Khó khăn trong phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp ở Ninh Giang

19/11/2010 06:18

Những yếu tố chủ yếu kìm hãm sự phát triển của Ninh Giang như hệ thống điện chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất; đường hẹp, cầu yếu khá phổ biến làm các xe có trọng tải lớn khó đi qua; trình độ lao động thấp...


Nghề làm bánh gai truyền thống ở Ninh Giang đang khó khăn do cạnh tranh với các sản phẩm bánh kẹo khác

Lực lượng lao động dồi dào, giá bồi thường giải phóng mặt bằng thấp... là những điều kiện thuận lợi để Ninh Giang thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp (CN-TTCN). Tuy nhiên, để đưa CN-TTCN trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Giang đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Ninh Giang từ lâu nổi tiếng với nghề làm bánh gai và làng nghề mộc Cúc Bồ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, bánh gai không đủ sức cạnh tranh với nhiều loại bánh kẹo sản xuất trong nước trên dây chuyền hiện đại và bánh kẹo nhập khẩu. Do có hạn sử dụng ngắn nên bánh gai khó có khả năng xuất khẩu và mở rộng thị trường. Làng nghề mộc Cúc Bồ hiện đang gặp khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu và sự cạnh tranh của nhiều đồ mộc dân dụng ở các làng nghề khác trong tỉnh. Nhiều làng nghề thủ công truyền thống như: thêu ren, xay xát, đan, chế biến lương thực, thực phẩm… cũng khó tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Để thu hút phát triển CN-TTCN, trong 2 năm 2005 và 2006, huyện Ninh Giang đã quy hoạch 2 cụm công nghiệp Vĩnh Hoà - Đồng Tâm và Nghĩa An để đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, sau 5 năm quy hoạch và mời gọi đầu tư, đến nay, các cụm công nghiệp vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Đến đầu tháng 11-2010, cụm công nghiệp Nghĩa An mới thu hút được duy nhất một dự án xây dựng nhà máy sản xuất số 4 của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (chuyên sản xuất hệ thống mạng, dây dẫn điện và các linh kiện điện tử trong ngành sản xuất điện tử ô-tô) với diện tích 4,5 ha. Trên địa bàn huyện mới chỉ có 8 doanh nghiệp quy mô nhỏ với các ngành nghề chủ yếu là sản xuất, chế biến thực phẩm, rau quả xuất khẩu, may mặc, đóng gói bao bì... Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư phát triển công nghệ sản xuất nhưng gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Xí nghiệp Chế biến thực phẩm, nông sản Hùng Sơn ở xã Vĩnh Hoà chủ yếu sản xuất, chế biến rau quả xuất khẩu, nhưng gần đây gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh mạnh mẽ của các công ty chế biến nông sản xuất khẩu của các tỉnh lân cận như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… Từ đầu năm đến nay, xí nghiệp phải sản xuất cầm chừng với số hàng còn tồn đọng trong kho trị giá khoảng 20 tỷ đồng. Ninh Giang đã tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư, nhưng nhiều doanh nghiệp tìm đến rồi lại đi bởi một số yếu tố cơ bản để bảo đảm duy trì sản xuất ở Ninh Giang chưa đáp ứng được.

Yếu tố đầu tiên khiến Ninh Giang gặp nhiều khó khăn trong phát triển CN-TTCN là hệ thống điện chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất. Chủ doanh nghiệp may Đoàn Văn Công ở Tân Quang bức xúc: “Thời gian qua, việc cắt điện thường xuyên đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ sản xuất của doanh nghiệp”. Không ít doanh nghiệp vì mất điện thường xuyên nên không cung ứng hàng cho đối tác đúng thời hạn. Hiện nay, Ninh Giang chưa có cách nào để nâng cấp đường dây tải điện cũng như lắp đặt các trạm biến áp công suất lớn. Hệ thống lưới điện còn nhiều hạn chế nên việc cắt điện đột ngột do quá tải vẫn thường xảy ra. Ngoài thiếu điện, hệ thống đường giao thông của Ninh Giang cũng chưa đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Huyện Ninh Giang có quốc lộ 17 đi qua nhưng đang trong quá trình thi công cải tạo. Cầu Ràm hẹp nên không cho phép xe có trọng tải hơn 3,5 tấn đi qua. Muốn đi sang các tỉnh bạn buộc phải qua phà. Đi Hải Phòng theo lối Tứ Kỳ phải qua cống An Thổ nhưng cống này cũng không cho phép xe có trọng tải lớn đi qua. Cầu Bía và cầu Tranh vẫn đang trong giai đoạn thi công chưa thể đưa vào sử dụng. Ông Phạm Ngọc Lập, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện cho biết: “Hiện nay, nhiều tuyến đường của huyện chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn. Tình trạng đường hẹp, cầu yếu khá phổ biến làm các xe có trọng tải lớn khó đi qua. Thực tế này đã làm giảm sức hút đầu tư phát triển CN - TTCN”. Bên cạnh đó, dù có nguồn lao động khá dồi dào song các doanh nghiệp trong huyện vẫn gặp phải tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao. Nguyên nhân là do các lao động tay nghề cao thường có xu hướng tìm việc tại các thành phố lớn. Những lao động còn lại trình độ hạn chế, ít được đào tạo. Việc này khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư tại Ninh Giang.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CN-TTCN ở Ninh Giang, huyện rất cần sự quan tâm, đầu tư của tỉnh và trung ương để nâng cấp, hoàn thiện lưới điện và hệ thống đường giao thông. Đồng thời, địa phương cần tích cực cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, bài toán về chất lượng nguồn lao động cần sớm được giải quyết thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề để nâng cao trình độ lao động. Mặt khác, Ninh Giang cần tránh tình trạng thu hút đầu tư tràn lan, thiếu chọn lọc làm phá vỡ quy hoạch tổng thể và  ảnh hưởng tới giao thông và môi trường sống. Thu hút đầu tư bằng cơ chế thông thoáng song cần đặt hiệu quả và chất lượng đầu tư lên hàng đầu để ngăn ngừa tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi “đầu cơ” hoặc đưa rác thải công nghệ về địa phương. CN-TTCN ở Ninh Giang phát triển bền vững sẽ tạo điều kiện để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

PV

6 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN của Ninh Giang đạt 65,8 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 226 tỷ đồng và giá trị dịch vụ, thương mại đạt 197,5 tỷ đồng. Như vậy, tỷ trọng CN-TTCN chiếm vị trí không lớn trong cơ cấu kinh tế chung của huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó khăn trong phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp ở Ninh Giang