Để thực sự vui khi được khen thưởng, để học sinh giỏi thực sự giỏi, đã đến lúc các gia đình, nhà trường cần bớt sống ảo với thành tích học tập của con em mình.
Vừa qua, báo điện tử VnExpress đăng bài phỏng vấn GS Văn Như Cương về những vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh đầu cấp, trong đó có nêu ý kiến của giáo sư rằng trong số hồ sơ dự tuyển vào trường có quá nhiều hồ sơ được giải và điểm 10. GS Văn Như Cương cũng bày tỏ băn khoăn những hồ sơ được giải và điểm 10 có thực chất không khi thực tế có những học sinh dù hồ sơ toàn điểm 10 trong 5 năm học tiểu học nhưng khi lên lớp 6 kết quả học tập lại không bằng các bạn chỉ đạt 8-9 điểm.
Băn khoăn của GS Văn Như Cương cũng là mối quan tâm của toàn xã hội. Có lần tôi được nghe giảng viên một học viện kể rằng, trong báo cáo tổng kết năm, đơn vị này đã chỉ ra một trong các kết quả nổi bật là đã giảm được tỷ lệ học viên đạt loại giỏi. Chuyện tưởng như bịa nhưng lại là thật.
Mấy năm về trước, khi ngành giáo dục và đào tạo chủ trương “chống gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong ngành giáo dục”, tỉnh ta cũng từng đề cập những vấn đề tương tự. Con số tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi của năm sau thấp hơn năm trước được coi là chuyện “đáng mừng” vì đã đánh giá kết quả giáo dục thực chất hơn. Đã có nhiều giải pháp được triển khai như đánh giá chất lượng đầu vào, đầu ra; thắt chặt kỷ luật thi và mới đây nhất là thực hiện không cho điểm đối với học sinh tiểu học khi lên lớp hằng ngày... Nhưng từ bấy đến nay căn bệnh thành tích dường như vẫn chưa giảm. Vẫn có trường, có lớp, tỷ lệ học sinh giỏi lên tới 60-70%.
Học sinh giỏi nhiều như vậy phải vui chứ sao lại lo? Lo bởi kết quả giỏi đôi khi rất ảo. Lấy một ví dụ đơn giản, học sinh trúng tuyển vào trường chất lượng cao của các huyện, thành phố thường là học sinh giỏi. Đó là những em có thể đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện (những năm trước) hoặc học sinh đạt thành tích xuất sắc liên tục trong 5 năm học ở cấp tiểu học... Thế nhưng, với cùng đề thi học kỳ ra chung cho học sinh tất cả các trường, thì học sinh của những trường chất lượng cao này vẫn có em đạt điểm dưới trung bình như thường. Con số này tuy nhỏ nhưng chứng tỏ một sự thật là kết quả học sinh giỏi của những em này khi nộp hồ sơ vào trường là “ảo”.
Lý do có những học sinh giỏi mà chưa giỏi là bởi người ta chạy đua với điểm số để có một suất vào trường chất lượng cao. Có trường hợp con không được vào đội tuyển ở trường này thì bố mẹ chuyển cho về trường khác thuận lợi hơn để được vào đội tuyển. Thậm chí với giải trong các cuộc thi, hội thi, sân chơi trí tuệ không do ngành giáo dục tổ chức, cũng có dư luận cho rằng vẫn có tiêu cực.
Tỉnh ta vừa tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi năm học 2016-2017. Theo số liệu từ website của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 82 em đạt giải học sinh giỏi quốc gia lớp 12, các cấp học có 2.085 em đạt giải học sinh giỏi tỉnh các môn văn hóa, hơn 300 em đạt giải cấp tỉnh và hơn 300 em đạt giải cấp quốc gia trong các cuộc thi, hội thi, sân chơi trí tuệ, giao lưu Olympic. Kết quả này sẽ giúp không ít học sinh có thêm điểm cộng trong mùa tuyển sinh vào THCS, THPT năm học tới đây. Nhưng vào được trường tốt mà không theo học được tại trường lại là chuyện khác. Năng lực học tập vốn là thứ rất khó che giấu, nhất là với người có năng lực kém. Vì thế, để thực sự vui khi được khen thưởng, để học sinh giỏi thực sự giỏi, đã đến lúc các gia đình, nhà trường cần bớt sống ảo với thành tích học tập của con em mình.
HOÀI ANH