Lâu nay, các làng nghề truyền thống mới chỉ chú trọng tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm, loay hoay tìm nguồn vốn và thị trường tiêu thụ mà chưa tính đến xây dựng và quảng bá thương hiệu tới người tiêu dùng.
Sản phẩm của làng nghề rượu Phú Lộc (xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng) có chất lượng tốt, nhưng chưa vươn xa do chưa xây dựng được thương hiệu
Làng nghể chưa chủ động
Làng nghề sản xuất rượu Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) hiện có hơn 400 hộ chuyên sản xuất rượu nhưng việc xây dựng thương hiệu và giới thiệu sản phẩm lại chưa được quan tâm đúng mức. Có chủ sản xuất còn chưa biết thương hiệu là gì và không biết làm thế nào để quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Rượu Phú Lộc cho biết: Năm 1994, làng nghề nấu rượu Phú Lộc được UBND tỉnh công nhận là làng nghề, đây là cơ hội cho nghề truyền thống của địa phương phát triển. Sản phẩm rượu Phú Lộc được đánh giá tốt nhưng chưa vươn xa được tới thị trường quốc tế. Hầu hết sản phẩm chỉ được tiêu thụ trong nước. Rượu Phú Lộc xuất ra nước ngoài chủ yếu thông qua các doanh nghiệp trung gian khác. Điều đó cho thấy, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu rất quan trọng, nhất là việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho làng nghề bởi nó giúp làng nghề được bảo vệ về mặt luật pháp, đồng thời giúp làng nghề giữ gìn và phát huy uy tín thương hiệu truyền thống.
Tới làng rèn Đồng Tái, xã Thống Kênh (Gia Lộc), chúng tôi hỏi cơ sở rèn lớn nhất làng, đa số người dân ở đây không biết. Nhiều người dân gần như quên mất mình đang sống trong một làng nghề. Bác Nguyễn Văn Hữu, người hiếm hoi còn gắn bó với nghề thở dài: Bây giờ bà con trong làng bỏ nghề hết rồi. Số người còn theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lớp trẻ bây giờ học hành, đỗ đạt cũng kiếm đường khác mưu sinh. Bây giờ tôi cũng bữa làm, bữa nghỉ bởi người đặt hàng ngày càng ít. Việc còn không có mà làm nói gì đến chuyện quảng bá thương hiệu...
Lâu nay, các làng nghề truyền thống mới chỉ chú trọng tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm, loay hoay tìm nguồn vốn và thị trường tiêu thụ mà chưa tính đến chuyện xây dựng và quảng bá thương hiệu tới người tiêu dùng. Lấy truyền thống sản xuất hàng trăm năm để quảng bá thương hiệu đã thành nếp nghĩ của nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Bởi theo họ, làng nghề có truyền thống lâu đời ắt sẽ có nhiều người biết đến. Một số sản phẩm của các làng nghề bị làm nhái nhưng không biết kiện ai. Cũng vì chưa có thương hiệu nên việc xuất khẩu sản phẩm cũng phải qua khâu trung gian vừa đem lại ít lợi nhuận, vừa bị động trong sản xuất, kinh doanh lại thường xuyên bị các đối tác ép giá khiến hiệu quả sản xuất không cao.
Nhà nước quan tâm nhưng chưa hiệu quả
Những năm gần đây, việc quảng bá và giới thiệu thương hiệu làng nghề đã được UBND tỉnh quan tâm thông qua nhiều hoạt động như: đưa sản phẩm làng nghề đi triển lãm tại các hội chợ trong và ngoài nước; tổ chức bình chọn thương hiệu mạnh của tỉnh hay hội thảo về việc duy trì và xây dựng các làng nghề truyền thống, xây dựng khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các làng nghề... Tuy nhiên, mục tiêu để xây dựng thương hiệu cho các làng nghề vẫn chưa cao. Nhiều làng nghề vẫn đứng trước nguy cơ mai một do sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, người dân làng nghề vẫn có tâm lý giữ bí quyết, không muốn giới thiệu kỹ thuật làm nghề nên khó giới thiệu và quảng bá sản phẩm tới người mua. Trang thiết bị phục vụ sản xuất còn lạc hậu, sản phẩm của làng nghề phần lớn chưa phong phú nên chưa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng khiến sức tiêu thụ sản phẩm không cao...
Ông Mai Văn Hội, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Các làng nghề tiểu, thủ công nghiệp muốn tồn tại phải có thị trường. Nhưng muốn làm ăn lâu dài phải tạo lập được thương hiệu uy tín cho sản phẩm. Xây dựng thương hiệu cho các làng nghề là điều kiện giúp sản phẩm của làng nghề vươn xa và tránh không bị sao chép và cạnh tranh thiếu lành mạnh. Muốn xây dựng thương hiệu, các làng nghề cần quan tâm tới việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa chung (lô-gô cho sản phẩm) trên cơ sở sự đồng thuận của các hộ sản xuất trong làng. Hiện nay, việc giới thiệu thông tin các sản phẩm của các làng nghề lên mạng in-tơ-nét là một trong những cách làm hiệu quả, góp phần tạo khả năng tìm kiếm thị trường tiêu thụ ngoài nước, nhất là đối với các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao.
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch làng nghề cũng là một hướng đi tiềm năng giúp quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc làm này đòi hỏi sự phối hợp với ngành du lịch và bản thân các làng nghề phải có quy hoạch và xây dựng các điều kiện cần thiết để phát huy tiềm năng sẵn có của mình. Ngoài ra, ngành công thương cần quan tâm hơn tới công tác khuyến công, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng tới việc xây dựng các mô hình trình diễn và tư vấn quảng bá thương hiệu cho sản phẩm của làng nghề. Trung tâm Xúc tiến thương mại đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của làng nghề tại các hội chợ trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và người dân cũng như giữa các hộ sản xuất trong làng nghề để khẳng định thương hiệu cho sản phẩm.
LAN ANH