Khan hiếm vắc-xin dịch vụ

04/04/2015 08:02

Nhiều phụ huynh chờ vắc-xin dịch vụ mà không cho trẻ tiêm vắc-xin mở rộng. Điều này có thể khiến trẻ mắc một số bệnh do tiêm phòng không kịp thời...



Đưa trẻ đi tiêm đúng lịch là cách phòng bệnh hiệu quả nhất

Hiện nay, nhiều phụ huynh có con nhỏ rất lo lắng vì đã đến lịch tiêm chủng nhưng vẫn khan hiếm vắc-xin dịch vụ như vắc-xin “5 trong 1”- Pentaxim (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não, viêm phổi, viêm mũi họng do vi khuẩn Hib) và “6 trong 1”- Infanrix Hexa (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ, viêm phổi, viêm mũi họng do Hib, viêm gan B). Thậm chí nhiều gia đình còn chờ vắc-xin dịch vụ dù đã quá lịch tiêm của con. Ngành y tế khuyến cáo việc chậm trễ trong tiêm chủng có thể khiến trẻ mắc một số bệnh trước khi được tiêm ngừa và nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn.

“Đỏ mắt” chờ

Vài tháng nay, vợ chồng chị Vũ Thị Thơm ở xã Tân Việt (Bình Giang) như ngồi trên đống lửa vì chuyện tiêm chủng. Con gái Vũ Mai Phương của anh chị đã 20 tháng tuổi mà chưa tiêm đủ mũi vắc-xin “5 trong 1”. Chị Thơm cho biết: “Cháu đã tiêm 2 mũi vắc-xin “5 trong 1”-Pentaxim. Mũi thứ 3 lẽ ra phải được tiêm vào tháng 12-2014 nhưng đợi mãi không có, giờ gia đình tôi cũng chưa biết nên làm thế nào”. Trước đó, cũng do thiếu vắc-xin mà cháu Phương tiêm 2 mũi vắc-xin “5 trong 1” cũng cách nhau đến 10 tháng. Trong khi đó, theo đúng lịch trẻ phải được tiêm vắc-xin này lúc tròn 2, 3, 4 tháng tuổi.

Cùng chung nỗi lo với gia đình chị Thơm, chị Nguyễn Thị Hương ở khu 1, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết: “Cách vài ngày vợ chồng tôi lại gọi điện đến phòng tiêm Safpo và phòng tiêm dịch vụ ở Trạm Y tế phường Phạm Ngũ Lão cũng như một số trung tâm ở Hà Nội hỏi xem có vắc-xin “6 trong 1” hay “5 trong 1” chưa nhưng đều nhận được câu trả lời là không có”. Chị Hương cũng cho biết, do con chị đã 9 tháng tuổi nhưng mới tiêm 1 mũi “5 trong 1” miễn phí ở trạm y tế, vì cháu sốt cao, quấy khóc nhiều nên chị muốn cho con tiêm dịch vụ mũi nhắc lại.

Không riêng gì gia đình chị Thơm, chị Hương mà rất nhiều phụ huynh đã đưa con đi tiêm dịch vụ ở phòng tiêm dịch vụ Safpo hay ở phòng tiêm dịch vụ tại Trạm Y tế phường Phạm Ngũ Lão đều gặp tình trạng không có thuốc. Nhiều phụ huynh đã quay trở lại tiêm vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho con nhưng cũng có không ít gia đình vẫn hy vọng sẽ có vắc-xin dịch vụ trong nay mai.

Tỉnh ta hiện có 2 phòng tiêm vắc-xin dịch vụ nhưng hơn 1 năm nay cả 2 nơi này đều không nhập được hoặc nhập được rất ít vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1”. Trong khi đó, nhu cầu tiêm dịch vụ ngày càng tăng không chỉ ở khu vực TP Hải Dương mà ở cả các huyện, thị xã. Tại phòng tiêm Safpo, nếu như trước đây mỗi ngày chỉ tiêm 30-40 mũi thì nay có ngày lên đến hơn 300 mũi. Tuy nhiên, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2015 sẽ khan hiếm vắc xin “6 trong 1” và  “5 trong 1” dịch vụ; vắc-xin thủy đậu cũng có nguy cơ thiếu do khó khăn về nguồn cung.

Cần tiêm chủng đúng lịch

Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng, phần lớn các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà hay một số bệnh truyền nhiễm khác do không được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin phòng bệnh. Đặc biệt, gần đây có nhiều trẻ mắc bệnh sớm như bệnh sởi khi trẻ được 9-12 tháng tuổi, bệnh ho gà từ 2-4 tháng tuổi (độ tuổi chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh). Ở tỉnh ta, sau hơn 10 năm bị loại trừ, đầu năm nay cũng ghi nhận 8 trường hợp nghi mắc ho gà điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (4 ca) và Bệnh viện Nhi Hải Dương (4 ca). Trong đó có 5 trẻ dương tính với ho gà. Kết quả điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, trong 6 trường hợp từ 2-10 tháng tuổi (trong độ tuổi phải tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà) thì chỉ có 1 trẻ tiêm 1 mũi vắc-xin ho gà, 1 trẻ đã tiêm 2 mũi, còn lại 4 trẻ chưa tiêm mũi nào.



Chậm trễ trong tiêm chủng có thể khiến trẻ mắc một số bệnh


Theo ông Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nếu dịch bệnh xảy ra, nhóm trẻ chưa tiêm vắc-xin sẽ dễ bị mắc bệnh đầu tiên. Việc trì hoãn tiêm vắc-xin sẽ làm trẻ mắc bệnh trước khi có vắc-xin và vẫn mắc bệnh nếu chờ liều nhắc lại. Trong khi đó, vắc-xin phải được tiêm đúng liều, đúng thời điểm và nhắc lại đúng lịch mới phát huy được tối đa tác dụng. Để đạt được điều đó chỉ có chương trình TCMR quốc gia mới có nguồn cung vắc-xin ổn định.

Trước thực trạng trên, trong tháng 4 này, tỉnh ta sẽ rà soát, lập danh sách toàn bộ số trẻ chưa được tiêm vắc-xin “5 trong 1”, số trẻ đang chờ vắc-xin dịch vụ; đồng thời sẽ tuyên truyền, vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc-xin trong chương trình TCMR. Đối với những trẻ đang tiêm dở mũi tiêm dịch vụ cần thông báo chính xác cho cán bộ y tế để được tư vấn tiêm vắc-xin đơn lẻ, bảo đảm việc phòng ngừa bệnh. Ngoài ra, tại phòng tiêm Safpo, bác sĩ cũng tư vấn cho trẻ tiêm các mũi đơn lẻ trong khi vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1” chưa về.

Một trong những nguyên nhân khiến các gia đình cho con đi tiêm dịch vụ là do những tai biến liên quan đến vắc-xin trong chương trình TCMR trong thời gian qua cũng như trẻ bị sốt, quấy khóc sau tiêm khiến cho phụ huynh lo ngại. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thực cho biết: Tỉnh ta mỗi năm tiêm khoảng 100.000 liều nhưng chưa có tai biến nào xảy ra. Các trường hợp sốt nhẹ, quấy khóc là phản ứng thông thường sau tiêm. Vì vậy, phụ huynh không nên quá lo lắng và cần phải theo dõi chặt chẽ lịch tiêm chủng của trẻ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi để cho trẻ đi tiêm kịp thời. Đối với các trường hợp trẻ bị ốm, sốt, ho... bị lỡ đợt tiêm chủng thì cần phải thông báo cho cán bộ trạm y tế để được tiêm bù sớm nhất có thể. Trong thời tiết giao mùa hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo các gia đình cần phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở... Các trạm y tế luôn thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn tiêm chủng, từ việc bảo quản vắc-xin, đến tư vấn, kiểm tra sức khỏe trước và theo dõi sau tiêm... bảo đảm việc tiêm chủng diễn ra an toàn.

MINH HẠNH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khan hiếm vắc-xin dịch vụ