Do thành lập tự phát nên thù lao, phương tiện bảo hộ lao động không bảo đảm dẫn đến tình trạng nhiều nơi không tìm được người thu gom.
Công việc nặng nhọc, độc hại nhưng thu nhập thấp đã khiến nhiều người không gắn bó
với công việc thu gom rác thải ở nông thôn
Những năm gần đây, để góp phần bảo vệ môi trường, các địa phương trong tỉnh đã thành lập tổ thu gom rác thải. Tuy nhiên, do thành lập tự phát nên thù lao, phương tiện bảo hộ lao động không bảo đảm dẫn đến tình trạng nhiều nơi không tìm được người thu gom.
Việc nặng, lương thấp5 năm nay, bà Nhữ Thị Tấn ở thôn Cầu Sồi, xã Thái Học (Bình Giang) là thành viên tổ thu gom rác thải của thôn 2 ngày một lần lại kéo xe ba gác khắp xóm để thu rác thải cho người dân. Mỗi lần thu gom mất gần 1 ngày với 5 xe, mỗi xe nặng khoảng 1,5 tạ rác. Năm nay bà Tấn 65 tuổi, với trọng lượng ấy và quãng đường xa gần 1 km, bà luôn cảm thấy quá sức. “Sức khỏe của tôi hiện nay giảm nhiều nên công việc này khá nặng nhọc. Tôi xin nghỉ mấy lần nhưng lần nào lãnh đạo thôn cũng đến động viên tiếp tục công việc. Tôi tính chỉ có thể làm đến hết thời gian trong hợp đồng năm nay rồi xin nghỉ”, bà Tấn nói. Còn ông Chu Thế Hiển, Trưởng thôn Cầu Sồi, xã Thái Học thì cho biết: “Tổ thu gom rác thải của thôn có 2 người, đều là nữ và đã quá tuổi lao động. Nhiều lần các chị xin nghỉ nhưng do thôn không tìm được người nên lại động viên tiếp tục công việc. Ở xã Thái Học, các loại hình dịch vụ thương mại phát triển mạnh. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp, nhà máy, lao động trẻ, khỏe xin vào đây làm, họ được trả lương cao và ổn định. Chính vì thế, để tìm được người có sức khỏe gắn bó với việc thu gom rác thải trong thôn rất khó”.
Được thành lập từ năm 2006, tổ thu gom rác thải xã Tân Hương (Ninh Giang) đã góp phần tích cực làm cho đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp. Hiện nay, tổ đã thu gom được 90% số rác thải trên địa bàn xã. Tuy nhiên, để duy trì được tổ này thật sự rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Phú, Tổ trưởng tổ thu gom rác thải xã Tân Hương cho biết: Công việc nặng nhọc nhưng lương thấp nên cứ làm được một thời gian lại có người xin nghỉ, anh em chúng tôi phải đến tận nhà động viên. Cũng có người quay trở lại tiếp tục làm việc và cũng có người kiên quyết không quay lại. Khi đó, chúng tôi phải vận động họ làm thêm một thời gian ngắn nữa để tìm người mới thay thế. Từ khi thành lập đến nay, tổ đã thay lao động hàng chục lần, có người chỉ làm được 1-2 tháng rồi nghỉ hẳn”.
Cần nâng mức phíTheo Nghị quyết số 131/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành năm 2009 thì mức phí thu gom rác thải từ 2.000-5.000 đồng/người/tháng hoặc 7-10 nghìn đồng/ hộ/tháng. Mức này hiện nay đã quá thấp, nhưng lại có nhiều gia đình không chịu đóng. Chính vì thế, mức lương chi trả cho những người làm công việc thu gom rác thải thường thấp, từ 400-800 nghìn đồng/người/ tháng, những nơi có mức thu nhập trên 1 triệu đồng/người/tháng rất hiếm. Bên cạnh đó, phương tiện, điều kiện làm việc cho người thu gom rác thải cũng còn hạn chế, hầu hết đều do thôn tự trang bị hoặc kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức, còn kinh phí của xã, huyện hỗ trợ cho hoạt động này gần như không có.
Ông Nguyễn Văn Phú, Tổ trưởng tổ thu gom rác thải xã Tân Hương cho biết, mức thu phí đối với dịch vụ thu gom rác thải đối với những hộ dân ở khu vực cầu Ràm là 20 nghìn đồng/hộ/tháng, ở mặt đường thôn là 8.000 đồng, còn những khu vực khác chỉ 7.000 đồng. Thế nhưng thực tế cũng chỉ thu được khoảng 80% số hộ trong xã, những hộ còn lại tìm nhiều lý do để không đóng. Chính vì thế, lương của lao động thu gom rác chỉ đạt 1 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, Tân Hương là xã có nhiều loại hình dịch vụ, 1 lao động tự do có thể dễ dàng kiếm được 150 nghìn đồng/ngày.
Để duy trì hoạt động của các tổ thu gom rác thải, bảo đảm cho môi trường nông thôn sạch, đẹp, ngành tài nguyên và môi trường đang phối hợp với các ngành liên quan kiến nghị các biện pháp, chính sách hỗ trợ cho công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải. Trong đó đề nghị tỉnh cần có văn bản quy định lại về hệ thống phí, thu phí và xử phạt trong thu, nộp phí vệ sinh môi trường, chế độ ưu đãi cho các hoạt động tái chế chất thải đặc biệt là rác thải sinh hoạt. UBND tỉnh cần có biện pháp hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ, đội vệ sinh môi trường nông thôn như: trang bị thiết bị thu gom, vận chuyển, bảo hộ lao động, chính sách xã hội...
Theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh), tại 72 xã thuộc 12 huyện, thành phố, thị xã thì trung bình một người thải ra 0,44 kg rác thải/ngày. Tổng lượng rác thải của khu vực nông thôn hơn 210 nghìn tấn/năm. Trong đó rác hữu cơ chiếm gần 70%. Chỉ có 60% số hộ tiến hành phân loại rác thải trước khi bỏ. Trong số 72 xã nghiên cứu, có 8 xã chưa có tổ, đội thu gom rác thải. Lực lượng tham gia thu gom rác thải chủ yếu là lao động nông nhàn, hiện đã thu gom được khoảng 64% số rác do người dân thải ra. |
THANH HÀ