỗi năm, doanh thu từ nghề nấu rượu của làng đạt hơn 3 tỷ đồng. Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Tuy nhiên, đến nay, nhiều hộ làm nghề trong xã vẫn chưa nắm được các quy định này. Rượu tự nấu không tem, nhãn mác vẫn được bày bán tràn lan. Ông Nguyễn Văn Toàn ở thôn 3 cho biết: “Gia đình tôi nấu rượu đã gần 20 năm nay, nhưng đây cũng chỉ là nghề phụ để thêm thu nhập và tận dụng bỗng rượu để chăn nuôi. Sản xuất nhỏ lẻ, theo thời vụ nên cần gì phải giấy phép kinh doanh. Hơn nữa, rượu nhà tôi phần lớn được bán cho khách quen. Họ đến tận nơi lấy hàng nên không lạ gì nguồn gốc của sản phẩm”.

Qua khảo sát hiện trạng sản xuất rượu của các hộ dân ở Văn Giang, chúng tôi thấy, phần lớn các gia đình ở đây sản xuất mang tính thủ công. Đồ nghề phục vụ cho việc sản xuất rượu rất đơn giản, chỉ cần một gian nhà vài chục m2, một chiếc nồi to có sức chứa vài chục lít nước, một chiếc bếp than, bồn chứa nước và vài mét dây dẫn là có thể nấu được rượu. Nghị định 94 quy định rõ, với những người sản xuất rượu thủ công phải đăng ký kinh doanh. Muốn được cấp giấy phép kinh doanh, các hộ nấu rượu buộc phải đăng ký chất lượng với cơ quan chức năng. Rượu phải được công nhận đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và phải bảo đảm các yếu tố môi trường theo quy định… Tuy nhiên, để đáp ứng được các yêu cầu này thì nhiều gia đình nấu rượu thủ công ở Văn Giang phải “treo nồi”.

Cũng giống như những người nấu rượu ở Văn Giang, những ngày này, người dân làng Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) cũng có những băn khoăn. Bởi lẽ, Nghị định 94 sẽ xiết chặt sản xuất rượu truyền thống. Ông Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ cho biết: “Nghị định 94 có hiệu lực giúp cho việc nâng cao chất lượng và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm rượu Phú Lộc của xã tôi. Tuy nhiên, với kiểu sản xuất rượu tự phát như hiện nay rất khó để người dân tuân thủ các quy định đã nêu trong nghị định. Khó hơn là hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn việc xử lý những hộ sản xuất rượu không đủ điều kiện nên chính quyền địa phương cũng chưa biết xử lý thế nào? Cả làng Phú Lộc hiện mới chỉ có 2 gia đình nấu rượu được cấp phép còn lại hầu hết người dân tự nấu theo mùa vụ nên không đăng ký kinh doanh”.

Không chỉ những người sản xuất không quan tâm đến việc dán nhãn mác cho sản phẩm rượu mà ngay cả người bán cũng thờ ơ. Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ cơ sở kinh doanh rượu Phú Lộc ở thị trấn Cẩm Giàng cho biết: “Mỗi tháng, cửa hàng nhà tôi nhập gần 100 lít rượu từ làng Phú Lộc, nhưng tôi không thấy họ dán tem hay nhãn mác gì. Hơn nữa, khách hàng đến mua cũng chỉ chú trọng chất lượng và giá bán rượu chứ không quan tâm lắm tới nhãn mác nên tôi không để ý. Bên cạnh đó, tôi kinh doanh nhỏ nên không thể đáp ứng được với các điều kiện đối với đơn vị kinh doanh rượu”.

Nghị định 94 quy định rõ những người kinh doanh rượu phải có đủ các điều kiện như: có kho hàng, có hệ thống phân phối từ 6 tỉnh trở lên, có phương tiện vận tải đáp ứng được yêu cầu bảo quản sản phẩm rượu trong thời gian vận chuyển... Nếu đối chiếu theo quy định này thì nhiều cơ sở kinh doanh rượu ở tỉnh ta sẽ không đạt yêu cầu. Nhất là các cơ sở bán rượu nhỏ, lẻ.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu được cấp phép. Còn lại số lượng các hộ sản xuất rượu thủ công do Phòng Kinh tế hoặc Kinh tế - hạ tầng cấp huyện cấp phép. Tuy nhiên, số lượng các hộ sản xuất rượu thủ công đã có giấy phép kinh doanh không nhiều. Kinh doanh rượu là loại hình kinh doanh có điều kiện. Việc áp dụng các quy định đối với người sản xuất, kinh doanh rượu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện ngay các quy định của Nghị định 94 không dễ đối với cả người sản xuất và kinh doanh rượu. Bà Nguyễn Thị Sáu, Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Nghị định 94 sẽ góp phần làm lành mạnh thị trường rượu. Đặc biệt, quy định người sản xuất rượu phải gắn tem, nhãn mác vào sản phẩm rượu trước khi đem bán cho thị trường sẽ góp phần giúp người tiêu dùng an tâm về chất lượng rượu mình đang sử dụng, nhà sản xuất bán được nhiều sản phẩm hơn nếu làm ăn chân chính và nhà quản lý sẽ có cơ sở để quản lý thị trường rượu tốt hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này không dễ bởi sau hơn 2 tháng Nghị định 94 có hiệu lực, việc kiểm tra, giám sát thị trường rượu vẫn còn lúng túng...”

Để Nghị định 94 đi vào cuộc sống, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền tới các đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát rượu trong tiêu dùng; đồng thời xây dựng các chế tài phù hợp để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chủ động hướng dẫn người dân các thủ tục hành chính cần thiết về đăng ký giấy phép kinh doanh hoặc sản xuất rượu. Ngoài ra, việc hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất rượu theo mô hình HTX cũng là cách để quản lý, bảo đảm duy trì và phát triển các làng nghề nấu rượu truyền thống. Sở Công thương cũng cần hướng dẫn các phòng Kinh tế và Kinh tế - hạ tầng cấp huyện thực hiện các nội dung của nghị định.  

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó quản lý rượu tự nấu