Khi cấp trưởng không phải người địa phương: Hiệu quả bước đầu ở ngành kiểm sát

23/05/2018 07:05

Đến nay đã có 9 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện không phải người địa phương. Việc này góp phần đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ.


Cấp trưởng không phải người địa phương sẽ tránh được tác động của các mối quan hệ ràng buộc họ hàng, thân quen trong giải quyết công việc

Những năm gần đây, ngành kiểm sát tỉnh đã có nhiều biện pháp đồng bộ để thực hiện tốt chủ trương bố trí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) cấp huyện không phải là người địa phương.

Khắc phục trì trệ

Thực hiện chủ trương bố trí Viện trưởng Viện KSND cấp huyện không phải là người địa phương, tháng 10.2017, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Viện trưởng Viện KSND huyện Tứ Kỳ được điều động sang làm Viện trưởng Viện KSND huyện Ninh Giang. Nhà ở TP Hải Dương nên so với trước đây, mỗi ngày đồng chí Quang phải đi làm xa hơn gần 15 km. Tuy nhiên, khoảng cách đi làm chỉ là một trong những khó khăn nhỏ khi cán bộ được điều động. "Tôi có thuận lợi là từng có thời gian công tác tại Ninh Giang. Thế nhưng khi được điều động sang đây với vai trò là người đứng đầu thì tôi vẫn phải làm quen với môi trường công tác mới. Dù ở Tứ Kỳ hay Ninh Giang thì chức năng, nhiệm vụ của tôi vẫn như vậy nhưng mỗi địa phương lại có những đặc thù khác nhau. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thì bắt buộc mình phải nghiên cứu, cập nhật những thông tin, kiến thức mới", đồng chí Quang chia sẻ.

Từ năm 2017 đến nay, Viện KSND tỉnh đã luân chuyển, điều động cán bộ gắn với thực hiện chủ trương bố trí Viện trưởng Viện KSND cấp huyện không phải người địa phương. Đến nay đã có 9 Viện trưởng Viện KSND cấp huyện không phải người địa phương. Việc thực hiện chủ trương trên góp phần đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch. Đặc biệt, một trong những lợi ích quan trọng là khắc phục được xu hướng cục bộ, khép kín, trì trệ trong ngành, chủ nghĩa kinh nghiệm trong công việc. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Viện KSND tỉnh cho biết: "Người đứng đầu cấp huyện không phải là người địa phương thì khi giải quyết công việc sẽ tránh được tác động của các mối quan hệ ràng buộc họ hàng, thân quen. Hơn thế nữa, khi làm việc ở địa phương mới, với đồng nghiệp mới, bắt buộc cán bộ phải tự nghiên cứu, học tập, rèn luyện nên tránh được sức ỳ, chủ quan trong giải quyết công việc".

Công khai, minh bạch

Theo đánh giá của lãnh đạo Viện KSND tỉnh, từ khi thực hiện chủ trương trên đến nay, các cán bộ được luân chuyển đều đã yên tâm về tư tưởng, không băn khoăn khi thực hiện quyết định luân chuyển, điều động, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Để đạt được những kết quả bước đầu nói trên, ngành kiểm sát tỉnh đã thực hiện chủ trương một cách bài bản, căn cơ. Ngành coi trọng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ thông suốt, thống nhất về nhận thức để xác định công tác luân chuyển, điều động cán bộ là chủ trương đúng đắn của Đảng, của ngành, tự giác thực hiện. Các bước tiến hành luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện thận trọng, chủ động ngăn ngừa, đấu tranh với những biểu hiện không lành mạnh như cô lập, gây khó khăn, làm giảm uy tín người được điều động hoặc lợi dụng luân chuyển, điều động cán bộ để "đẩy" người có năng lực, trung thực, thẳng thắn đến công tác tại địa phương, đơn vị khác.

Viện KSND tỉnh đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy đối với công tác luân chuyển, điều động cán bộ. Định kỳ quý I hằng năm, Viện KSND tỉnh tiến hành rà soát, lập danh sách các trường hợp thuộc diện phải điều động để thông báo đến các đơn vị, cá nhân và xây dựng kế hoạch thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch hằng năm được Ban cán sự Đảng Viện KSND tỉnh duyệt, đại diện Phòng Tổ chức cán bộ gặp gỡ cán bộ được luân chuyển, điều động để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như phân tích về mục đích, sự cần thiết của công tác luân chuyển, điều động. Trước khi quyết định luân chuyển, điều động, Ban cán sự Đảng Viện KSND tỉnh cũng tiến hành trao đổi, thống nhất với Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện nơi đi và nơi đến để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ được luân chuyển, điều động. Vì vậy, các đồng chí Viện trưởng Viện KSND cấp huyện được điều động, luân chuyển đều được Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện phối hợp, thống nhất với Ban cán sự Đảng Viện KSND tỉnh thực hiện kiện toàn, bổ sung cấp ủy theo đúng quy định.

Từ tháng 8.2016 đến nay, ngành kiểm sát tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch bố trí Viện trưởng Viện KSND cấp huyện không phải người địa phương. Theo kế hoạch, trong năm nay, người đứng đầu tất cả 12 Viện KSND cấp huyện đều không phải là người địa phương. Thực hiện tốt chủ trương trên đã và đang phát huy tốt công tác cán bộ, nâng cao chất lượng công việc trong toàn ngành KSND tỉnh.

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi cấp trưởng không phải người địa phương: Hiệu quả bước đầu ở ngành kiểm sát