Hiện nay, không ít cặp vợ chồng sau thời gian kết hôn, chung sống dưới một mái nhà thì xảy ra những chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Lý do thì nhiều vô kể, chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ bởi “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Không chịu đựng được nhau, dù đã có con nhưng họ vẫn quyết tâm đưa nhau ra tòa ly dị. Lẽ dĩ nhiên, tòa hòa giải không được thì sẽ phân xử theo pháp luật. Đầu tiên là chia tài sản, đất đai, nhà cửa, tiền của... tất cả những gì là của chung mà hai vợ chồng tạo dựng được từ khi kết hôn. Trong chuyện chia chác ấy, đau lòng nhất phải kể đến việc chia con.
Vân và Tú lấy nhau được bốn năm, có một bé trai ba tuổi bụ bẫm, kháu khỉnh. Lúc đầu hai vợ chồng chí thú làm nông nghiệp, mỗi vụ hoa màu cũng thu được vài chục triệu đồng. Nhưng năm vừa qua, công ty mở đến tận làng quê. Vợ chồng Tú và Vân hết ruộng nhưng được đền bù hàng trăm triệu đồng. Vân xin đi làm công nhân trong công ty may còn Tú kiếm việc làm thuê làm mướn, ngày làm ngày nghỉ. "Nhàn cư vi bất thiện", bị đám thanh niên rủ rê cờ bạc, dần dà Tú lao vào đánh bài như con thiêu thân. Tài sản trong nhà cứ “đội nón ra đi”. Vân khuyên mãi không được thì "tiếng chì tiếng bấc". Được thể, Tú càng ham chơi, đêm nào cũng đi đến khuya mới về, người sặc sụa mùi rượu và dựng Vân dậy để đánh chửi, om sòm cả xóm. Nhiều lần Vân bị chồng đánh thâm tím cả mặt mũi, người gầy rộc đi. Gia đình hai bên nội ngoại đã họp bàn, góp ý khuyên giải nhưng Tú vẫn chứng nào tật ấy. Vân quyết định bế con về nhà đẻ ở và viết đơn ly dị. Ra tòa, Vân xin nhận nuôi con nhưng bố mẹ Tú nhất quyết không đồng ý vì sợ mất “cháu đích tôn” và bắt Tú phải nhận nuôi thằng bé. Bố mẹ Vân thì bắt Vân trả con cho bố nó để còn có cơ hội đi lấy chồng, làm lại cuộc đời. Hai bên giằng co nhau, lời qua tiếng lại thành ra chút tình nghĩa còn lại cũng hết. Cuối cùng thằng bé ở với ông bà nội, chỉ thương nó nhỏ quá, chưa biết gì đã phải xa bố, xa mẹ.
Tùng và Hà lấy nhau được sáu năm thì có ba mặt con. Hai đứa đầu là con gái. Sau hai lần Hà sinh ra “vịt giời”, Tùng bỏ bê công việc, la cà quán xá, bỏ mặc vợ con. Mỗi khi bạn bè khích bác, Tùng lại nổi nóng với vợ rồi vô cớ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người mình vẫn gối ấp vai kề. Hà nín nhịn chiều chồng, sinh thêm một đứa nữa mặc dù biết rằng mình sẽ rất vất vả. Tưởng sinh được con trai thì chồng sẽ sửa đổi tính nết, chịu khó làm ăn, không ngờ Tùng nghiện ma túy lúc nào Hà cũng chẳng hay biết. Mải mê đi làm, hết việc cơ quan lại việc nhà, một nách ba con, lại đẻ dày nên Hà chẳng còn thời gian chăm sóc bản thân và “giám sát” chồng. Biết chuyện, bố mẹ chồng không thông cảm lại đổ lỗi hết cho Hà, rồi lôi Hà ra trách móc, đay nghiến. Cảm thấy bị dồn đến bước đường cùng, Hà không chịu đựng được nên quyết định giải thoát bằng con đường ly dị. Lúc tòa “chia con”, Hà có nguyện vọng nuôi đứa bé nhất nhưng bố mẹ Tùng không đồng ý. Một mình nuôi cả ba đứa thì Hà không đủ khả năng. Cuối cùng Hà nuôi hai đứa con gái lớn còn thằng nhỏ thì ông bà nội cương quyết nhận nuôi. Thế là ba đứa con của Hà đang ngày ngày quấn quýt bên nhau bỗng phải sống cảnh “tan đàn xẻ nghé”.
Cặp vợ chồng Lan và Tiến đã gắn bó được hơn chục năm, đã vượt qua chặng đường khó khăn nhất là “thời thơ ấu vợ chồng”, kinh tế khá giả, nhà cao cửa rộng. Chỉ buồn vì hai thằng con trai thì một thằng bị thiểu năng bẩm sinh. Cuộc sống cứ êm đềm trôi đi cho đến một ngày Lan phát hiện chồng mình có “bồ nhí”. Lan đã bỏ qua cho êm cửa êm nhà, hy vọng Tiến nghĩ lại mà quay về với vợ con nhưng không ngờ Tiến đòi công khai với gia đình mối quan hệ bất chính kia. Dù không được ai chấp nhận nhưng cô “bồ nhí” của Tiến ngang nhiên “ghen ngược” với Lan. Không những thế, hằng tháng kiếm được bao nhiêu tiền Tiến đều mang cho bồ hết. Thương con, nhưng Lan vẫn quyết ly dị chồng. Ra tòa, Tiến nhận nuôi đứa con khôn ngoan, còn đứa con bị thiểu năng thì anh ta trút cho Lan...
Lý do chia tay của các cặp vợ chồng khi họ không thể ăn ở được với nhau nữa thì mỗi người một kiểu nhưng phần lớn người phụ nữ phải chịu thiệt thòi. Thiệt thòi hơn cả là những đứa con của họ, chúng phải sống xa mẹ hoặc xa bố, thậm chí xa cả bố lẫn mẹ. Sự thiếu thốn tình cảm gia đình ngay từ thời thơ ấu là một vết thương khó lành, là nỗi ám ảnh trong tâm hồn của trẻ thơ.
TRẦN LÀNH