Trong không khí mùa Vu Lan báo hiếu, tin một nghịch tử thiêu sống mẹ ở huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày 11.8.2019 khiến chúng ta không khỏi đau xót.
Theo thông tin ban đầu, sáng 11.8, người dân phát hiện ngôi nhà của Ngô Thiên Ân có dấu hiệu bị cháy nên hô hoán người đến dập lửa. Khi tới nơi, người dân tá hỏa phát hiện thi thể của mẹ Ân bị đốt cháy cùng nhiều đồ đạc. Lúc này, nghi can duy nhất là Ân vẫn ở trong nhà và có biểu hiện ngáo đá. Y bị bắt ngay sau đó. Kết quả kiểm tra nhanh của cơ quan điều tra cho thấy Ân dương tính với ma túy.
Mới đây, chúng tôi chứng kiến trường hợp cụ N.T.Y. đã hơn 80 tuổi đi khám bệnh ở một phòng khám đa khoa thuộc phố Ghẽ, xã Tân Trường (Cẩm Giàng). Sau khi siêu âm thấy sức khỏe của cụ có vấn đề, bác sĩ muốn gặp người nhà nhưng cụ bảo: “Tôi đi một mình, không có ai”. Vị bác sĩ bất ngờ nên tận tình hỏi han thì cụ Y. rơm rớm nước mắt cho biết cụ có hai anh con trai thì cả hai đều bỏ vào Nam làm. Trước năm nào chúng cũng về đôi lần giục mẹ chia đất, sang tên, không thì chúng mắng nhiếc, chửi rủa. Sang tên cho chúng xong, mấy năm chẳng thấy về thăm nữa. Cụ Y. kể: "Có gia đình thằng cháu nội ở cùng, giờ nó cũng cậy đất của bố nó định đuổi tôi đi. Nay yếu quá, tôi phải dậy từ 5 giờ sáng đi bộ hơn 7 km lên đây khám bệnh”. Nghe cụ Y. nói, cả phòng khám như lặng đi.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp cha mẹ bị con cái ngược đãi, bạo hành. Gõ từ khóa “ngược đãi cha mẹ” trên Google, chúng ta sẽ thấy hàng loạt tin tức trên các báo về tình trạng đối xử tệ bạc, thậm chí độc ác của con cái với cha mẹ. Có gia đình vì con cái tranh giành đất cát mà đẩy cả cha ra đường không thương tiếc, có bà mẹ cả đời lam lũ nuôi con nhưng về già chúng cắt cử luân phiên nuôi mẹ đúng kiểu: “Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày”... Điều đó buộc chúng ta phải đặt câu hỏi về chữ hiếu hôm nay, khi mà sự thờ ơ, vô cảm của chính con cái với các đấng sinh thành đang ở mức báo động. Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện Việt Nam có hơn 11,3 triệu người cao tuổi, chiếm 11,95% số dân, trong đó gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Hiện chưa có cơ quan chức năng nào thống kê số người cao tuổi bị ngược đãi, song có điều chắc chắn rằng đa số họ có bệnh nhưng lại không có tích lũy về tài chính. Đó là một phần căn nguyên của việc nhiều người cao tuổi bất hạnh khi về già.
Đạo Phật dạy hiếu kính với cha mẹ là nền tảng của đạo đức. Phận làm con phải biết hiếu dưỡng, cung kính đối với cha mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà trong ngôn ngữ, chữ “hiếu” lại được kết hợp để thành những từ ghép như hiếu đạo (đạo làm con), hiếu dưỡng (chăm sóc, nuôi dưỡng), hiếu thuận (hiếu với cha mẹ và hòa thuận với anh em)... đi liền với nhau, răn dạy con người phải sống tốt đời, đẹp đạo. Thế nhưng, ngày nay nhiều người không làm được điều đó. Ở không ít gia đình, những hành động hiếu nghĩa trở thành xa xỉ. Có người lấy lý do vì bận mưu sinh nên con cái ít chú ý tới cha mẹ, cháu chắt quên ông bà. Biết bao người ông, người bà, người cha, người mẹ phải lặng lẽ khóc thầm vì buồn tủi, cô đơn.
Trong dịp này, khi một mùa Vu Lan báo hiếu nữa lại về, nhiều người thiệt thòi không còn cha, còn mẹ để báo hiếu thì tại sao những người may mắn hơn lại không biết làm tròn chữ hiếu? Báo hiếu với ông bà, cha mẹ không chỉ là sự bù đắp vật chất đủ đầy mà còn là sự quan tâm, chia sẻ bằng những việc làm giản dị hằng ngày.
HUY AN