“Khen thưởng là thu hoạch”

09/06/2013 07:35

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”.

Công tác thi đua và khen thưởng luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, làm tốt việc tổ chức phong trào thi đua sẽ chọn ra được những gương điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân xứng đáng để khen thưởng. Ngược lại, khen thưởng chính xác và kịp thời lại có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương tốt cho xã hội, thúc đẩy phong trào thi đua lao động, công tác, học tập, sáng tạo phát triển, người chưa được khen cũng thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình cần phải phấn đấu để được ghi nhận trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đề ra. Khen thưởng kịp thời, chính xác, công bằng không những có tác dụng động viên, thu hút nhiều người tham gia, giải quyết được các vấn đề khó khăn, bức xúc đặt ra mà còn giúp cho các đợt thi đua sau đạt kết quả cao hơn. Đồng thời, góp phần đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, trong thực tế, cách thức và hiệu quả của “thu hoạch” - khen thưởng vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Trước hết là xét khen thưởng theo kiểu phân bổ chỉ tiêu, từ đó dẫn đến tình trạng “so bó đũa chọn cột cờ”, hoặc khen thưởng luân phiên, năm nay tập thể, cá nhân này được khen thì sang năm “nhường” cho tập thể, cá nhân khác. Thậm chí còn có hiện tượng khen thưởng theo kiểu “điểm mặt, chỉ tên”, do đó mặc dù kết quả chưa được công bố nhưng mọi người có thể dự đoán được cá nhân nào sẽ được “chọn mặt gửi vàng”. Cũng có không ít cơ quan, đơn vị, việc bình bầu lại dồn tập trung vào một số cá nhân, chủ yếu là lãnh đạo, với lý do chỉ có lãnh đạo mới “đủ tầm”, đối với người lao động trực tiếp thì để lại để “tiếp tục phấn đấu”. Do đó, xuất hiện tình trạng cá nhân nào được khen thưởng thì năm nào cũng được đề nghị, hội nghị nào cũng lên bục nhận bằng khen, giấy khen, huân huy chương, còn người khác dù có nỗ lực đến đâu cũng không được ghi nhận. Từ đó, xuất hiện tình trạng “sợ” bình bầu thi đua trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Nhiều đơn vị dễ dãi, phớt lờ các tiêu chuẩn bình xét được quy định khá khắt khe trong luật, tiêu chuẩn chủ yếu là “anh đề nghị tôi thì tôi đề cử anh”. Luật Thi đua - khen thưởng quy định để đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, cá nhân phải có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, có giải pháp công tác, có đề tài nghiên cứu hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác và phải được hội đồng xét duyệt công nhận. Những tiêu chuẩn này không dễ đạt được. Thế nhưng có cơ quan, đơn vị có rất nhiều chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, số còn lại là lao động tiên tiến.

Có thể nói, việc khen thưởng hiện nay còn tràn lan, nhất là vào dịp cuối năm hoặc ngày truyền thống, ít khen thưởng thường xuyên và đột xuất, đối với những tập thể, cá nhân có thành tích cao, nổi bật. Một số tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng nhưng thành tích không thực sự nổi bật, tiêu biểu, không có tác dụng nêu gương để học tập trong cơ quan, đơn vị. Đâu đó có nơi, có lúc, xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm quy định về chính sách dân số hay Luật Hôn nhân và gia đình … nhưng rồi cuối năm, khi tổng kết thi đua, bình xét khen thưởng thì bản báo cáo thành tích lại được “đánh bóng”, “gọt giũa” công phu. Để rồi, tập thể vẫn là “điển hình tiên tiến”.  Có những nơi chỉ tập trung đánh giá cao ở số lượng công việc thực hiện của tập thể, cá nhân mà không chú ý đến chất lượng công việc, trong khi đó thực tế tính chất, mức độ công việc ở mỗi bộ phận khác nhau tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, mức thưởng nhiều khi mang nặng tính hình thức, tượng trưng, chưa đủ để “kích thích” người thi đua và đẩy mạnh phong trào thi đua. Việc tổ chức trao thưởng nhiều nơi còn tuỳ tiện, tổ chức linh đình gây lãng phí, tốn kém.

Cách khen thưởng như vậy vô hình trung dẫn đến đánh đồng người có nỗ lực, cố gắng thật sự với kẻ chỉ hoàn thành phần việc đương nhiên phải thực hiện. Và vì thế, các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng ở từng chỗ, từng nơi trở thành hư danh, mờ nhạt, không còn là động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích sự năng động, sáng tạo của người lao động. Người được khen cũng không còn thấy vinh dự, tự hào.

Để khắc phục tình trạng trên, các cấp, ngành nên coi trọng khen thưởng theo chuyên đề, đột xuất, đánh giá đúng mức hiệu quả đạt được của phong trào trong thực hiện chuyên đề đến thời điểm sơ kết, tổng kết (hiệu quả chưa thiết thực, chưa có tác dụng thì chưa khen). Chọn đối tượng khen là người trực tiếp thực hiện, nếu là ở cơ sở thì phải do cơ sở xét đề nghị, không khen cho những người không trực tiếp thực hiện. Người được khen thưởng phải thật sự là điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua của chuyên đề được sơ kết, tổng kết.

Nhằm làm tốt công tác khen thường xuyên, đột xuất, các cơ quan, đơn vị và bộ phận làm công tác thi đua phải theo dõi, phát hiện những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hoặc thông qua báo chí để phát hiện gương người tốt, việc tốt, đề nghị các cấp khen thưởng. Đồng thời chú ý đến công tác tuyên truyền, công bố rộng rãi việc khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong toàn thể cơ quan, đơn vị hoặc qua thông tin đại chúng, có như vậy, khen thưởng mới kịp thời, công tác thi đua mới thực chất và có tác dụng tích cực.

NGUYỄN VĂN SƠN

(0) Bình luận
“Khen thưởng là thu hoạch”