Một số cán bộ huyện được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã đã hết mình vì công việc, tạo những chuyển biến tích cực tại cơ sở.
Sau hơn 1 năm có Bí thư Đảng ủy là cán bộ huyện luân chuyển về, tình hình nội bộ tại xã Thanh Cường (Thanh Hà) đã thực sự đoàn kết, thống nhất; xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Thời gian qua, một số địa phương đã tích cực thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ huyện về làm bí thư đảng ủy các xã, thị trấn. Cách làm này vừa giúp cán bộ có điều kiện rèn luyện, vừa tạo được những chuyển biến tích cực tại cơ sở.
Nhiều thử thách
Tháng 6.2017, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Hà quyết định điều động đồng chí Hoàng Văn Đại, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Thanh Cường. Thời điểm này, Chủ tịch UBND xã Thanh Cường bị khai trừ Đảng vì vi phạm kỷ luật, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã chuyển sang làm Chủ tịch UBND xã nên tình hình tại địa phương bị xáo trộn. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo xã đều mong muốn xây dựng chức danh Bí thư Đảng ủy từ nguồn tại chỗ. Thậm chí, đồng chí Đại còn nhận được những "lời khuyên" từ cơ sở rằng không nên về vì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhưng sau hơn một năm đồng chí Đại về cơ sở, theo đánh giá của Huyện ủy Thanh Hà, hiện nay tình hình nội bộ tại xã Thanh Cường đã thực sự đoàn kết, thống nhất. Tháng 1.2018, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng chí Đại cho biết: "Ngay khi bắt tay vào việc, tôi phải tìm hiểu, nắm bắt công việc, đặc thù của xã và từng cán bộ, công chức. Bám sát nhiệm vụ, chức năng của cán bộ để điều phối, chỉ ra vấn đề một cách thấu đáo, giải quyết từng công việc cụ thể tận gốc".
Theo đồng chí Đại, bên cạnh những khó khăn thì bí thư đảng ủy xã không phải người địa phương cũng có những thuận lợi nhất định. Đơn cử như khi giải quyết những vụ việc tranh chấp, phát sinh tại địa phương. Vì không phải chịu những chi phối, ràng buộc của các mối quan hệ họ hàng, làng xóm vốn cố hữu ở nông thôn nên mọi việc đều được giải quyết vô tư, khách quan. "Tôi đã trực tiếp cùng anh em ở xã giải quyết một vụ tranh chấp đất đai giữa hai gia đình ở thôn Hạ Trường. Vì mình phân tích có lý, có tình và đặc biệt vô tư, không thiên vị nên hai bên từ chỗ căng thẳng, mất đoàn kết đã dần nhận ra những cái sai, cái đúng của mình để cùng thống nhất, khắc phục", đồng chí Đại chia sẻ.
Từ nhiều năm về trước, xã Thái Hòa (Bình Giang) tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, đơn thư khiếu nại kéo dài. Cuối năm 2017, sau khi đồng chí Bí thư Đảng ủy xã về nghỉ chế độ trước tuổi, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Giang đã điều động đồng chí Đỗ Văn Dần, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, quê ở xã Thái Học về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Mặc dù thời gian nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Dần, mọi công việc tại địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, xã Thái Hòa là một trong những địa phương đi đầu của huyện Bình Giang về tinh giản biên chế. Xã đã thực hiện kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và Chủ tịch Hội Người cao tuổi.
Đồng chí Nhữ Văn Thể, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thái Hòa cho biết: "Đồng chí Dần đã nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, dẫn dắt, chỉ đạo sâu sát, kiên quyết nên cấp dưới tránh được sức ì, công việc được khơi thông và hiệu quả hơn trước". Theo đồng chí Dần, để nhanh chóng hòa mình vào công việc, xây dựng được sự thống nhất, đoàn kết tại địa phương thì bản thân người đứng đầu phải làm hết trách nhiệm với công việc và tạo được sự đồng thuận ngay trong tập thể Thường trực Đảng ủy. "Mọi công việc từ nhỏ đến lớn chúng tôi đều ngồi lại để bàn bạc, phân tích để đi đến quyết định cuối cùng. Quyết định ấy phải vì tập thể, lợi ích chung của địa phương chứ không thể áp đặt ý chí chủ quan của cá nhân nào", đồng chí Dần cho biết.
Mọi công việc tại địa phương đều được Thường trực Đảng ủy xã Thái Hòa bàn bạc, phân tích kỹ càng để đi đến thống nhất
Cần có cơ chế chung
Theo đồng chí Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Hà, chủ trương tăng cường cán bộ huyện về các xã, trong đó có một số đồng chí không phải người địa phương ở huyện Thanh Hà đã và đang tạo nên những chuyển biến tích cực đối với cơ sở. Các đồng chí được luân chuyển đều đã kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau nên có kinh nghiệm, thuận lợi trong nắm bắt, chỉ đạo, điều hành công việc. Hơn nữa, các đồng chí vốn là cán bộ huyện nên việc tranh thủ ý kiến, chỉ đạo hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện trong giải quyết công việc tại địa phương cũng sẽ thuận lợi, gắn bó hơn.
Một trong những băn khoăn của các địa phương và những đồng chí được tăng cường về cơ sở là hiện nay tỉnh chưa có cơ chế chung để khuyến khích, hỗ trợ cách làm này. Đặc thù ở xã là không có chỗ ăn nghỉ nên việc đi lại của các đồng chí luân chuyển thường khó khăn. Nhiều huyện vẫn phải căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để hỗ trợ kinh phí đi lại.
Một vấn đề nữa là khi hết thời gian luân chuyển, quay về huyện, nếu ở vị trí là công chức lại phải thực hiện quy trình kiểm tra, sát hạch xét chuyển cán bộ cấp xã thành công chức. Vì vậy cán bộ đi luân chuyển thường chưa thực sự yên tâm. Trong khi quy định chưa được sửa đổi, nhiều huyện đã chọn cách chỉ tăng cường cán bộ về xã, nhưng cán bộ luân chuyển vẫn là cán bộ, công chức huyện, lĩnh lương ở huyện.
HOÀNG BIÊN