Khai giảng của các em

05/09/2022 06:05

Tôi ra đề kiểm tra, yêu cầu học sinh nêu cảm nghĩ về lễ khai giảng. Đọc bài, tôi nhận thấy, có lẽ các em bây giờ đã thành thực hơn với cảm xúc của mình khi viết văn, so với thế hệ chúng tôi trước đây.

Hầu hết các em không mấy ấn tượng về ngày lễ. Nhiều em còn bày tỏ sự uể oải khi dự khai giảng. Bởi lẽ, các em được yêu cầu phải đến từ sáng sớm, tập trung xếp hàng ngoài sân trường rồi đợi đại biểu đến đông đủ, buổi lễ mới được bắt đầu. Trong suốt thời gian này, ngoài lúc đứng lên chào cờ và hát Quốc ca, hầu như các em phải ngồi yên nghe phát biểu hoặc xem các tiết mục văn nghệ. Hễ có đại biểu được giới thiệu, trống mừng sẽ vang lên và các em vỗ tay theo, dù đôi khi không biết đại biểu là ai, nhất là cán bộ cấp phòng, cấp sở.


Ảnh minh họa 

Nội dung phát biểu khai giảng của các hiệu trưởng không khác nhau nhiều giữa các năm học, đều nói về truyền thống, thành tích của nhà trường, hướng phấn đấu trong năm học mới và các khẩu hiệu tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho thầy, trò. Thế nhưng, ngôn phong chính luận của các bài diễn văn, cộng với những số liệu được đưa vào chi chít, lại dài dòng khiến học sinh rất khó lĩnh hội. Chưa kể, nhiều đại biểu khi lên bục phát biểu không có sự tương tác với học sinh. Nhiều em ngồi không ngay ngắn hoặc nói chuyện riêng, lập tức sẽ bị giáo viên nhắc nhở.

Mấy năm trước, một tờ báo thực hiện khảo sát ý kiến của 300 học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 tại TP HCM, kết quả cho thấy, hơn 90% học sinh bày tỏ sự không thoải mái khi dự lễ khai giảng.

Là giáo viên, những lần đi dự lễ khai giảng tại các trường học, tôi luôn có cảm giác ban tổ chức chưa dày công triển khai hoạt động hướng đến chính các em học sinh.

Để khai giảng vẫn là ngày hội của học trò, trường học nên thay đổi cách thức tổ chức.

Đối với thế hệ 7X hay 8X, kỳ nghỉ hè thường kéo dài ba tháng. Những học sinh ở quê như tôi, hè là những ngày tháng phải đi làm thuê làm mướn phụ giúp gia đình. Chúng tôi rất trông chờ đến đầu tháng 9, nghe xã phát loa thông báo tựu trường. Tôi cũng luôn cảm thấy háo hức khi dự khai giảng, vì được gặp thầy cô, bạn học. Tôi nhớ rất rõ, những buổi khai giảng thời ấy thường diễn ra đơn giản, ngắn gọn. Sau đó, chúng tôi về lớp, bắt đầu học những tiết chính khóa đầu tiên.

Bây giờ, kỳ nghỉ hè được rút ngắn lại, nhiều học sinh tham gia các khóa học hè, nên cảm giác háo hức khi gặp lại thầy cô, bạn bè vào đầu năm chắc chắn giảm đi nhiều so với trước đây. Có những địa phương, năm học mới đã bắt đầu vài tuần trước khi tổ chức khai giảng.

Bởi thế, thay vì tổ chức phần lễ một cách rườm rà, nặng tính hình thức, vừa lãng phí vừa kém hiệu quả, các trường có thể biến nó thành những hoạt động sáng tạo, vui vẻ nhằm chào đón học sinh, đặc biệt là các lớp mới vào trường. Đó là phương án hiệu quả để mang lại hứng khởi cho học sinh khi bước vào năm học mới.

Năm ngoái, cả nước phải tổ chức khai giảng online, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 căng thẳng. Hình ảnh các em học sinh trang phục chỉnh tề, thắt khăn quàng đỏ, đứng trước màn hình máy tính chào cờ, sau đó ngồi dự lễ trực tuyến từng khiến nhiều người xúc động.

Điều đó cho thấy, lễ khai giảng vẫn là một sự kiện ý nghĩa với học sinh. Và vì thế, người lớn cần nỗ lực thay đổi để các buổi lễ này thực sự là ngày hội trở lại trường của chính các em.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai giảng của các em