Khi sinh viên khởi nghiệp

20/11/2016 07:31

Với niềm đam mê, quyết tâm làm giàu, nhiều người đã bước đầu thành công. Tuy nhiên, câu chuyện khởi nghiệp không hề dễ dàng như nhiều người nghĩ.



Tiệm spa của Đoàn Văn Thịnh mỗi tháng mang lại lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng

Khởi nghiệp sớm là lựa chọn của không ít sinh viên các trường đại học, cao đẳng và học sinh trung học chuyên nghiệp ngày nay. Với niềm đam mê, quyết tâm làm giàu, nhiều người đã bước đầu thành công. Tuy nhiên, câu chuyện khởi nghiệp không hề dễ dàng như nhiều người nghĩ.

Thêm trải nghiệm


Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, Đoàn Văn Thịnh, học sinh lớp 12B Trường Trung cấp Y tế Hải Dương sớm có tư tưởng làm giàu bằng con đường kinh doanh. Vào học được vài tháng, Thịnh bắt đầu mở quán cà phê, rồi sau đó chuyển sang mở tiệm spa chăm sóc sắc đẹp. Mặc dù lựa chọn công việc để khởi nghiệp không theo ngành mình đang học nhưng bước đầu Thịnh đã thành công. Hiện nay, em đang quản lý Spa Linh Anh trên đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương). Tiệm có 2 nhân viên trực tiếp chăm sóc sắc đẹp cho khách hàng, còn Thịnh làm quản lý chung. Thời gian đầu mở tiệm Thịnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu dịch vụ, đến nay sau gần 1 năm mở tiệm spa, bước đầu Thịnh đã thành công. Tiệm Spa Linh Anh đem lại lợi nhuận cho Thịnh mỗi tháng từ 15-20 triệu đồng.

Khác với Thịnh, Ninh Thùy Giang, sinh viên năm thứ 2 lớp may thời trang K14 của Khoa may, Trường Cao đẳng nghề Hải Dương đã lựa chọn công việc khởi nghiệp theo đúng ngành nghề mình học. Để thỏa niềm đam mê thiết kế thời trang, Giang thường xuyên thiết kế, trực tiếp may những bộ quần áo phù hợp với giới trẻ để mặc và giao bán hàng trên mạng. Tiết kiệm được một khoản tiền, đầu năm 2016, Giang vay thêm của bố mẹ 30 triệu đồng để góp vốn cùng người thân mở cửa hàng quần áo tại xã Thanh Hải (Thanh Hà). Được đào tạo về ngành may mặc thời trang nên Giang thường xuyên tìm hiểu về phong cách thời trang của giới trẻ theo xu hướng hiện đại. Giang luôn chọn lựa những sản phẩm bắt mắt, phong cách đa dạng đang được các bạn trẻ ưa thích. Ngoài ra, đối với các sản phẩm tồn đọng, Giang tự sửa rồi may lại cho phù hợp với xu thế thời trang, nhờ đó shop quần áo không bị ế hàng và luôn có mẫu mới. Hàng bán chạy nên dù lấy lãi ít nhưng mỗi ngày Giang cũng thu lãi từ 300.000-500.000 đồng. Số tiền thu được từ kinh doanh quần áo, Giang dùng để chi cho học tập và sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, em còn tích lũy mua được xe máy, máy tính xách tay và nhiều đồ dùng cần thiết khác.

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nhiều sinh viên, học sinh đã lựa chọn cho mình những việc làm phù hợp để có thêm thu nhập. Ngoài Thịnh và Giang còn nhiều học sinh, sinh viên khác đi làm thêm với các công việc như bán hàng qua mạng, đi làm gia sư, làm các sản phẩm thủ công để bán… Nhiều bạn trẻ tâm niệm rằng đó đều là những bước đệm cần thiết trong quá trình khởi nghiệp. Khởi nghiệp sớm bên cạnh việc có thêm thu nhập thì còn giúp các bạn có thêm những trải nghiệm trong cuộc sống, tích lũy được vốn kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh, tạo dựng được các mối quan hệ làm nền tảng cho sự phát triển công việc sau này.

Không phải là cuộc chơi 

Để có được thành công bước đầu trên con đường khởi nghiệp sớm, các em phải tốn không ít thời gian, công sức, tiền bạc, thậm chí phải đánh đổi nhiều điều. Nhiều bạn trẻ không còn đủ thời gian cho việc học tập, vui chơi giải trí. Đoàn Văn Thịnh cho biết: “Làm kinh doanh khi còn đang học là một hành trình rất vất vả, đòi hỏi lòng đam mê, kiên trì. Khởi nghiệp không phải một cuộc chơi, nếu chỉ đi tìm sự bình an thì sẽ khó có cơ hội làm giàu”. Khi bắt đầu kinh doanh quán cà phê, Thịnh từng bị thua lỗ. Ngoài ra, việc kinh doanh của Thịnh chiếm khá nhiều thời gian và ảnh hưởng đến việc học tập ở trường.

Thiếu kiến thức, kinh nghiệm sống nên một số bạn trẻ đã phải nhận "trái đắng" khi muốn khởi nghiệp sớm. Lê Quang Nghĩa quê ở xã Thanh Lang (Thanh Hà) đang là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã bị vỡ mộng làm giàu khi tham gia bán hàng đa cấp. Được bạn giới thiệu, Nghĩa tham gia vào công ty chuyên bán thực phẩm chức năng. Để tham gia vào công ty này, Nghĩa phải đóng 7 triệu đồng và được nhận sản phẩm về bán. Theo quảng cáo, nếu tích cực làm, mỗi tháng Nghĩa sẽ thu được từ 10 - 20 triệu đồng tùy vào khả năng bán hàng. Mỗi sản phẩm bán ra, Nghĩa sẽ được công ty trả công 100.000 - 200.000 đồng và càng bán được nhiều hàng thì số tiền thưởng sẽ càng tăng lên... “Vì tin tưởng những lời giới thiệu đó là thật nên để có tiền tham gia vào công ty em đã giấu gia đình vay tiền bạn bè và đi cầm cắm thẻ sinh viên. Tiền đi vay phải tính theo lãi ngày. Các sản phẩm của công ty thì không bán được. Lãi mẹ đẻ lãi con. Em mất khả năng xoay xở nên đành phải nhờ bố mẹ trả giúp”, Nghĩa ngậm ngùi.

Kinh doanh có lợi nhuận cao là ước mơ của bất kỳ ai. Tuy nhiên, thu nhập cao có thể là "miếng mồi" để những đối tượng lừa đảo dụ dỗ các bạn trẻ “nhẹ dạ cả tin”. Đồng thời lợi nhuận kinh doanh cao thường kèm theo rủi ro lớn. Trong khi đó nhiều bạn sinh viên, học sinh thường chưa có kinh nghiệm, kiến thức, nguồn tài chính... cần thiết nên dễ vấp phải những "cái bẫy" làm giàu ảo tưởng, gây ra hậu quả đáng tiếc.   

Mong muốn khởi nghiệp sớm để tạo ra nền tảng bước đầu cho sự nghiệp là nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, lựa chọn công việc gì và làm như thế nào để việc kinh doanh có tác dụng thiết thực mà không ảnh hưởng đến việc học tập trong trường là vấn đề cần cân nhắc kỹ. Bên cạnh nỗ lực, sự quyết tâm thì các bạn sinh viên rất cần trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng kinh doanh, đồng thời cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo được che đậy tinh vi.

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi sinh viên khởi nghiệp