Khi nông dân đầu tư lớn

15/01/2018 10:32

Những năm gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư lớn vào trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Mỗi năm, gia đình anh Nguyễn Anh Đới ở thôn Đồng Hội, xã Hồng Phong (Ninh Giang) thu lãi hơn 400 triệu đồng từ 5 ha quýt

Trúng lớn

Khởi nghiệp bằng 2 bàn tay trắng nhưng chỉ sau gần 10 năm, anh Lục Văn Nhàn (41 tuổi) ở thôn Bãi Thảo, xã Bắc An (Chí Linh) đã trở thành tỷ phú nông dân với trang trại gà đồi, rừng keo và hệ thống phân phối thức ăn chăn nuôi mang lại thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đồi núi, anh Nhàn đã sớm quen với công việc đồng áng. Thời điểm đầu, 2 vợ chồng anh đầu tư số vốn ít ỏi trồng 2 ha vải thiều nhưng không thành công. Sau một thời gian dài tìm hiểu, anh nhận thấy mô hình nuôi gà thả đồi phù hợp với đồng đất quê mình. Năm 2008, vợ chồng anh quyết định đầu tư chăn nuôi giống gà chọi lai Lương Phượng với quy mô từ 20.000-25.000 con/năm. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi, đàn gà của gia đình anh phát triển ổn định, chất lượng thịt ngon, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Ngoài chăn nuôi, gia đình anh Nhàn còn tận dụng diện tích gần 12ha đất đồi rừng để trồng cây lấy gỗ và mở dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi cho người dân địa phương, các vùng phụ cận. Đến nay, rừng gỗ keo và bạch đàn đã cho thu hoạch được 3 vụ, lãi gần 500 triệu đồng/vụ. Mỗi năm, gia đình anh xuất 2 lứa gà, thu lãi gần 300 triệu đồng/năm. Anh Nhàn chia sẻ: “Nhiều khi nghĩ lại thấy lúc đầu mình dại thế. Không dám làm gì lớn cả vì lúc nào cũng sợ mất tiền. Nhưng có đầu tư mới hiểu, khi đã bỏ vốn lớn, xót của nên phải quyết tâm làm bằng được để không còn đói nghèo nữa”.

Trong khi nhiều nông dân bỏ ruộng đi tìm nghề khác thì anh Cao Văn Lâm (40 tuổi) ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện) lại trở thành tỷ phú nhờ biết nắm thời cơ và không để lãng phí tài nguyên đất. Dù đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định nhưng tình yêu quê hương đã níu kéo bước chân chàng trai trẻ. Sau 10 năm công tác, anh xin nghỉ việc về quê lập nghiệp. Sau thời gian ngắn anh đã trở thành ông chủ của một cây xăng và một cửa hàng gas tại địa phương. Gắn bó với quê hương một thời gian, anh thấy ruộng đồng bị bỏ hoang thật lãng phí. Năm 2012, anh quyết định mua máy cày, 2 máy cấy, 2 máy làm đất, 2 máy gặt liên hoàn và thuê 40 mẫu ruộng gieo cấy lúa. Để ổn định sản xuất, anh ký hợp đồng trực tiếp với công ty có uy tín về nguồn giống và đầu ra. “Khi mới triển khai, có người nói tôi khùng, gia đình phản đối kịch liệt. Nhưng tôi đã tính rất kỹ. Bà con bỏ ruộng vì phụ thuộc quá nhiều vào chi phí nhân công mà diện tích canh tác lại nhỏ. Nếu tôi có nhiều ruộng, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất sẽ tiết kiệm được chi phí, nông sản có chất lượng cao hơn”, anh Lâm cho biết. Hiện nay, ngoài gieo cấy lúa trên diện tích 40 mẫu, anh còn làm thêm dịch vụ nông nghiệp cho bà con. Mỗi năm, gia đình anh thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

Thay đổi tư duy


Mỗi năm, trang trại đà điểu Trung Kiên tiêu thụ khoảng 2.400 con đà điểu giống và gần 12 tấn đà điểu thương phẩm

Những năm qua, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang làm ăn quy mô lớn, tìm tòi sản phẩm mới và đầu ra ổn định. Thậm chí một số nông dân còn sẵn sàng bỏ tiền ra nước ngoài để học cách làm nông nghiệp hiện đại về áp dụng tại quê hương mình.

Mặc dù trang trại chăn nuôi đà điểu của ông Nguyễn Bá Đới (49 tuổi) và ông Nguyễn Văn Câu (63 tuổi) ở thôn Động Trạch, xã Hồng Phong (Ninh Giang) đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đã mang lại giá trị kinh tế cao.

Năm 2010, các ông quyết định đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng trang trại Trung Kiên, nuôi 60 con đà điểu trên diện tích 6.000 m2, được phân thành từng khu: khu nuôi đà điểu con, khu ấp nở, khu nuôi đà điểu bố mẹ, khu nuôi hậu bị và khu nuôi đà điểu thương phẩm. Ngoài ra, trang trại còn thuê riêng 2 chuyên gia kỹ thuật phụ trách chăm sóc đà điểu. Vì vậy, đà điểu phát triển ổn định, tỷ lệ trứng ấp nở đạt 80%. Mỗi năm, trang trại cung ứng ra thị trường khoảng 2.400 con đà điểu giống và gần 12 tấn đà điểu thương phẩm. Bênh cạnh đó, trang trại còn xây dựng một website để quảng bá các sản phẩm ra thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm với giá thấp nhất, chất lượng tốt nhất. Doanh thu bình quân của trang trại ước khoảng 4tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Bá Đới, Giám đốc trang trại đà điểu Trung Kiên chia sẻ: “Ngay từ ngày đầu thành lập trang trại đà điểu, tôi đã tính đến việc làm thế nào để phát triển sản phẩm một cách bền vững. Muốn làm được việc này, không có cách nào khác là phải thường xuyên tìm hiểu thông tin cũng như áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Để nông dân khởi nghiệp thành công cần phải cổ vũ, khích lệ và hỗ trợ họ, giúp họ thay đổi nhận thức, tư duy làm nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng liên kết; từ sản xuất chú trọng năng suất sang hướng chú trọng giá trị gia tăng. Đồng thời cũng phải tăng cường áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.  Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất của hội viên nông dân trong tỉnh đang đi theo hướng này, mang lại hiệu quả cao, có tiềm năng cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước. Có thể kể đến cây măng tây ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) và Nhân Huệ (Chí Linh); trồng sen xuất khẩu ở Nam Sách, Gia Lộc; trồng hành Nhật xuất khẩu ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang), trồng dâu tây ở xã Bạch Đằng (Kinh Môn)… Những mô hình này cần tiếp tục được quan tâm và nhân rộng giúp các hộ nông dân chủ động hơn trong lựa chọn sản phẩm, ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập.

ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nông dân đầu tư lớn