Hành trình sinh tử chinh phục Everest của kỹ sư Việt

14/09/2021 10:35

Tới bậc thang Hillary khi hoàng hôn, tận mắt thấy thi thể người bạn đồng hành 2 năm trước, Khải Nguyễn phải tự trấn an để bước tiếp.


Anh Khải trên đỉnh "đồi" Nagarjuna Hill (5.100m)

Bước qua xác chết trên đỉnh Everest không còn là điều lạ, nhưng khi đó là người bạn đồng hành đã nằm lại từ năm 2019, Khải Nguyễn không khỏi xúc động. Lúc này bầu trời ửng đỏ khi mặt trời dần lặn khuất. Phía trước anh chỉ còn một đoạn ngắn để lên tới đỉnh núi cao nhất thế giới, những bước chân vẫn nặng nhọc.

30 phút là khoảng thời gian anh cùng Chhiring Namgel Sherpa từ bậc thang Hillary lên tới đỉnh cao 8.848 m. Đỉnh Everest là một ụ tuyết nhỏ được quấn rất nhiều cờ ngũ sắc Phật Giáo Tây Tạng và có tượng nhà vua Nepal nhỏ. Chú tâm tới nhịp thở và từng bước chân, anh Khải thi thoảng nhìn ngắm những ngọn núi thấp hơn mờ ảo sau ánh hoàng hôn, tận hưởng sự hùng vĩ của thiên nhiên. Cảm giác phấn khích bao trùm tâm trí khi giấc mơ đã thành hiện thực sau hơn 10 năm, càng tuyệt vời hơn khi ở đây chỉ có anh và sherpa của mình. Họ choàng vai nhau nói lời chúc mừng và quay phim, chụp hình trên chiếc GoPro đời cũ của sherpa.

Khoảng 10 phút sau khi tới đỉnh, trời đã nhá nhem tối. Lúc này anh cùng sherpa phải dùng đèn pin đội đầu để đi xuống. Ánh trăng sáng làm dãy Himalaya thêm huyền diệu, từ xa cơn bão Yaas đang chuẩn bị đổ bộ Ấn Độ. Trên ngọn núi cao nhất thế giới, những tia chớp chưa khi nào ngang tầm mắt đến vậy. Tất cả tạo nên một cảnh tượng choáng ngợp và thể hiện sức mạnh của thiên nhiên, mà mỗi khi nhắc lại, anh vẫn nổi da gà.

Khải Nguyễn sinh ra và lớn lên tại TP Hồ Chí Minh, đang sống và làm việc tại bang California (Mỹ). Tháng 4 vừa qua, anh đến Nepal và ở thủ đô Kathmandu một tuần trước khi bắt đầu chuyến leo Everest. Đây là lần thứ 2 anh leo ngọn núi này, sau chuyến đi không thành công năm 2019. Công ty mà anh lựa chọn dịch vụ trong cả 2 lần là Pioneer Adventure ở Nepal.

Chi phí để sử dụng dịch vụ leo núi Everest tốn khoảng 40.000-65.000 USD. Ngay cả không dùng dịch vụ, giấy phép leo Everest là 11.000 USD.

Khi bắt đầu, đoàn của anh bay từ Kathmandu đến Lukla, một thị trấn nhỏ nơi tất cả những người đi trekking bắt đầu. Thời gian từ Lukla đến trại căn cứ (basecamp) là 8 ngày. Cung đường này thường có rất nhiều người leo nhưng năm nay do dịch bệnh nên hoàn toàn vắng bóng khách du lịch, đa số là những người leo núi.

Trong chuyến đi của anh có nhiều bạn đồng hành đến từ nhiều quốc gia như Morocco, Ấn Độ, Ba Lan, Kuwait, Mỹ, Lithuania, Đức, Áo, Romania, Ukraine, Moldova, Belarus, Nga và Nepal. Họ thường đến trại nền vào các thời điểm khác nhau. Nhóm đồng hành cùng anh có 6 người leo Everest, một người leo Lhotse và cùng vài người khác.

Người dẫn đường chính cũng là bạn đồng hành thân thiết nhất của anh Khải, Chhiring Namgel Sherpa đã chinh phục đỉnh Everest 7 lần và năm nay thêm 2 lần, cùng anh và cùng một du khách khác sau đó một tuần. Ngoài ra cũng có nhiều sherpa khác cũng đồng hành cùng anh ở các thời điểm leo khác nhau.

Trên Everest năm nay có nhiều người mắc Covid-19 và phải theo trực thăng rời trại nền đến thẳng các bệnh viện ở thủ đô Kathmandu. Đoàn của anh cũng không ngoại lệ, một số người và sherpa đã phải xuống núi về nhà cách ly tự điều trị hay vào bệnh viện.

Trong suốt thời gian leo núi, trại nền Everest basecamp ở độ cao 5.334 m gần như là "nhà". Từ đây, người leo núi bắt đầu các chuyến leo xoay vòng (rotations) để cơ thể thích nghi độ cao dần. Gần như ngày nào cũng có những vụ tuyết lở nhưng thường ở xa trại nền nên không có ảnh hưởng.


Một góc nhỏ của thác băng Khumbu

Chuyến leo xoay vòng đầu tiên anh Khải tới lưng chừng thác băng Khumbu. Không phải lần đầu leo nhưng anh vẫn thấy sự khó khăn và không thể ngừng ấn tượng trước những khối băng to lớn, trắng xóa và đôi khi là xanh da trời, xanh đậm với đủ hình dáng. Thác băng đầy rẫy khe nứt, có chỗ không nhìn thấy đáy, ở đây là nơi phải bắc thang và đi qua.

Lần leo xoay vòng thứ 2 và 3 anh đã tới trạm I, trạm II cũng như ngủ qua đêm ở đây trước khi tới trạm III, rồi quay lại trại nền. Từ trạm I bầu trời dường như được mở ra, vì trên đầu không còn những khối băng lớn. Đường đi đến trạm II đã không còn quá chật vật với việc leo băng, có đoạn gần như bằng phẳng, dù vậy vẫn tiềm ẩn những khe nứt dưới lớp tuyết dày, anh cùng đồng đội phải cẩn thận cài dây cố định.

Tại trạm II, anh có thể thấy núi Lhotse Face trước mặt, bên tay phải là núi Nuptse, thỉnh thoảng có những vụ núi lở rất gần trạm. Quãng đường từ đây tới trại III tuy gắn nhưng theo lời anh là rất chông gai và đáng sợ. Bề ngang của đường đi chỉ bằng chiều ngang của đôi giày và tuyết khá xốp nên rất dễ bị trượt. Anh không khỏi nghĩ đến việc nếu thiết bị an toàn có vấn đề, khiến anh rơi xuống khe nứt băng không nhìn thấy đáy.



Sau khi hoàn thành các chuyến xoay vòng, nhà leo núi nên đi xuống vùng thấp hơn, có nhiều oxy hơn để cơ thể phục hồi, chuẩn bị cho chuyến leo lên đỉnh. Thông thường có thể xuống Namche Bazar, nhưng vì muốn tránh nơi đông người do lo ngại Covid-19, anh Khải xuống tới Lukla và ở đó 4 ngày.

Khi thời gian leo lên đỉnh đã ấn định, đoàn leo thẳng từ trại nền đến trạm II, bỏ qua trạm I. Dự báo thời tiết ở Everest thay đổi liên tục, thông tin đôi khi ngược nhau. Đoàn tới trạm II, trong đoạn cuối của bão Taukate, gió rất lớn, trời mù trắng nên không thể nhìn xa. Đoàn phải ở trạm trong bốn ngày thay vì chỉ 1-2 ngày như thông lệ.


Anh Khải và phía sau lưng là dòng người lên trạm IV

Ngày 21.5, đoàn leo qua con đường dốc đứng, trơn trượt toàn băng của Lhotse Face tới trạm III và nghỉ ở đó một đêm. Chỉ đến lúc ngủ anh mới bắt đầu dùng oxy nhưng với liều lượng nhỏ nhất. Bất kỳ ai khi ra khỏi lều đều phải cố định dây vì ở trạm vẫn có độ dốc rất lớn. Sáng hôm sau khi ra ngoài khoảng 7 giờ sáng, anh Khải ngạc nhiên vì đường lên trạm 4 đang tắc, dòng người hầu như không nhúc nhích, khiến đoàn mất rất nhiều thời gian để tới trạm.

Khi đoàn tới trạm IV (7.950 m), nơi được gọi là "Ngưỡng chết", họ cần duy trì hơi thở bằng bình oxy. Gió lúc này càng mạnh hơn, một số người đi cùng cho anh biết tốc độ gió có thể tới 75 km/h trong khi dự báo thời tiết đang nói điều ngược lại. Ở trạm 4 địa hình khá bằng phẳng và vì gió thổi mạnh nên không có tuyết phủ, xung quanh toàn đá slate đen, ngoài ra là rất nhiều rác thải, lều rách nát, bình oxy cũ... mà những người leo núi đã bỏ lại.

Tối hôm đó, radio trong trạm liên tục nhận các cuộc điện đàm hỏi có nên leo hay không. Tới 19 giờ, tất cả người trong trạm không ai bắt đầu leo vì gió quá lớn, nguy cơ bị bỏng lạnh cao. Anh Khải cũng nhận được tin nhắn từ gia đình qua thiết bị định vị vệ tinh, cho biết thời tiết sẽ tốt hơn vào ngày 24.5 nhưng chỉ kéo dài đến gần sáng, vì vậy anh quyết định sẽ đợi cơ hội ngày hôm sau.

Sáng thức dậy qua những người đã thành công leo đỉnh và đang quay lại trạm II, anh biết càng lên cao tốc độ gió càng giảm hơn, vì vậy họ an toàn. Khoảng 9 giờ sáng, khi những cơn gió đã dịu bớt, anh đã phải thuyết phục người tổ chức chuyến đi để leo vào ban ngày. Đây không phải thời gian phù hợp để leo vì có nhiều nguy cơ như thời tiết thay đổi bất ngờ về chiều và sau khi lên đỉnh trở về sẽ rất dễ gặp nạn, việc cứu hộ khó khăn hơn.

Khoảng 12 giờ20, anh và sherpa của mình rời trạm IV để lên đỉnh. Một người bạn chung lều cũng đã xuất phát trước đó. Ngoài họ, không có ai leo núi vào lúc này, những người chinh phục đỉnh đang hoặc đã trở xuống. Khung cảnh lúc này hoàn toàn vắng lặng, không bóng người. Đây là điều rất hiếm vì thời tiết thuận lợi để leo Everest rất ngắn, nên thông thường tất cả mọi người đều leo cùng lúc, gây nên tình trạng tắc đường, nhất là khi gần tới đỉnh.

Giữa đường từ trạm IV đến đỉnh là Ban Công (The Balcony), anh Khải dừng nghỉ khoảng 15 phút và thay bình oxy. Đoạn đường tiếp theo tới Đỉnh Nam (South summit) có độ cao 8.749 m đối với anh khá khó khăn vì có rất nhiều đoạn leo trên đá trơn, không tuyết và có khi độ dốc lớn gần như leo núi đá. Anh gặp người bạn cùng lều gần Đỉnh Nam, khi người này đang trên đường trở về trạm IV. Sau đó trên núi chỉ có mình anh và sherpa.

Sau khi tới Đỉnh Nam, họ phải leo xuống một ít, sâu khoảng 20 m. Đoạn này có đá trơn, đế gai dường như trở nên vô dụng vì không có tuyết. Đôi khi họ phải đi chậm lại, mất rất lâu để tìm cách đặt chân sao cho không bị trượt.

Đoạn đường tiếp theo là sống núi Đông Nam (Southeast Ridge) dẫn tới Hillary Steps (Bậc thang Hillary) có thể gây choáng vì độ hẹp và 2 sườn bên rất dốc. Sườn bên Tây Tạng phủ kín băng tuyết và có độ sâu khoảng 3.000 m, trong khi sườn Nepal cũng khoảng hơn 2.000 m. Đây cũng là nơi nhiều nhà leo núi đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết. Đặc biệt khi tắc đường, họ có thể phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ khi cơ thể đang dần lạnh cóng, hoặc sử dụng hết nguồn oxy dự trữ.

Từ đây, anh cùng sherpa mất khoảng 30 phút để băng qua Hillary Steps, một mặt đá gần như thẳng đứng với chiều cao khoảng 12 m là thử thách cuối cùng để lên tới đỉnh Everest. Đứng trên đỉnh của thế giới trong ánh chiều tà vắng vẻ với anh Khải và sherpa là trải nghiệm vô cùng đặc biệt, hiếm hoi.


Bản sao chứng chỉ leo Everest (ngoài cùng bên phải) hoàn thành "bộ sưu tập" 7 đỉnh núi cao nhất mỗi châu lục của anh

Anh Khải đem theo điện thoại thông minh và thiết bị chụp ảnh hành động (Action Camera). Cả 2 thiết bị đều không thể hoạt động tốt trong cái lạnh buốt của đỉnh Everest. May mắn, sherpa có mang theo chiếc GoPro đời đầu để ghi lại những video kỷ niệm dù không quá rõ nét trong điều kiện thiếu sáng. Những hình ảnh này sau đó được Chhiring Namgel Sherpa đăng tải trên Facebook cá nhân. Với anh trong 9 lần chinh phục Everest, có lẽ đây là lần đặc biệt nhất. Anh Khải cũng gửi một tin nhắn bằng thiết bị định vị vệ tinh từ trên đỉnh Everest để đánh dấu khoảnh khắc này.

Họ trở về lại trạm IV lúc 23 giờ 40 và bắt đầu giấc ngủ trong cảm xúc phấn khích vẫn chưa vơi hết. Đón chờ và chúc mừng họ ở điểm trại là Mingma Dorchi Sherpa, một trong những nhà sáng lập của công ty. Anh ấy đã nấu nước và pha trà đường cho anh và sherpa của mình trước khi rời trạm để leo núi Lhotse.

"Chúng tôi vui mừng khi chào đón Khải quay trở lại trong mùa xuân năm nay. Đặc biệt hơn khi anh ấy đã chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới trong đợt thời tiết không quá tốt. Anh ấy cũng là một trong những người bạn Việt Nam đã chinh phục đỉnh núi mà tôi biết", Mingma Dorchi Sherpa chia sẻ.

"Bất kỳ ai khi leo núi cũng muốn lên đến đỉnh nhưng đây là điều không chắc chắn. Bởi vậy người ta hay dùng từ "cố gắng" hay "thử" hơn là "sẽ". Trước khi leo núi nào, tôi cũng chuẩn bị tâm lý có thể không lên được đỉnh. Một người leo núi phải biết khi nào cần tiến và khi nào quay lại", anh Khải nói.

Năm 2019, ở Everest anh từng quay lại khi tới độ cao 8.100 m. Trước đó ở trại IV, hơi thở vẫn duy trì ổn định nhưng anh không còn thiết ăn uống, vì cảm giác thèm ăn đã dần mất từ điểm trại I. Để giữ sức, anh rất cố gắng nuốt mỳ ăn liền và đồ ăn vặt. Trước đó, từ trại nền anh đã xuất hiện chứng ho khan, tình trạng tồi tệ đến mức có lúc ho ra máu và cơ giữa hai xương sườn bị rách vì ho quá dai dẳng.

Sherpa đi cùng khi ấy là Nawang nhắc nhở họ sẽ xuất phát lúc 17 giờ 30 nhưng anh Khải cảm nhận rõ sự chậm chạp của cơ thể khi cố gắng thay áo, đi giày... Khi họ rời khỏi lều để lên đỉnh, anh đi rất chậm, các ngón tay và chân đã lạnh cóng, không thể làm ấm lại dù anh liên tục cử động ngón để máu lưu thông tốt.

Thấy anh đi quá chậm, Nawang đã xem xét tình hình và hỏi "Mắt anh đỏ ọc rồi, anh có ổn không?". Nghe tới đây, anh Khải không khỏi hoảng loạn và nhờ sherpa giúp tăng lượng oxy nhưng chân, tay vẫn không ấm lên. Những suy nghĩ đang giằng xé trong tâm trí "Với việc thiếu oxy thì các bộ phận khác cũng dần bị cóng, tôi có thể lên đỉnh, đi lên bao xa để quay trở về an toàn?".

Sau những đấu tranh trong tư tưởng, anh Khải quyết định quay trở lại trạm IV. "Một người cần hiểu rõ khi nào phải dừng lại hay tiếp tục vào những thời khắc quan trọng. Đỉnh Everest có lẽ cũng không tha thứ cho những người đã đuối sức nhưng vẫn đánh cược để lên tới đỉnh", khi ấy anh tự trấn an nhưng cũng không thể quên đi cảm giác thất vọng về bản thân. Tất cả những nỗ lực để đến Everest trong suốt một năm và ước mơ được đứng trên đỉnh đã tan biến.

Nghỉ đêm ở trạm IV và được ủ ấm trong túi ngủ, anh Khải như được tiếp thêm năng lượng. Hôm sau anh cũng nhận một tin vui từ đồng đội rằng họ có oxy dự trữ và anh có thể thử lên đỉnh Everest lần 2. Không để tuột mất cơ hội, anh nhanh chóng thu dọn những đồ đạc thiết yếu để sẵn sàng lên đường khi trời tối. Lúc này cảm giác đói và cơn thèm ăn cũng trở lại, anh đã tiếp năng lượng với món cá tuyết khoai tây nghiền và chocolate.


Anh Khải cùng đồng đội nạp năng lượng trước khi lên đường năm 2019

Gần trưa, những cuộc điện đàm gọi về lều thông báo rằng bạn đồng hành, Donald Cash, đã không may mắn tử vong trên đường trở về trạm sau khi chinh phục Everest. Anh Khải không khỏi sốc và buồn bã. Ở Everest, có rất nhiều tai nạn do thời tiết, ngoại lực khác hay đơn giản là sự không may mắn, dù vậy cũng không thể để tin xấu đánh gục ý chí lên đỉnh, anh tự dặn lòng.

Những người đồng đội của anh dần quay xuống từ đỉnh và nghỉ ngơi rồi quay trở lại trạm II. Tuy nhiên có một đồng đội là Mahendra ở lại vì đôi mắt không còn nhìn thấy gì (mù tuyết tạm thời). Tin tức tồi tệ hơn lại đến, anh trai Mahendra là Hitendra vẫn đang kẹt trên núi, bây giờ đã gần 20 tiếng đồng hồ kể từ khi anh xuất phát lên đỉnh. Việc mắc kẹt ở Everest cũng là cận kề cái chết.

Anh Khải nhanh chóng quyết định từ bỏ cơ hội lên đỉnh lần 2, vì không thể để một đồng đội nữa ra đi. Anh nói với Nawang rằng sẽ không leo đỉnh nữa, anh không thể chấp nhận một người nữa sẽ chết. "Bạn hãy đi cứu họ bằng bất cứ cách nào đi. Ngọn núi đã ở đây hàng triệu năm và tôi sẽ quay lại bất cứ lúc nào", anh quả quyết.

Sherpa cảm ơn anh và bắt đầu hành trình giải cứu. Họ trở về sau nửa đêm và nhanh chóng nghỉ ngơi để xuống trại II vào sáng hôm sau. Mahendra và Hitendra được giải cứu, đối với anh Khải đó là kỳ tích.

"Khi kể lại với câu chuyện này, nhiều người nói tôi là một người hùng nhưng tôi khiêm tốn từ chối điều đó. Những anh hùng thật sự là sherpa của chúng tôi. Thật tuyệt vì danh sách người tử vong trên Everest không dài thêm", anh kể.

Và đúng như lời anh đã hứa "Ngọn núi hùng vĩ vẫn ở đó và tôi đã quay trở lại".

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình sinh tử chinh phục Everest của kỹ sư Việt