Nỗ lực giải cứu lao động Việt từ các đường dây lừa đảo ở Sihanoukville gặp nhiều khó khăn khi số nạn nhân quá lớn và liên tục tăng, theo Tổng lãnh sự Võ Ngọc Lý.
Từ đầu năm đến nay, Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Sihanoukville, thủ phủ tỉnh Preah Sihanouk, tây nam Campuchia, đã phối hợp cùng giới chức Campuchia tổ chức khoảng 50-60 cuộc kiểm tra, đưa được hơn 600 trường hợp ra khỏi những cơ sở lao động trái phép và hỗ trợ về nước. Từ năm 2021 đến nay, hơn 800 công dân đã được giải cứu tại địa bàn tỉnh Preah Sihanouk.
Tuy nhiên, Tổng lãnh sự Võ Ngọc Lý cho rằng số người Việt trở thành nạn nhân trong các đường dây lừa đảo lao động ở Campuchia trên thực tế lớn hơn rất nhiều, trong khi hoạt động giải cứu gặp rất nhiều thách thức.
Ông cho biết khó khăn lớn nhất là dòng chảy lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang Campuchia quá nhiều và số lượng trở thành nạn nhân quá lớn. Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Sihanoukville mỗi ngày nhận được hàng chục thông tin nhờ giải cứu từ nhiều nguồn khác nhau.
"Gần đây, gần như lúc nào cũng có người gọi điện trình báo, cả ngày lẫn đêm. Tin nhắn, cuộc gọi đến liên tục nhưng anh em không ai dám tắt điện thoại. Tắt thì thương, lỡ có chuyện gì xảy ra thì đau lòng lắm", Tổng lãnh sự chia sẻ.
Giữa tháng 4, Tổng lãnh sự quán nhận được thông tin kêu cứu của một số người Việt, thông báo họ đang bị giam trong một cơ sở sử dụng lao động bất hợp pháp.
Trong khi Tổng lãnh sự quán làm việc với giới chức sở tại, tối 19.4, khoảng 30 người trốn khỏi địa điểm giữ lao động, tới thông báo với Tổng lãnh sự quán và cảnh sát Campuchia, mở đầu cho một trong những đợt giải cứu lao động Việt lớn nhất ở Sihanoukville.
"Tổng lãnh sự quán đã phối hợp với cảnh sát địa phương giải cứu thêm 270 lao động đang kẹt trong cơ sở này. Tất cả đều là người Việt, nhưng chỉ khoảng 50 người có giấy tờ, số còn lại đều đi sang Campuchia bằng con đường bất hợp pháp", Tổng lãnh sự Võ Ngọc Lý cho biết về tình trạng lao động Việt trở thành nạn nhân trong các cơ sở lao động trái phép ở Campuchia. Sau khoảng 10 ngày hoàn tất thủ tục xác minh nhân thân, họ đều được về nước an toàn.
"Họ rất xúc động. Đưa được cùng một lúc hơn 300 người thoát, tôi nghĩ đó là việc làm hết sức ý nghĩa. Một ngày ở trong cơ sở lao động trái phép là thêm một ngày họ khổ sở trăm bề", ông Lý nói.
Ông cho hay khó khăn thứ hai trong nỗ lực giải cứu là thông tin được gửi tới Tổng lãnh sự quán thường không đầy đủ và rất khó xác minh, do các nạn nhân khi liên lạc cũng phải chấp nhận mạo hiểm, đánh cược sự an toàn của bản thân khi bị chủ lao động giám sát gắt gao.
"Nhiều tin nhắn chỉ có tên tuổi, chứng minh thư của nạn nhân. Người nhà chỉ biết họ sang Campuchia hoặc đang ở thành phố Sihanukville, không rõ ở khu vực nào", ông kể. "Một số gửi định vị, nhưng chỉ thể hiện khu vực 5-6 tòa nhà, không biết rõ là tòa nhà nào".
Trong khi đó, cảnh sát Campuchia khi tiếp nhận thông tin đều yêu cầu phải cung cấp cụ thể số phòng, số tầng, địa chỉ tòa nhà mới cử lực lượng tới xác minh. Nguồn lực của cảnh sát sở tại mỏng, trong khi phải cùng lúc giải quyết đề nghị hỗ trợ từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có công dân trong tình cảnh tương tự.
Tổng lãnh sự Lý nêu ra một vấn đề nhức nhối nữa là số lao động đến Campuchia qua con đường bất hợp pháp tăng quá nhanh. "Cứ đưa được một người ra thì lại thêm 2-3 người tìm đường sang đây lao động bất hợp pháp", ông nói.
Theo ghi nhận của cơ quan đại diện Việt Nam, tình trạng người Việt trở thành nạn nhân trong các cơ sở lao động trái phép ở các địa bàn như thành phố Sihanoukville và tỉnh Preah Sihanouk gia tăng và diễn biến phức tạp từ cuối năm 2021, khi tình hình Covid-19 dần được kiểm soát và các biện pháp hạn chế đi lại ở biên giới hai nước được nới lỏng.
Các đường dây dùng mạng xã hội lôi kéo người Việt vượt biên trái phép sang Campuchia với lời hứa "việc nhẹ, lương cao", không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp, hứa hẹn sẽ hỗ trợ chi phí, thủ tục nhập cảnh. Nạn nhân bị nhắm tới chủ yếu là thanh niên trong nhóm tuổi 20-30, thậm chí có những người mới 14-15 tuổi. Họ "cứ thấy bạn bè rủ là đi" mà không biết được những hiểm họa đang rình rập ở nơi đất khách quê người.
Theo ông Lý, hầu như mọi trường hợp sang Campuchia bằng con đường bất hợp pháp, thông qua môi giới việc làm không chính thức, đều trở thành nạn nhân trong các cơ sở lao động trá hình.
Lao động người Việt khi sang đến Campuchia thường được yêu cầu ký hợp đồng bằng tiếng Khmer, tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc, không có tiếng Việt. Đại đa số đặt bút ký mà không biết trong hợp đồng có điều khoản gì và lập tức trở thành nạn nhân của đường dây lừa đảo.
Theo phân tích của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), những cơ sở giữ người trái phép và cưỡng ép lao động phần lớn là đường dây lừa đảo chuyên nghiệp đội lốt kinh doanh trực tuyến hoặc casino. Những đường dây này tổ chức sòng bạc trực tuyến, chơi game ăn tiền, sàn giao dịch đầu tư "ma" và ép người lao động thực hiện nhiều chiêu lừa đảo trực tuyến, đánh vào mong muốn kiếm tiền dễ dàng của nạn nhân.
Đến khi được giao việc thực tế, các lao động này mới nhận ra công việc không đúng như hứa hẹn, mức lương không như kỳ vọng và phải chịu nhiều khoản phạt lớn mỗi khi vi phạm hợp đồng.
"Chủ sẽ giao cho mỗi người chỉ tiêu một ngày lừa được bao nhiêu tiền, thậm chí là lừa thêm bao nhiêu người từ Việt Nam sang. Khi họ không đạt chỉ tiêu, chủ sẽ bắt kéo dài thời gian làm việc lên 16-17 tiếng/ngày, giam lương hay bán sang cơ sở khác", ông Lý mô tả điểm chung trong các trường hợp lao động người Việt bị lừa tại Campuchia.
Nhiều trường hợp nạn nhân bị hành hung và đòi tiền "đền bù hợp đồng" khi chống đối. Theo ghi nhận của Tổng lãnh sự quán, mức tiền chuộc mà các đường dây này đặt ra cho nạn nhân đã tăng mạnh trong hơn hai năm qua, từ phổ biến hơn 1.000 USD vào giai đoạn 2020-2021 lên 2.000-5.000 USD từ cuối năm ngoái, thậm chí có trường hợp bị đòi tới 20.000 USD.
Nhiều người đã phải gọi điện về nhà cầu cứu, thậm chí dọa tự sát vì ở trong công ty "sống không bằng chết", nên gia đình phải chạy vạy bán nhà, vay mượn để nộp tiền chuộc họ ra. Một số nạn nhân không gom đủ tiền chuộc đã tìm cách liên hệ với cơ quan chức năng tại Việt Nam và Campuchia để nhờ giải cứu.
Theo ông Lý, giải pháp quan trọng để ngăn chặn vấn nạn này là đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng ngay tại Việt Nam về các hiểm họa xuất ngoại tìm "việc nhẹ, lương cao" qua con đường bất hợp pháp, đặc biệt ở các tỉnh biên giới. Biện pháp này cần được tiến hành song song với các nỗ lực trấn áp tội phạm đang diễn ra quyết liệt ở Campuchia.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sihanoukville cho rằng hoạt động này cần được thực hiện ở gia đình, nhà trường, nhắm tới những người trẻ tuổi, ít được tiếp cận thông tin, giúp họ hiểu rõ cạm bẫy của các đường dây lừa đảo lao động.
"Số nạn nhân được giải cứu và đưa ra khỏi những cơ sở như vậy dường như vẫn rất ít so với thực tế. Nhưng tôi tin rằng trong một hoặc hai năm tới, Sihanoukville sẽ không còn tình trạng này nữa, bởi đây là thành phố bộ mặt về kinh tế, du lịch của Campuchia", Tổng lãnh sự Võ Ngọc Lý nói, đề cập đến đến chiến dịch gần đây của giới chức nước này nhằm trấn áp các đường dây buôn người, cưỡng bức lao động.
Theo VnExpress