Khẳng định thương hiệu thể thao Hải Dương

25/12/2016 07:33

Qua 2 thập kỷ, thể thao tỉnh nhà đã có bước phát triển vượt bậc. Thương hiệu thể thao Hải Dương được khẳng định trên các đấu trường quốc gia và quốc tế.



Nguyễn Văn Huệ (trái) là vận động viên đầu tiên của Hải Dương giành huy chương vàng ở Đại hội
 Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII  và SEA Games 28. Ảnh: Hải Đăng


Luôn trong tốp 10

Ở kỳ Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) cuối cùng trước khi tái lập tỉnh (năm 1995), đoàn Hải Hưng có 46 vận động viên (VĐV) tham gia thi đấu 9 môn gồm đá cầu, taekwondo, điền kinh, bơi, bóng chuyền, bóng bàn, bắn súng, bơi vượt sông, việt dã. Các VĐV giành được 5 huy chương vàng (HCV), 4 huy chương bạc (HCB), 4 huy chương đồng (HCĐ). Kết quả này giúp Hải Hưng xếp thứ 10 trong tổng số 56 tỉnh, thành phố, ngành tham dự.

Từ đó đến nay, tiếp nối truyền thống, đoàn thể thao Hải Dương không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Thành tích thể thao chuyên nghiệp của Hải Dương luôn trong tốp 10 toàn quốc. Đặc biệt, các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (năm 2010) và 7 (năm 2014), đoàn Hải Dương đã vươn lên vị trí thứ 7 trên bảng tổng sắp. Riêng Đại hội TDTT lần thứ 7, đoàn Hải Dương cử lực lượng hùng hậu tham dự với gần 200 VĐV, 42 huấn luyện viên, thi đấu 20 môn. Kết thúc đại hội, tỉnh ta đoạt 25 HCV, 24 HCB, 36 HCĐ. Ngoài ra, hằng năm, các VĐV Hải Dương còn mang về từ 60 đến 80 HCV ở các giải trong nước và quốc tế. Thành quả này khẳng định thể thao Hải Dương có hướng đi mới, sự đầu tư đúng đắn cho các môn thể thao truyền thống, có thế mạnh.

Ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh cho biết: "Những năm qua, thể thao thành tích cao của tỉnh đã khẳng định thương hiệu trên đấu trường quốc gia, quốc tế. Tại các kỳ đại hội và giải vô địch châu Á, Đông Nam Á, có nhiều VĐV Hải Dương tham dự và góp phần quan trọng vào thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam. Tiêu biểu như tại SEA Games lần thứ 28 năm 2015, Hải Dương có số lượng VĐV tham dự đông nhất với 16 VĐV và đạt thành tích rực rỡ nhất từ trước đến nay với 9 HCV. Đặc biệt, Hải Dương có 2 VĐV góp mặt tại đấu trường Olympic là Nguyễn Thị Thiết và Trần Quốc Cường".

Cùng với thể thao thành tích cao, phong trào TDTT quần chúng của tỉnh cũng phát triển mạnh mẽ. Năm 2002, tỉnh ta mới có 17% số người dân tập luyện TDTT thường xuyên, 9% số gia đình thể thao, 1.500 điểm, nhóm tập thì đến nay số người dân tập luyện thường xuyên đã tăng lên 28%, số gia đình thể thao chiếm 18,5% tổng số hộ trong tỉnh và có 3.500 câu lạc bộ, điểm, nhóm tập.

Kết quả mà Hải Dương giành được là niềm mơ ước của nhiều tỉnh, thành phố có tiềm lực kinh tế và đầu tư lớn cho thể thao.

Phát triển toàn diện

Những vinh quang thể thao Hải Dương lập nên thời gian qua không chỉ thể hiện quyết tâm, nỗ lực của các VĐV, huấn luyện viên, cán bộ quản lý ngành thể thao mà còn cho thấy sự quan tâm đầu tư đúng hướng của tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả từ các ngành. 

Hơn 20 năm trước, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện của thể thao chuyên nghiệp còn nghèo nàn. Cả tỉnh chỉ có Trường Nghiệp vụ TDTT làm công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu. Để bắt nhịp với xu hướng phát triển thể thao thành tích cao, tỉnh quan tâm mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo. Hiện nay, tỉnh ta có 3 đơn vị làm nhiệm vụ này là Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh, Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước tỉnh, Trung tâm Bóng bàn tỉnh. Các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cơ bản đáp ứng yêu cầu. Nhiều bộ môn được đầu tư hiện đại. Trong 20 năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng Nhà Thi đấu TDTT tỉnh, nhà tập luyện đa năng, nâng cấp các Câu lạc bộ Bóng bàn và Bắn súng.

Ở mấy kỳ đại hội TDTT đầu, tỉnh ta chỉ tham gia 5 môn là bóng bàn, bắn súng, bơi trong bể, bóng chuyền nữ, điền kinh với gần 100 VĐV, đến nay đã phát triển lên hơn 500 VĐV ở 28 bộ môn. Nhiều môn mới nhưng nhanh chóng trở thành thế mạnh của Hải Dương trên đấu trường quốc gia, quốc tế như cử tạ, pencak silat, đua thuyền rowing, đấu kiếm, bóng đá nhi đồng... Công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện được thực hiện chuyên nghiệp. Quy trình đào tạo phân cấp rõ ràng với các tuyến nghiệp dư, luân huấn, mục tiêu. VĐV không chỉ tập huấn ở trong nước mà còn đi nước ngoài. Một số môn thuê  chuyên gia nước ngoài huấn luyện như bóng bàn, bóng chuyền, cử tạ, đấu kiếm. Trong điều kiện còn khó khăn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh hợp tác với các địa phương có thế mạnh về thể thao thành tích cao để gửi VĐV đến tập nhờ.

Tỉnh đã quan tâm cải thiện chế độ chính sách nhằm động viên huấn luyện viên, VĐV yên tâm tập luyện, gắn bó lâu dài. Những VĐV đạt đẳng cấp quốc gia, quốc tế được trả lương hằng tháng. Các VĐV đều được đóng bảo hiểm xã hội và được khen thưởng khi giành thành tích cao ở các giải vô địch quốc gia, quốc tế. Các trung tâm bố trí việc làm cho một số VĐV xuất sắc khi hết thời kỳ đỉnh cao, cử đi học chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định sự quan tâm đầu tư, chăm lo cho sự nghiệp TDTT tỉnh, nhất là xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ, chính sách cho VĐV là "liều thuốc" trợ lực cho các VĐV, huấn luyện viên, giúp họ nỗ lực hết mình trong tập luyện, thi đấu. Nhờ đó, tỉnh ta đã giữ vững thành tích và ngày càng vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc và những giải đấu khác.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẳng định thương hiệu thể thao Hải Dương