Khi nông dân Thanh Hà phải chặt phá vải

26/07/2011 08:14

Cây vải liên tục mất giá trong nhiều năm qua, không mang lại hiệu quả kinh tế khiến nông dân nhiều xã ở Thanh Hà đã loại bỏ cây trồng này. Song, trồng cây gì phù hợp đang là bài toán nan giải của nông dân.


Thu mua vải xuất khẩu sang Trung Quốc tại xã Thanh Bính (Thanh Hà)


Trồng vải không bằng trồng rau


Thanh Sơn - nơi có cây vải tổ-là xã trồng vải nổi tiếng của huyện Thanh Hà. Dẫn chúng tôi đi thăm một số vườn vải đã bị chặt, anh công an xã Nguyễn Văn Quân cho biết, trước đây vải chỉ được trồng ở một số gia đình. Những năm 90, thời kỳ “cây vải - cây vàng”, cả xã đã chuyển toàn bộ đất nông nghiệp sang trồng vải. Hiện Thanh Sơn không còn diện tích đất lúa. Cây vải đã từng trở thành cây thoát nghèo, làm giàu của người dân Thanh Sơn. Nhưng hiện nay, không chỉ ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà mà rất nhiều vùng khác của nước ta đã trồng được vải, mặc dù chất lượng vải thiều ở Thanh Sơn vẫn ngon hơn cả. Do việc chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn nên đến nay, vải Thanh Sơn vẫn chỉ bán ngang bằng với những loại vải khác. Chuyện "mất mùa, được giá",  “được mùa, mất giá" đã làm cho người dân chán nản. Gia đình bác Vũ Thị Sánh ở xóm 7 có 9 sào vải, trong đó có những cây gần 100 tuổi. Do chăm bón tốt nên sản lượng năm nay đạt 4 tấn quả. Giá vải xuống thấp, gia đình không có người bẻ, tiền công thuê cao nên bác chỉ thu được 3 tấn, còn 1 tấn quả phải bỏ. Bác Sánh cho biết, tính ra vụ vải năm nay lỗ to. Hiện bác đã phá nốt 4 sào vải để chuyển sang ươm cây sanh và trồng ổi, quất. Năm trước gia đình bác đã phá 5 sào vải để trồng quất trái vụ, cho 10 triệu đồng/sào/năm, lại không vất vả, tốn nhiều công sức. Chị Nguyễn Thị Tiệp cũng ở xóm 7 cho biết gia đình chị đã phá 6 sào vải từ năm trước để chuyển sang trồng rau. Vụ vải vừa rồi, trong khi mọi người thu hoạch vải vừa vất vả, giá lại thấp thì chị hái rau đi bán vừa nhàn, 1 mớ rau muống có lúc bán được 3-4 nghìn đồng, đắt hơn 1 kg vải.

Ông Trần Đức Loản, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, trước vụ thu hoạch năm nay, xã có 370 ha trồng vải, giảm 10% so với năm 2010. Ngay khi bước vào vụ thu hoạch, nhiều gia đình đã xác định sau vụ này sẽ phá vải nên đã chặt xuống cho dễ thu hoạch. Việc phá vải để trồng cây khác đã diễn ra gần 5 năm nay, nhưng chưa bao giờ ồ ạt như bây giờ. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả xã đã phá gần 200 ha và người dân vẫn đang tiếp tục phá.

Ông Nguyễn Danh Phương ở xóm 3, thôn Tứ Cường, xã Phượng Hoàng đã phá gần hết vườn vải 1,1 mẫu. Ông Phương cho biết, năm trước ông đã chuyển sang trồng ớt và trồng chuối, cho thu nhập cao hơn trồng vải. Do vậy, ông quyết định chuyển toàn bộ vườn sang trồng quất, ớt. Tuy nhiên, việc phá vải hiện cũng không dễ dàng, nếu phá bằng sức người phải thuê 150 nghìn đồng/ngày công, nếu phá bằng máy tiền thuê là 1,5 triệu đồng/sào. Ông Nguyễn Huy Nuôi, Chủ tịch UBND xã Phượng Hoàng cho biết: "Xã khuyến khích nhân dân chuyển toàn bộ diện tích vải trồng từ sau năm 2000 sang trồng cây khác, chỉ duy trì 80 ha vải đã được quy hoạch. Những vụ trước người dân chỉ chặt lẻ tẻ, rải rác nhưng hiện nay nhiều nhà đã thuê máy xúc đến phá cả vườn.  Từ đầu vụ đến nay người dân cũng phá tới gần 50 ha, chiếm 1/4 tổng số diện tích trồng vải của xã. Năm 2011, Phượng Hoàng là xã dẫn đầu về năng suất lúa, trung bình đạt từ 79-81 tạ/sào. Do vậy chúng tôi khuyến cáo bà con đối với diện tích đất vải xen lúa, nên chuyển về trồng lúa. Với những diện tích khác thì chọn các loại cây trồng phù hợp như quất, ổi, chuối...".


Gia đình ông Nguyễn Danh Phương xã Phượng Hoàng đã phá gần hết vườn vải 1,1 mẫu


Phá vải trồng gì, tùy nông dân


Ông Ngô Bá Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hà cho biết, hiện huyện chưa có số liệu thống kê đầy đủ về việc người dân chặt phá vải nhưng hiện tượng chặt phá vải với diện tích lớn đang diễn ra ở nhiều xã như Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Xuân, Phượng Hoàng. Từ năm 2005 đến năm 2010, người dân huyện Thanh Hà đã chặt trên 1.000 ha vải chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác. Đến nay, toàn huyện có 1.000 ha ổi cho thu nhập 200 triệu/ha/ năm, 500 ha quất cho thu nhập trên 150 triệu đồng đồng/ha/ năm. Các loại cây trồng khác như chuối, thanh long, bưởi... cũng cho thu nhập 100 triệu/ha/năm. Cây vải chỉ cho thu nhập mỗi năm 40 triệu đồng/ha. Trong huyện đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả như vùng quất ở Cẩm Chế, Phượng Hoàng, vùng ổi ở Liên Mạc, Thanh Xuân, Tân Việt, Thanh Thủy... Do hiệu quả thấy rõ như vậy nên việc người dân chặt vải chuyển sang những loại cây trồng khác là đương nhiên. Khi được hỏi về định hướng của huyện trong việc phá vải để trồng cây khác, ông Định cho biết, huyện không thể cấm được người dân phá vải, cũng không định hướng được nông dân nên trồng cây gì. Hiện nay, việc người dân lựa chọn loại cây trồng vẫn do ý thích cá nhân, người dân thấy có hiệu quả kinh tế thì trồng. Ưu điểm của quất, ổi là thời gian thu hoạch lâu, chín rải rác, nông dân Thanh Hà lại tập trung vào trồng quất, ổi trái vụ ít nơi làm được nên tình trạng cạnh tranh không gay gắt như vải thiều. Thời gian từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch của quất, ổi cũng ngắn hơn vải nên sớm mang lại hiệu quả kinh tế hơn.

Tiến sĩ Lê Đình Sơn, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tỉnh hiện chưa có "phương án" nào đối với việc chặt vải. Tuy nhiên, tỉnh vẫn khuyến khích nhân dân Thanh Hà giữ nguyên diện tích đã trồng, đặc biệt ở những vùng có chất đất thích hợp với vải thiều như Thanh Sơn, Thanh Thủy... Đối với những diện tích đã chặt, nông dân nên chọn những cây thích hợp với thị trường, còn cụ thể là cây gì thì do nông dân lựa chọn.

Việc người dân quê hương vùng cây đặc sản vải thiều chặt phá vải ồ ạt như hiện nay thực sự một điều nhức nhối. Việc trồng ổi trái vụ không chỉ có ở Thanh Hà mà nông dân một số tỉnh khác như Thái Bình, Nam Định cũng trồng được. Người dân chặt vải, xoay sang trồng ổi, quất, liệu có lại xảy ra cảnh “được mùa, mất giá” như đối với cây vải hay không? Bao giờ mới hết cảnh người nông dân trồng cây theo kiểu phong trào, phải tự "bơi" trên thị trường và gánh chịu mọi rủi ro?

NGỌC THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nông dân Thanh Hà phải chặt phá vải