Hiện nay, ở một số vùng trồng hành đang xảy ra hiện tượng hành chết rũ rải rác do điều kiện thời tiết và cách chăm bón của nông dân làm vi khuẩn héo xanh phát sinh gây hại hành.
Ngoài thời tiết bất lợi thì cách chăm bón không đúng cũng khiến hành bị bệnh chết rũ. Ảnh: Ngô Huệ
Để giảm tỷ lệ cây hành chết rũ, nông dân cần chú ý một số vấn đề sau:
+ Nguyên nhân gây bệnh: Hành non bị chết rũ chủ yếu do vi khuẩn thối nhũn (Erwinia carotovora) xâm hại. Đây là một loài vi khuẩn đa thực gây hại cây trồng và không thể trị được bằng thuốc hóa học.
+ Triệu chứng: Cây bị héo đột ngột, héo tái xanh, thân lá không có vết bệnh. Bộ rễ vẫn còn trắng không bị hư hỏng nhưng kiểm tra phần thịt củ giống sẽ thấy bị thối nhũn và có mùi khẳn.
+ Đặc điểm phát sinh phát triển của bệnh: Vi khuẩn tấn công cây trồng bằng cách xâm nhập vào bộ rễ qua vết thương và lỗ khí khổng của rễ, xâm nhiễm vào bó mạch cây trồng làm tắc nghẽn bó mạch khiến cây không vận chuyển được nước và dinh dưỡng nuôi thân, lá dẫn đến héo rũ và chết.
- Bệnh thường phát sinh nhiều trên chân ruộng thoát nước kém, có nhiều tàn dư chưa hoai mục, đất trước đó trồng các cây họ cà, họ bầu bí, họ thập tự, hành tỏi...
- Môi trường đất yếm khí (thiếu ô-xy), bón phân không cân đối (nhiều đạm) thì bệnh thường phát triển mạnh.
- Bệnh phát sinh phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ 25-300C, độ ẩm cao, thời tiết nóng ẩm, thay đổi thất thường.
+ Các biện pháp khắc phục:
- Chăm bón: Trong giai đoạn hành non, nông dân không nên chăm sóc hành bằng cách tưới u-rê vào gốc cây để không thu hút và tăng khả năng gây hại của vi sinh vật gây bệnh. Thay vào đó, cần bổ sung dinh dưỡng cho hành bằng các loại phân bón chuyên dùng (phân tổng hợp chứa các nguyên tố đa, trung, vi lượng) xen kẽ các lần bón phân qua lá.
- Giảm thiểu tỷ lệ chết khi hành bị bệnh: Khi phát hiện ruộng hành đã bị chớm bệnh, cần khẩn trương nhổ bỏ và tiêu hủy các cây hành bị bệnh héo rũ do vi khuẩn. Dùng tiếp chế phẩm nấm đối kháng Biobus tưới xuống gốc hành với liều lượng hòa như trên (tưới từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 3 - 4 ngày). Đồng thời, tuyệt đối không được tưới thúc đạm u-rê hoặc phun phân bón lá có chứa đạm cho cây lúc này. Chỉ có thể bổ sung cho cây bằng phân bón chuyên dùng chứa ít đạm giàu vi lượng bằng cách tưới hoặc phun thân lá.
KS. TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)