Lượng rác phát sinh lớn, bãi chôn lấp tập trung ngày càng quá tải, kinh phí hạn hẹp khiến việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của các thị trấn trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Bãi rác tập trung thị trấn Nam Sách mới đưa vào sử dụng
Quá tải
Bãi rác tập trung thị trấn Phú Thái (Kim Thành) từ lâu là điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Được đưa vào sử dụng từ năm 2004, bãi rác rộng khoảng 4.000 m2 và đã quá tải thời gian dài nhưng không thể mở rộng do hết diện tích. "UBND thị trấn phải thuê máy xúc thu gọn rác cũ để có thêm diện tích chứa rác mới. Tuy nhiên, lượng rác phát sinh ngày càng nhiều, bãi rác ô nhiễm, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây bức xúc trong nhân dân", ông Phạm Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thái cho biết. Tại bãi rác này, rác được chất cao hơn mặt ruộng tới vài mét, cùng với nước thải tràn cả xuống mương nước và ruộng canh tác, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất của người dân.
Bãi rác tập trung của thị trấn Nam Sách cũng đã sắp đầy dù mới đưa vào sử dụng từ năm 2015. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc HTX Vệ sinh môi trường thị trấn Nam Sách chia sẻ: "Bãi rác rộng 10.000 m2 nhưng đã sắp quá tải do lượng rác phát sinh hằng ngày lên tới gần 30 m3. Hằng năm, UBND thị trấn Nam Sách có cấp chế phẩm sinh học để khử mùi nhưng số lượng không đủ. Vì vậy, rác được xử lý bằng hình thức chôn lấp là chủ yếu. Ngoài ra, một số loại rác phải đốt nên thường xuyên phát sinh mùi vào môi trường. Với lượng rác phát sinh lớn như hiện nay, chỉ 1 năm nữa là bãi rác sẽ đầy". Theo ông Thắng, bãi rác mới được xây dựng sau khi bãi rác cũ phải đóng cửa do quá tải. Mặc dù mới đưa vào hoạt động được vài năm nhưng UBND thị trấn Nam Sách đã phải dành một diện tích đất lớn ngay bên cạnh để dự phòng bãi rác quá tải. Việc liên tục phải mở rộng bãi rác dẫn tới sự lãng phí đất đai và tiền bạc.
Đối với thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), việc xử lý rác thải sinh hoạt gần 10 năm nay do Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc đảm nhận. Rác được thu gom, vận chuyển hằng ngày nên môi trường thị trấn bảo đảm sạch sẽ. "Việc vận chuyển, xử lý tại Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc giúp chúng tôi không phải bố trí diện tích xây dựng bãi chôn lấp rác thải tập trung. Tuy nhiên, do không được hỗ trợ kinh phí xử lý nên công ty nhiều lần thông báo dừng nhận rác. Gần nhất, ngày 12.2.2019 công ty có thông báo sẽ dừng nhận rác từ ngày 1.3.2019. Do không có diện tích xây dựng bãi rác nên nếu rác không chuyển cho công ty thì chúng tôi không biết chứa vào đâu", ông Lê Thọ Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt nói.
Cần hỗ trợ kinh phí
Khó khăn trong xử lý rác thải của các thị trấn trong tỉnh là rất rõ ràng. Nếu như các xã khu vực nông thôn được hưởng lợi từ Đề án “Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020" với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ rất cụ thể thì các thị trấn lại không thuộc đối tượng của đề án này. Quỹ đất thiếu, kinh phí hạn hẹp là những khó khăn lớn nhất trong xử lý rác thải sinh hoạt của các thị trấn hiện nay. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, hoạt động xử lý rác thải sẽ trở thành điểm nghẽn trong quá trình phát triển đô thị.
Theo ông Phạm Xuân Hà, thời gian qua UBND thị trấn Phú Thái đã nhiều lần gửi văn bản lên UBND huyện đề nghị được hỗ trợ kinh phí vận chuyển rác thải về xử lý tại Công ty CP Môi trường APT-Seraphin (Thanh Hà) nhưng vẫn chưa được chấp thuận. “Hiện thị trấn đã hết quỹ đất mở rộng bãi rác trong khi lượng rác thải phát sinh ngày càng lớn. Giải pháp là chuyển rác về xử lý tại các nhà máy xử lý rác thải tập trung. Tuy nhiên, nếu cấp trên không hỗ trợ kinh phí, nguyện vọng này chắc chắn không thể thực hiện được”, ông Hà nói.
Cũng vì vấn đề kinh phí, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của thị trấn Kẻ Sặt luôn rất bấp bênh. Theo công văn của Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc, từ năm 2009 đến nay, công ty chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào cho việc xử lý rác của xã Tráng Liệt và thị trấn Kẻ Sặt. Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xử lý nhưng chưa nhận được trả lời cụ thể. Hiện công ty không còn khả năng tài chính để tiếp tục xử lý miễn phí rác thải sinh hoạt cho các địa phương trên. Vì vậy, công ty sẽ ngừng nhận rác của thị trấn Kẻ Sặt và xã Tráng Liệt từ ngày 1.3.2019. “Chúng tôi mong UBND huyện Bình Giang sớm có văn bản kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho việc vận chuyển, xử lý rác thải tại nhà máy xử lý rác thải tập trung. Nếu không được hỗ trợ, hoạt động thu gom, xử lý rác thải của thị trấn chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Lê Thọ Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt đề nghị.
Hỗ trợ kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của các thị trấn tại các nhà máy xử lý rác thải tập trung là hết sức cần thiết để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
VỊ THỦY