Viện cớ nhà xa, trời nắng, đi học thêm nhiều nên những nỗ lực của các ngành trong hạn chế học sinh đi xe máy không đem lại hiệu quả như mong muốn...
Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) "biểu diễn" xe máy trong ngày tổng kết năm học.
Ảnh chụp lúc 10 giờ ngày 25-5
Các trường học và quy định của pháp luật đã cấm học sinh lái xe máy, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn, gây ra những hậu quả đau lòng.
Ngày 27-3-2012, trên tỉnh lộ 392 thuộc địa phận xã Bình Minh (Bình Giang), ba học sinh lớp 12, Trường THPT Vũ Ngọc Phan là Phạm Tuấn Huân, Vũ Đình Hân và Vũ Đình Kỳ chở nhau trên xe máy đã va chạm với xe máy đi ngược chiều do anh Nguyễn Văn Tuyển (sinh năm 1979) điều khiển chở anh Nhữ Đình Tuấn (sinh năm 1973, cùng trú tại xã Thái Học). Hậu quả, anh Tuyển chết tại bệnh viện, cả 4 người còn lại bị thương nặng, 3 học sinh đều bị chấn thương sọ não.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong các năm học từ năm 2006 đến năm 2011, đã xảy ra 21 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 24 giáo viên, học sinh chết và bị thương, trong đó có 12 học sinh chết và 5 học sinh bị thương. Việc học sinh điều khiển xe máy luôn tiềm ẩn tai họa, nhưng để ngăn chặn được tình trạng này vẫn đang là vấn đề khó. Học sinh thường "lách" quy định cấm đi xe máy đến trường bằng cách gửi xe ở nhà dân bên ngoài. Qua khảo sát của chúng tôi, tại một số trường THPT trên địa bàn TP Hải Dương như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồng Quang, Lương Thế Vinh... đa số học sinh đi học bằng xe đạp và xe đạp điện. Tuy nhiên, tại một số điểm trông giữ xe của các hộ dân bên ngoài vẫn có xe máy của học sinh gửi. Còn tại Trường THPT Đường An (Bình Giang), một số học sinh thường gửi xe máy ở Bệnh viện Đa khoa huyện và các hộ dân bên cạnh trường khiến nhà trường không thể kiểm soát được. Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Đỗ Xuân Hiền cho biết: "Nhà trường cũng đã sang làm việc với bệnh viện, yêu cầu không cho học sinh gửi xe máy tại đây nhưng bảo vệ bên đó chưa thực sự hợp tác nên rất khó. Mặc dù nhà trường đã tuyên truyền, yêu cầu các phụ huynh ký cam kết không cho con em đi xe máy đến trường nhưng một số phụ huynh vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này”.
Đối với lực lượng cảnh sát giao thông, việc xử lý học sinh đi xe máy cũng gặp khó khăn. Đại úy Nguyễn Hoàng Long, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông TP Hải Dương cho biết: “Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ở ngoài đường rất khó để xác nhận học sinh vi phạm học tại trường nào vì các em thường viện nhiều lý do để không phải xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc chỉ xuất trình giấy chứng minh nhân dân. Cách tốt nhất để ngăn chặn học sinh đi xe máy là gia đình cần quản lý phương tiện một cách chặt chẽ, không cho các em đi xe máy khi chưa đủ tuổi”. Ông Long cũng cho biết, thời gian tới, cảnh sát giao thông thành phố sẽ tổ chức ghi hình tại các khu vực cổng trường, các chốt đèn giao thông. Nếu phát hiện học sinh trường nào vi phạm sẽ gửi về cho trường đó có biện pháp xử lý, giáo dục.
Học sinh đi xe máy đến trường không còn là chuyện mới. Có nhiều lý do mà các em học sinh và một số phụ huynh đưa ra như đi xe máy vì nhà xa, học sinh có đủ sức khỏe để điều khiển xe an toàn...Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ hiện quy định, người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô-tô hai bánh, xe mô-tô ba bánh có dung tích xilanh từ 50cm3 trở lên. Vì vậy, đa số học sinh đều không có giấy phép lái xe, chưa được trang bị kiến thức về an toàn giao thông, chưa được học lái xe an toàn, gặp cảnh sát giao thông thì sợ bị xử phạt nên thường phóng nhanh, vượt ẩu, dễ gây tai nạn. Để ngăn chặn tình trạng trên, ngành giáo dục cần kết hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh về an toàn giao thông. Đồng thời có những biện pháp cảnh cáo, xử phạt đủ sức răn đe những học sinh cố ý vi phạm. Các phụ huynh cũng không nên nuông chiều con em mình để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
HOÀNG BIÊN