Do tác động của mặt trái cơ chế thị trường và Luật Nghĩa vụ quân sự có một số bất cập nên việc tuyển quân ở một số địa phương còn gặp không ít khó khăn.
Cán bộ Ban Chỉ huy quân sự xã Ngũ Hùng đến từng nhà động viên thanh niên lên đường nhập ngũ
Những năm qua, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (gọi tắt là tuyển quân) được các địa phương trong tỉnh tổ chức chặt chẽ, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Tuy vậy, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường và Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) có một số bất cập nên việc tuyển quân ở một số địa phương còn gặp không ít khó khăn.
Nhiều khó khănXã Thống Kênh (Gia Lộc) là một trong những địa phương thường xuyên gặp khó khăn trong việc tuyển quân. Đồng chí Vũ Xuân Công, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) xã cho biết: Ngoài đối tượng miễn, tạm hoãn lớn thì hiện nay xã gặp một vấn đề "khó gỡ" là sự thiếu hợp tác của gia đình có con em trong độ tuổi nhập ngũ. Năm 2011, mặc dù cấp ủy, chính quyền cùng các ngành, đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng vẫn còn hơn 10 thanh niên không về khám tuyển. Năm 2012, xã được giao tuyển 13 thanh niên nhập ngũ. Khi chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến ngày giao quân nhưng xã vẫn còn 20 thanh niên chưa về khám.
Cũng theo đồng chí Vũ Xuân Công, trước đó, huyện Gia Lộc đã thành lập đoàn công tác liên ngành phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã đến từng gia đình có con em thuộc diện nhập ngũ để tuyên truyền, vận động, nhưng không có kết quả. Bà Nguyễn Thị Thiệp, mẹ của anh Nguyễn Ngọc Quảng (sinh năm 1990) cho biết: "Con tôi đi làm ở tận Quảng Ninh nên khó liên lạc lắm. Có lần liên lạc được thì cháu lại bảo không về nên gia đình cũng đành chịu". Còn ông Nguyễn Ngọc Việt, bố của anh Nguyễn Ngọc Quý (sinh năm 1991) biện bạch: "Con tôi thường xuyên thay đổi chỗ làm và số điện thoại nên gia đình không thể liên lạc được". Đây cũng là 2 thanh niên năm 2011 không chấp hành khám tuyển NVQS, đến nay địa phương vẫn chưa xử lý được theo quy định.
Xã Tiền Phong (Thanh Miện) cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Xã Tiền Phong có hơn 100 hộ di cư tự do đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển quân. Ngoài ra, nhiều thanh niên khi trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp không làm thủ tục chuyển khẩu nên địa phương không quản lý được". Ông Long thừa nhận bên cạnh những nguyên nhân khách quan cũng còn có nhiều nguyên nhân chủ quan như việc tuyên truyền chưa thường xuyên, một bộ phận thanh niên, gia đình còn có biểu hiện trốn tránh, thiếu sự hợp tác, công tác quản lý nguồn chưa tốt, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ… Năm 2011, xã đã xử lý trên 20 trường hợp trốn khám tuyển NVQS, phạt hành chính trên 10 triệu đồng. Trong đợt tuyển quân năm 2012, đến ngày 10 - 8, xã còn 30 thanh niên không về khám tuyển NVQS.
Thanh niên huyện Gia Lộc khám tuyển nghĩa vụ quân sự đợt 2 năm 2012
Việc tuyển quân ở một số địa phương còn gặp khó như: Tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, lây nhiễm HIV và nghiện ma tuý có xu hướng gia tăng. Việc nắm và quản lý số công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS đi làm ăn xa chưa tốt nên số vắng mặt khám sức khoẻ còn nhiều (có những cơ sở vắng trên 80%). Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện quy trình đăng ký, quản lý nguồn ở một số địa phương chưa chặt chẽ. Thời gian thực hiện tuyển quân của mỗi đợt kéo dài (khoảng 3 tháng), gây khó khăn cho việc quản lý nguồn, nhất là sau khi thanh niên đã khám được sức khoẻ. Hằng năm, các địa phương giới thiệu rất nhiều thanh niên trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, nhưng khi học xong, việc cắt quân số, giới thiệu chuyển về địa phương nhiều trường chưa làm được. Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng còn thấp, chưa có tính răn đe và thủ tục chưa hợp lý. Ví dụ như công dân vi phạm Luật NVQS phải ký trực tiếp vào biên bản mới xử phạt hành chính được, nhưng công dân thường đi làm ăn xa không đăng ký với chính quyền địa phương, trốn tránh khi địa phương thực hiện các bước tuyển quân. Đối tượng miễn, tạm hoãn nhập ngũ rất rộng cũng khiến cho công tác tuyển quân gặp khó.
Những cách làm hayMặc dù có những khó khăn nhưng nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm hay, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu giao quân. Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng NVQS xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) cho biết: "Để làm tốt công tác tuyển quân, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương còn có sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể nên năm nào xã cũng có thanh niên tình nguyện làm đơn nhập ngũ". Đầu năm, xã Ngũ Hùng tổ chức cho các gia đình có con em trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ ký cam kết thực hiện Luật NVQS, hẹn ngày có mặt tại địa phương để khám sơ tuyển. Trước khi khám sơ tuyển, Hội đồng NVQS xã rà soát kỹ số thanh niên thuộc diện miễn, tạm hoãn, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của xã để nhân dân nắm được.
Phường Nhị Châu (TP Hải Dương) lại thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội. Đồng chí Trần Ngọc Đạo, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường cho biết: Trước ngày giao quân, phường tổ chức gặp mặt, nói chuyện truyền thống, tổ chức cho thanh niên trúng tuyển NVQS đi tham quan các địa danh lịch sử, đồng thời tặng quà và sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 1 triệu đồng) cho mỗi thanh niên. Phường tổ chức đón nhận những quân nhân hoàn thành NVQS trở về địa phương. Từ năm 2010 đến nay, phường đã đón nhận 23 thanh niên hoàn thành NVQS trở về, trong đó tạo điều kiện giới thiệu 7 người đi lao động ở nước ngoài, còn lại làm ở các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với thu nhập ổn định.
Đại tá Đinh Văn Truy, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, những năm qua, mặc dù tỉnh ta vẫn luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu giao quân hằng năm, nhưng công tác tuyển quân ở một số địa phương còn những hạn chế, yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền các cấp xác định công tác tuyển quân là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từ cơ sở. Tập trung quán triệt sâu sắc nhiệm vụ tuyển quân đến từng thôn, xóm, khu dân cư. Hội đồng NVQS ở các địa phương thường xuyên được kiện toàn, phân công trách nhiệm theo dõi, bám sát cơ sở, địa bàn phụ trách, nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh. Cơ quan quân sự chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền thực hiện tốt các khâu, các bước trong công tác tuyển quân; làm tốt công tác tuyên truyền Luật NVQS, quan tâm đầu tư về vật chất, tinh thần như tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, giao lưu văn hoá văn nghệ.
Để thực hiện tốt công tác tuyển quân đợt 2 năm 2012, các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát lại và tổ chức khám vét số vắng sơ tuyển, khám tuyển, kiên quyết xử lý nghiêm những người bao che, vi phạm Luật NVQS, bảo đảm công bằng xã hội.
Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động nắm chắc số thanh niên học hết lớp 12 đã dự thi vào các trường và nắm chắc điểm thi đỗ, điểm sàn của các trường để tạm hoãn cho công dân trúng tuyển; yêu cầu các huyện, thị xã giao quân tổ chức thâm nhập, chốt quân số, phát lệnh gọi nhập ngũ, nắm chắc tư tưởng số thanh niên trúng tuyển NVQS để giảm tỷ lệ dự phòng, thực hiện phương châm "tuyển người nào chắc người đó"…
|
MINH MẪN