Nhiều bạn trẻ yêu thần tượng quá mức, yêu hơn cả cha mẹ dẫn đến những lệch lạc trong cuộc sống...
Vũ Xuân Tiến (giữa) có tình yêu cháy bỏng với đội bóng Arsenal nhưng không làm ảnh hưởng
đến cuộc sống và học tập (ảnh do nhân vật cung cấp)
Có rất nhiều bạn trẻ hâm mộ những người nổi tiếng, chủ yếu hoạt động trong ngành giải trí một cách thái quá, đến mức cuồng, ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống hằng ngày của bản thân.
Yêu thần tượng hơn người thân
Hiện nay, nhiều bạn trẻ quan niệm nếu không có một thần tượng là ca sĩ, nhóm nhạc hay diễn viên nào đó thì sẽ là người lỗi thời. Bạn Phạm Thị Huyền, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Dương) cho biết, ở lớp em bạn nào cũng có thần tượng, chủ yếu là ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc. Chỉ cần một bài hát mới, một bộ phim mới xuất hiện, trong đó có diễn viên, ca sĩ mình yêu thích tham gia, nhiều bạn sẽ tìm mọi cách để tải về các thiết bị nghe nhìn, sau đó chia sẻ cho nhau cùng xem. Mọi thông tin về thần tượng của mình đều được các bạn nắm khá rõ như: sở trường, sở đoản, sở thích, ngày sinh, lịch lưu diễn... Thần tượng của Huyền là nhóm nhạc DBSK (Hàn Quốc). Thông qua Facebook, em được các bạn ở khắp nơi cùng yêu thích nhóm này chia sẻ hình ảnh, bài hát mới của nhóm. Nhiều bạn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có điều kiện thì tổ chức gặp mặt. Cá nhân Huyền cũng như các bạn khác trong nhóm đều tìm mọi cách để tham gia fanclub của thần tượng để kịp thời nắm bắt, chia sẻ thông tin về thần tượng cho nhau, bảo đảm không bị "lỗi thời" mỗi khi nhắc đến nhóm nhạc. Do ham mê thần tượng nên nhiều lúc việc học hành của Huyền bị sao nhãng, gần gũi với người thân không nhiều.
Chị Phạm Thị Mai ở khu 5, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) bức xúc trước việc cuồng thần tượng một cách thái quá của con mình. "Nhiều lúc tôi chạnh lòng vì nuôi các con vất vả chưa chắc được con cái yêu mến bằng thần tượng, những người xa lạ ở tận đẩu tận đâu. Con gái tôi suốt ngày chỉ luôn miệng nhắc đến thần tượng, nhiều hôm cháu xin phép đi học thêm cùng các bạn nhưng thực chất là cả nhóm tự tổ chức sinh nhật thần tượng của mình, trong khi sinh nhật bố mẹ cháu thì không hề nhớ..." Không chỉ có vậy, nhiều bạn trẻ còn sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với bạn bè nếu có hành động, thái độ coi thường thần tượng của mình. Đã có không ít vụ việc các bạn trẻ gây gổ với nhau chỉ với lý do “nó nói xấu anh Kim Tan của em” (một ca sĩ, diễn viên người Hàn Quốc)...
Việc nhiều bạn trẻ cuồng thần tượng quá mức, coi trọng thần tượng hơn cả những người thân, bạn bè hằng ngày sống với họ không phải là chuyện hiếm hiện nay. Ở lớp, các bạn có thể cho nhau xem ảnh mới của thần tượng, bàn tán về thần tượng không ngớt. Nhiều bạn có điều kiện thì mỗi lần có chuyến lưu diễn của thần tượng sang Việt Nam nếu ở Hà Nội thì sẽ tìm mọi cách để đi xem… Nguyễn Thị Thu Trang học lớp 9, Trường THCS Bình Hàn (TP Hải Dương) chia sẻ: "Em có một người bạn hâm mộ nhóm nhạc Big Bang của Hàn Quốc khá lâu rồi. Phòng ngủ của bạn ấy chỗ nào cũng dán ảnh các thành viên của nhóm. Năm học trước, bạn ấy phải cố gắng lắm mới đạt đủ điểm để lên lớp mà nguyên nhân chính là do cứ ham mê thần tượng quá, chẳng để ý gì đến chuyện học hành. Bố mẹ bạn ấy lại bận đi làm từ sáng đến tối nên cũng chẳng có ai nhắc nhở bạn ấy".
Cần định hướng đúngViệc có một thần tượng cho mình xét ở góc độ nào đó không hề xấu. Điều đó sẽ giúp đời sống tinh thần của các em thêm phong phú, có thêm niềm vui sống và nhất là giải tỏa được những căng thẳng hằng ngày. Đôi khi nó còn mang tới cơ hội tốt đẹp. Chắc hẳn mọi người vẫn nhớ Vũ Xuân Tiến - Running man. Trong lần đội bóng đá Arsenal sang giao lưu tại Việt Nam, Tiến đã chạy bộ đuổi theo xe của họ trong suốt hành trình dài 5 km ở Hà Nội. Với Tiến, lúc đó chỉ mong sao được nhìn thấy những thần tượng của mình thêm một chút nữa cho thỏa tình yêu, sự hâm mộ dành cho các cầu thủ xứ sở sương mù. Nhưng chính hành động khác biệt đó đã giúp Tiến từ một chàng trai bình thường trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước, gây “sốt” trên các diễn đàn mạng xã hội với thương hiệu "Running man". Đồng thời, Tiến còn trở thành thần tượng của hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới khi có tình yêu cháy bỏng với môn thể thao vua. Và cũng từ đó, cuộc sống của Tiến rẽ sang một hướng khác tốt hơn.
Tuy nhiên, việc một số bạn trẻ cuồng thần tượng đến mức bị chi phối tới học tập, cuộc sống hằng ngày thì sẽ trở thành mối lo ngại cho gia đình và xã hội. Ở lứa tuổi học sinh, các em vẫn thích mơ mộng, bắt chước thần tượng của mình. Nhưng không phải cái gì học theo cũng tốt, điều quan trọng nhất là các em cần biết chắt lọc, lựa chọn những điều phù hợp với mình, chứ không phải vì tình yêu mù quáng, sự hâm mộ thái quá dành cho thần tượng mà bất chấp tất cả. Theo ông Nguyễn Xuân Vàng, nhà giáo nghỉ hưu ở khu 15, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương), các bạn trẻ cuồng thần tượng có thể do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, khi qua độ tuổi mộng mơ này rồi các em sẽ có cái nhìn khác, hành động khác. Một nguyên nhân nữa khiến hiện tượng cuồng thần tượng trong lứa tuổi teen ngày càng thái quá là do họ được tiếp cận thông tin ở nhiều góc độ, cả trái chiều.
Các bậc phụ huynh không nên quá khắt khe trong việc con em mình thần tượng ai mà nên tham gia với con về cách thể hiện tình yêu với thần tượng, hãy trở thành bạn để con cái có thể mở lòng chia sẻ với mình. Ngược lại, nếu phê phán các em thì vô tình làm cho con cái hiểu rằng ba mẹ không cùng quan điểm với mình và dần dần sẽ ít chia sẻ, điều này sẽ tạo ra một khoảng cách vô hình giữa ba mẹ và con cái rất khó để xóa bỏ. Ngoài ra, xét thực tế hiện nay, Đoàn Thanh niên cũng nên tập hợp các nhóm, câu lạc bộ người hâm mộ vào trong tổ chức của mình, định hướng cho các bạn trẻ cách thể hiện tình yêu phù hợp với thần tượng, tổ chức các hoạt động tình nguyện có ý nghĩa.
PV