Khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XV)

02/07/2013 23:04

Ngày 2-7, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XV khai mạc Hội nghị lần thứ 14.

Dự hội nghị có các đồng chí trong BCH Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, trưởng ban chuyên trách HĐND tỉnh, thủ trưởng một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, phó các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy; Chánh, Phó các Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; Bí thư các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.



Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thành Chung


Các đồng chí Bùi Thanh Quyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Nhiều nội dung quan trọng



Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Chung


Hội nghị tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013; đánh giá 5 năm thực hiện các Nghị quyết số 25 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và Nghị quyết số 26 của BCH Trung ương Đảng (khoá X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; 5 năm thực hiện Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nghe và cho ý kiến về kết quả cuộc kiểm tra thứ nhất trong Chương trình kiểm tra, giám sát của BCH Đảng bộ tỉnh năm 2013 về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hải Dương giai đoạn 2010 - 2020, đề án "Tiếp tục xây dựng và phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2015", đề án "Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn" và một số nội dung quan trọng khác.   

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm tập trung nghiên cứu, tích cực phát biểu ý kiến đi thẳng vào vấn đề để bổ sung, hoàn chỉnh các báo cáo tại kỳ họp, nhất là việc đánh giá kết quả đạt được, các hạn chế, nguyên nhân, các giải pháp cần tập trung lãnh đạo nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể nhân dân năm 2013(toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến).

Tiếp đó, hội nghị nghe đồng chí Nguyễn Dương Thái, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 7,2% (kế hoạch năm là 6% - 6,5%). Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng, giảm 0,5%; sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 31,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.170 tỷ đồng, bằng 51% dự toán năm, tăng 34% so cùng kỳ năm 2012. Lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân thường xuyên được quan tâm.  Sự nghiệp giáo dục và đào tạo ổn định. Hoạt động an sinh xã hội, quan tâm người nghèo, đối tượng chính sách, vùng khó khăn được bảo đảm. Quốc phòng - an ninh được giữ vững...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm cũng đã bộc lộ một số hạn chế như: tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực có giá trị tăng cao. Chương trình xây dựng NTM đạt kết quả thấp. Việc điều hành cân đối ngân sách còn khó khăn, thu tiền sử dụng đất đạt thấp, nợ đọng lớn. Thu hút đầu tư chưa xứng với tiềm năng. Công tác giải quyết, xử lý một số điểm khiếu kiện phức tạp đông người đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Hiệu quả giải quyết một số vụ việc nổi cộm bức xúc về môi trường, khai thác cát, sỏi lòng sông chưa cao. Đời sống của một bộ phận người lao động còn gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, thu nhập thấp…

Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh ta tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thực hiện các biện pháp mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, xử lý hàng tồn kho. Khai thác hiệu quả các nguồn thu, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng làm cơ sở tăng trưởng kinh tế trong năm sau. Tạo bước chuyển trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Tiếp tục xử lý các điểm nổi cộm, bức xúc. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - quân sự địa phương.

Các báo cáo trình bày tại hội nghị cũng nêu rõ: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã có nhiều chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách được ban hành, thực hiện nhằm hỗ trợ, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. An ninh lương thực được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 2,3%/năm; giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp năm 2012 đạt 117,36 triệu đồng (tăng 50,9 triệu đồng so với năm 2008). Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của đại đa số nông dân được cải thiện. 

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 25 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, niềm tin của thanh niên vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên được củng cố. Vai trò, vị thế của tổ chức đoàn ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, việc triển khai, thể chế hóa của các cấp chính quyền trong thực hiện nghị quyết còn chưa tương xứng với yêu cầu của tình hình thực tiễn. Công tác giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống cho thanh niên có tiến bộ song chưa toàn diện...

Qua cuộc kiểm tra thứ nhất của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các đề án về phát triển giao thông nông thôn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn cho thấy: bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chương trình, đề án còn bộc lộ một số hạn chế. Công tác lập, phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM ở một số địa phương còn chậm; hệ thống quản lý giao thông nông thôn cấp huyện còn mỏng, ở cấp xã còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ; sự phối hợp giữa các sở, ngành trong quản lý môi trường còn bị động ...

Ý kiến thảo luận thiết thực

Sau phần làm việc tại hội trường, các đại biểu dự hội nghị được chia thành 4 tổ thảo luận.


Các đại biểu thảo luận tại tổ


Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, đồng chí Nguyễn Thành Công, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh phân tích: “Thực tế 6 tháng đầu năm cho thấy, nguồn thu từ đất đạt thấp, ngoài lý do thị trường bất động sản trầm lắng còn nguyên nhân khác là do nhiều dự án đã được tỉnh phê duyệt, nhưng chưa giao được đất cho doanh nghiệp. Vướng mắc ở đây là việc thực hiện quy định về quản lý đất lúa của Chính phủ theo tinh thần Nghị định 42. Vì vậy, tỉnh cần giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ khó khăn này, thực hiện giao đất cho doanh nghiệp để thu tiền thuê đất. Bên cạnh đó, cần đưa ra giải pháp cụ thể để tận thu nguồn thuế tài nguyên, làm rõ nên thu ở đâu: từ nơi khai thác tài nguyên (ví dụ các tàu khai thác cát, sỏi lòng sông), tại các bến bãi (cả bến bãi hoạt động có phép, không phép) hay thu tại điểm đầu ra của tài nguyên…”.

Một số ý kiến khác đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư; các cơ quan chức năng cần quan tâm tập hợp đầy đủ ý kiến của doanh nghiệp để kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Nên tận dụng nguồn thu từ xử lý đất dôi dư, xen kẹp ở các khu dân cư, kiên quyết đôn đốc, thu hồi nợ đọng từ các dự án đã trúng thầu liên quan đến việc sử dụng đất, thu tiền thuê đất của doanh nghiệp...

Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều ý kiến đề nghị nên sắp xếp thứ tự các tiêu chí cần ưu tiên đầu tư thực hiện trước; quan tâm bảo đảm an ninh nông thôn, tìm cách khắc phục tình trạng dân bỏ ruộng; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện dồn điền đổi thửa; quan tâm đầu tư phát triển hệ thống nước sạch ở nông thôn. Đồng chí Vũ Văn Lương, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ cho rằng: khi xây dựng quy hoạch NTM, các địa phương cần bảo đảm quy hoạch để tạo ra tiềm lực thúc đẩy phát triển kinh tế chứ không đơn thuần để tìm ra các điểm để xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở.  Nhiều ý kiến đề nghị Tỉnh ủy cần có nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, về dồn điền đổi thửa, vì đây là giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình này.

Về thực hiện Quy chế dân chủ, đồng chí Trần Hưng Thịnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho rằng: cần cương quyết xử lý những cá nhân lợi dụng dân chủ để chống đối Nhà nước, phải bảo đảm dân chủ đi đôi với kỷ cương, pháp luật. Đồng chí Đặng Thị Kim Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị tỉnh sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh phí cho thành viên các ban thanh tra nhân dân kiêm ban giám sát đầu tư của cộng đồng, có quy định thống nhất về cơ chế, chính sách, kinh phí hoạt động cho ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở...

Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, đồng chí Vũ Quang Bình, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng báo cáo trình bày tại hội nghị chưa đề ra được các giải pháp có tính chất đột phá trong thời gian tới. Nhiều giải pháp thiếu cụ thể, chưa gắn với đặc trưng của tỉnh Hải Dương. Theo đồng chí, do cơ cấu thanh niên trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi theo hướng thanh niên nông thôn giảm, thanh niên công nhân tăng nhanh nên cần tập trung vào các giải pháp mang tính đột phá, hướng tới đối tượng thanh niên công nhân, lao động trong các doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp.

Về công tác xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể, có ý kiến đề nghị cần có giải pháp nâng cao chất lượng việc tự phê bình và phê bình trong Đảng, xử lý nghiêm đảng viên sinh con thứ ba trở lên, thường trực cấp ủy cần tăng cường làm việc với từng đoàn thể...

Ngày 3-7, hội nghị tiếp tục làm việc và bế mạc.

Nhóm PV Chính trị - xã hội

(0) Bình luận
Khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XV)