Khó khăn trong điều trị trẻ mắc bệnh tự kỷ

26/09/2017 08:53

Trẻ mắc bệnh tự kỷ ngày càng gia tăng không chỉ ở các đô thị lớn mà ở cả những vùng quê, thực sự trở thành nỗi lo đối với nhiều bậc cha mẹ.



Điều dưỡng Lê Thu Huyền đang dạy ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ


Gia đình có trẻ mắc bệnh tự kỷ đồng nghĩa phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả trong hành trình chữa bệnh cho con...

Chị Lê Thị H. ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) có con trai 2 tuổi đang điều trị bệnh tự kỷ tại Khoa Tâm thần kinh - phục hồi chức năng - y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi Hải Dương). Chị H. cho biết ngay từ khi sinh ra, con chị đã có biểu hiện không bình thường, hay quấy khóc về đêm đến tận tháng thứ 5. Cháu cũng phát triển chậm hơn so với những trẻ khác, đến 7-8 tháng mới biết lẫy, 1 tuổi mới biết ngồi, 2 tuổi mới biết đi.


Cháu cũng hay cáu gắt, càng lớn càng ương bướng và đòi mọi thứ bằng được. Nếu không đáp ứng ngay cháu sẽ ăn vạ, đập đầu vào tường hoặc tự dùng tay đấm vào mặt mình… Thấy những biểu hiện lạ đó ngày một nhiều chị H. đã đưa con đến bệnh viện khám và phát hiện cháu mắc chứng bệnh tự kỷ. “Hy vọng sau khi được điều trị, bệnh của cháu sẽ thuyên giảm, có thể nhận biết được những kỹ năng đơn giản như tự uống nước, xúc cơm ăn, tự đi vệ sinh và có thể nói chuyện, biểu lộ cảm xúc là tôi phấn khởi lắm rồi”, chị H. nói.

Chị Nguyễn Thị T. ở xã Hưng Long (Ninh Giang) cũng có con trai 3 tuổi đang điều trị chứng tự kỷ tại Bệnh viện Nhi Hải Dương được 3 tháng nay. Chị T. cho biết lúc mới sinh được hơn 1 tháng con chị hay quấy khóc, tay cầm nắm không tốt, đi kiễng chân, mắt lác, lờ đờ, không tập trung... 3 tuổi rồi mà cháu vẫn chưa nói được. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện, cháu đã có tiến triển như làm được một số việc, đỡ quấy khóc hơn...

Điều dưỡng Lê Thu Huyền, giáo viên dạy ngôn ngữ tại Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết một ngày chị dạy cho từ 8-10 trẻ như các trường hợp kể trên. Dạy những trẻ bình thường đã vất vả, nhưng đối với những trẻ bị tự kỷ thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Hầu hết các cháu đều không hợp tác nên trong quá trình dạy học, cô giáo phải rất nỗ lực, kiên trì. Đặc biệt, các cô phải có tình thương, lòng yêu trẻ và tâm huyết với công việc.


Khó khăn nữa mà những giáo viên phải đối mặt là khả năng tiếp thu cũng như nhận biết của trẻ tự kỷ rất chậm, kỹ năng bắt chước kém. Có cháu dạy cả tháng trời mà vẫn không biết chào hay nói chuyện. Có trường hợp giáo viên phải kiên nhẫn dạy 4-5 tháng thì trẻ mới có thể bật ra được những tiếng đơn giản như ông, bà, bố, mẹ…

Theo bác sĩ Phạm Nguyên Chính, Khoa Tâm thần kinh - phục hồi chức năng - y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi Hải Dương), số trẻ em đến khám chứng tự kỷ tại bệnh viện tăng mạnh trong thời gian gần đây. Mỗi ngày khoa khám sàng lọc tự kỷ cho từ 10-20 cháu và hiện đang điều trị cho 40 cháu mắc chứng tự kỷ.


Trước đây, mỗi năm khoa điều trị ngoại trú cho khoảng 200 cháu, nay tăng lên 600 cháu. Việc điều trị cho trẻ tự kỷ cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trang thiết bị phục vụ điều trị còn thiếu thốn, lượng bệnh nhân ngày một tăng nhưng đội ngũ giáo viên giảng dạy còn ít, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng…


Bệnh viện ở xa trung tâm thành phố nên hằng ngày phụ huynh đưa con em đến điều trị rất vất vả. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị, bệnh viện rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.    

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó khăn trong điều trị trẻ mắc bệnh tự kỷ