Tàu thủy HP-3016 Thành Luân 28 tải trọng 3.000 tấn đâm vào cầu An Thái làm hư hỏng nặng dầm, nguy cơ sập cầu rất cao...
* Phân luồng giao thông phục vụ thi công, sửa chữa khẩn cấp cầu An Thái
Đến chiều 7-3, tàu vẫn mắc kẹt dưới gầm cầuKhoảng 17 giờ 30 ngày 6-3, tại km 23 bờ trái sông Kinh Môn thuộc địa phận xã Long Xuyên (Kinh Môn), tàu thủy HP-3016 Thành Luân 28 do Trần Huy Du (sinh năm 1977, trú tại Hồng Thuận, Giao Thuỷ, Nam Định) điều khiển hướng Hải Dương đi Hải Phòng đã đâm va vào dầm cầu An Thái trên tỉnh lộ 388. Hiện nay, lái tàu Trần Huy Du đang bị tạm giữ tại Công an huyện Kinh Môn để phục vụ điều tra vụ việc. Được biết, đây là lần đầu tiên Du điều khiển tàu lưu thông qua đây.
Từ khi xảy ra sự cố, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh đã tổ chức phong tỏa hiện trường, cấm tất cả phương tiện và người đi bộ qua cầu. Đề phòng cầu bị sập, chiếc tàu vẫn được giữ nguyên hiện trạng để các cơ quan chức năng nghiên cứu phương án khắc phục. Đến nay, Sở Giao thông vận tải vẫn tiếp tục duy trì việc bơm tháo nước vào tàu theo sự lên xuống của thủy triều để cân bằng lực tác động lên cầu.
Chiều 7-3, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ làm tổ trưởng về hỗ trợ tỉnh khắc phục sự cố cầu An Thái. Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, cơ quan chức năng nhận định 1 dầm biên trong 4 dầm bắc giữ trụ số 1 và số 2 đã bị phá hủy hoàn toàn. Khả năng chịu lực của dầm bị tàu đâm hiện nay gần như bằng 0 và nguy cơ nhịp cầu bị sập có thể xảy ra. Tại buổi làm việc với tổ công tác, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã cảm ơn và đề nghị các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải tích cực hỗ trợ tỉnh khắc phục ngay sự cố trên. Bên cạnh việc sửa chữa cầu, đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh, 2 huyện Kinh Môn và Kim Thành bảo đảm trật tự an toàn giao thông các bến phà, đò ngang.
Phương án ban đầu mà các cơ quan chức năng thống nhất trong chiều 7-3 là tổ chức đưa dầm chịu lực thay dầm biên bị đâm va. Sau đó cắt dỡ dầm bị phá hủy, từng bước khắc phục sự cố. Theo kế hoạch, ngày 8-3, Vụ Khoa học công nghệ sẽ tiến hành quan trắc, kiểm định 3 dầm cầu còn lại để xác định mức độ chịu lực của cầu. Sau khi có kết quả, cơ quan chức năng sẽ có phương án tổ chức giao thông phù hợp. Nếu cầu An Thái còn đủ điều kiện an toàn thì sẽ cho xe máy, xe đạp và người đi bộ lưu thông qua cầu, giảm áp lực giao thông cho các bến phà, đò.
Dầm cầu An Thái bị hư hỏng nặng
Chiều cùng ngày, ông Lê Huy Mạo, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng cho biết, tàu HP-3016 có trọng tải toàn phần 3.162 tấn, hết hạn đăng kiểm từ ngày 22-1 và đang trong quá trình kiểm định. Mặc dù tàu chưa kiểm định xong theo quy định nhưng đã tự ý rời cảng tiếp tục lưu thông và gây ra vụ đâm vào cầu An Thái.
Tỉnh lộ 388 là tuyến giao thông huyết mạch đi qua huyện Kinh Môn, nối liền quốc lộ 5 và quốc lộ 18. Mỗi ngày có trên 10.000 lượt người và phương tiện qua cầu An Thái. Chính vì vậy, sự cố chiều 6-3 khiến việc đi lại của người dân bị đảo lộn, hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Vĩnh Lâm, xã Lê Ninh (Kinh Môn) đưa vợ con về quê ngoại ở Thanh Hóa cho biết: “Tôi không nắm được vụ việc nên thuê tắc xi về lối này. Cầu bị cấm nên phải mất hơn tiếng đồng hồ tôi mới qua được đò. Giờ phải gọi người nhà ra đón”.
Được biết, trong ngày 7-3 các bến đò, phà đi từ quốc lộ 5 đến Kinh Môn đều trong tình trạng quá tải. Trước mắt, các phương tiện giao thông đường thủy cũng tạm thời bị cấm qua cầu để bảo đảm an toàn. Lực lượng thanh tra Sở Giao thông vận tải đã phải huy động 100% quân số phối hợp với các cơ quan chức năng làm công tác hướng dẫn, điều khiển giao thông từ xa hai phía đầu cầu và thường xuyên túc trực tại các bến phà, đò phòng tránh ùn tắc giao thông. Chiều 7-3, kiểm tra tại hiện trường vụ va chạm, đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các bến đò, phà, đặc biệt cần kiểm tra, ngăn chặn việc tăng giá vé, chở quá tải, không trang bị đủ thiết bị cứu hộ, cứu nạn; đồng thời nghiên cứu phương án bố trí đò dã chiến để tăng cường khả năng vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, có thể phải mất 2 tháng để khắc phục hoàn toàn sự cố tại cầu An Thái. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, hiện các lực lượng đang làm việc với tinh thần khẩn trương nhất để khắc phục hậu quả vụ tai nạn.
PV
Phân luồng giao thông phục vụ thi công, sửa chữa khẩn cấp cầu An Thái
Kể từ 0 giờ ngày 7-3, cấm tất cả người và phương tiện lưu thông đi qua cầu An Thái.
Người và phương tiện xe ô tô có tải trọng dưới 25 tấn từ thị trấn Phú Thái (quốc lộ 5) đi thị trấn Kinh Môn và ngược lại: Rẽ phải đi theo quốc lộ 5 đến ngã ba giao với đường tỉnh 389 (tại km 63+030 quốc lộ 5), rẽ phải đi theo đường tỉnh 389, qua bến phà Mây đi đến ngã ba giao với đường tỉnh 389B, rẽ phải đi theo đường tỉnh 389B đến ngã ba giao với đường tỉnh 388 và ngược lại.
Các phương tiện xe ô tô có tải trọng từ 25 tấn trở lên từ thị trấn Phú Thái (quốc lộ 5) đi thị trấn Kinh Môn và ngược lại: Rẽ phải đi theo quốc lộ 5 đến ngã ba Tiền Trung (tại km59+030, quốc lộ 5), rẽ phải đi theo quốc lộ 37 đến ngã ba Sao Đỏ (km 87+300, quốc lộ 37), rẽ phải đi theo quốc lộ 18 đến thị trấn Mạo Khê và rẽ phải đi theo đường tỉnh 388 và ngược lại hoặc rẽ trái đi theo quốc lộ 5 đến ngã tư giao với quốc lộ 10 (Hải Phòng), rẽ trái đi theo quốc lộ 10 đến ngã ba giao với quốc lộ 18 (Quảng Ninh), rẽ trái đi theo quốc lộ 18 đến thị trấn Mạo Khê và rẽ trái đi theo đường tỉnh 388 và ngược lại.
|