Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về công tác xây dựng CQGYTX nên chưa chú trọng chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, huy động nguồn lực cho công tác này.
Do nằm trong khuôn viên trường học nên sân Trạm Y tế xã Thanh Sơn (Thanh Hà)
thường xuyên thành sân chơi của học sinh
Tỉnh ta hiện có 231 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế xã (CQGYTX), đạt 87,1%, cao hơn tỷ lệ của toàn quốc (66,3%). Trong giai đoạn 2011- 2015, tỉnh ta phấn đấu 100% số xã đạt CQGYTX và củng cố, nâng cao chất lượng các xã đã đạt chuẩn theo tiêu chí quy định của Bộ Y tế và bộ tiêu chí về y tế xây dựng nông thôn mới của Chính phủ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, công việc trước mắt và lâu dài mà tỉnh ta cần phải giải quyết chính là những bất cập còn tồn tại.
Thanh Hà là một trong những huyện còn nhiều xã chưa đạt CQGYTX. Đến nay, huyện mới chỉ có 18 xã đạt CQGYTX, đạt 72%. Các xã chưa đạt CQGYTX (Trường Thành, Thanh Xuân, Thanh Cường, Thanh Thủy, Thanh Khê, Thanh Sơn, An Lương) đều là những xã khó khăn nên việc huy động kinh phí của địa phương để xây dựng chuẩn còn hạn chế. Trong đó, bức xúc nhất là vấn đề cơ sở vật chất của các trạm y tế vừa xuống cấp, vừa thiếu thốn. Mỗi trạm y tế chỉ có 5 phòng làm việc, diện tích phòng hẹp không đủ 18m2, thiếu 4- 5 phòng theo quy định. Trang thiết bị y tế chỉ đạt 75/132 danh mục, không đủ phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Hầu hết các trạm chưa quy hoạch vườn thuốc đông y, không có đủ danh mục 60 loại cây thuốc nam. Tỷ lệ khám, chữa bệnh y học cổ truyền thấp, phương tiện sơ chế thuốc đông y thiếu. Đặc biệt, trạm y tế xã Thanh Sơn còn nằm trong khuôn viên trường học, khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa y tế chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm đúng mức. Do công tác tuyên truyền giáo dục y tế chưa sâu rộng, thường xuyên nên nhận thức của người dân về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe còn hạn chế. Tỷ lệ hố xí hợp vệ sinh còn ở mức thấp (chỉ đạt 60%), xử lý chất thải gia súc, rác thải chưa theo đúng quy định.
Trạm Y tế thị trấn Phú Thái (Kim Thành) chỉ có 2 phòng cấp 4 đã xuống cấp
Huyện Kim Thành phấn đấu đến năm 2013, 100% số xã đạt CQGYTX. Tuy nhiên, trước mắt công tác xây dựng chuẩn còn tồn tại nhiều bất cập. Huyện có tới 50% số xã đã đạt chuẩn nhưng cơ sở vật chất tại các trạm y tế lại xuống cấp. Đồng chí Đỗ Long Xuyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Theo kế hoạch thì năm 2009, huyện sẽ hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt CQGYTX, tuy nhiên đến nay còn thị trấn Phú Thái và xã Lai Vu chưa đạt. Trạm Y tế thị trấn Phú Thái chỉ có 2 phòng, rộng khoảng 12m2/phòng, ở chung dãy ki-ốt kinh doanh, dịch vụ của thị trấn. Do diện tích phòng hẹp nên nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe không thể chuyển về như bàn đẻ, bàn khám phụ khoa, giường, bình ô-xy... Trạm Y tế xã Lai Vu được xây dựng đến nay khoảng 20 năm nên đã xuống cấp trầm trọng. Trạm chỉ có 6 phòng, đều trong tình trạng dột nát. Cả hai trạm y tế này đều đã được quy hoạch đất để xây dựng trạm y tế nhưng đến nay chưa khởi công xây dựng.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về công tác xây dựng CQGYTX nên chưa chú trọng chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, huy động nguồn lực cho công tác này. Đội ngũ cán bộ chưa đủ, nhất là bác sĩ công tác tại trạm, thiếu cán bộ y học cổ truyền. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng trầm trọng, thiếu nguồn nước sạch, công tác vệ sinh môi trường chưa được quan tâm. Nhận thức của người dân về công tác chăm sóc sức khỏe ở một số địa phương còn hạn chế. Ba công trình vệ sinh, xử lý rác thải, chất thải chưa bảo đảm quy định.
Ngành y tế đã đề ra các chỉ tiêu cơ bản phấn đấu đạt 10 chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đến năm 2010 và 7 nhóm giải pháp chính. Đồng chí Đoàn Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Các giải pháp chủ yếu gồm: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp toàn diện của cấp ủy đảng, chính quyền về công tác y tế. Nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục sức khỏe và dân số, kế hoạch hóa gia đình...
MINH HẠNH