Khắc phục bệnh hình thức trong thi đua, khen thưởng

30/12/2013 17:21

Bài học thành công về công tác thi đua, khen thưởng ở nhiều nơi cho thấy, việc đề ra mục tiêu thi đua phải đúng hướng, đúng thời điểm...


Cuối năm là dịp để các cấp, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp tổng kết, đánh giá phong trào thi đua năm 2013 và tiếp tục triển khai các biện pháp tích cực nhằm thúc đẩy phong trào thi đua năm 2014.

Một hội nghị tổng kết thi đua có chất lượng tốt tạo ra động lực cho các cấp, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp phát triển. Tuy vậy, một số nơi, việc thi đua khen thưởng lại sa vào hình thức, dẫn đến bệnh thành tích. Có nơi chậm đổi mới trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua, dẫn đến “khoán trắng” phong trào thi đua cho các phòng hành chính hay phòng tổ chức cán bộ làm thường trực hay cán bộ chuyên trách công tác thi đua. Do đó, không xóa bỏ được tình trạng khen thưởng “cào bằng”. Mặt khác, việc tặng bằng khen, giấy khen thường trao cho lãnh đạo, cán bộ quản lý theo kiểu đến hạn là có, đến kỳ là nhận trong khi người lao động có thành tích thực sự lại ít được quan tâm đúng mức. Lại có nơi mở rộng thi đua liên kết, thi đua cụm, thi đua vùng rồi duy trì tổ chức chấm điểm, đánh giá xem ra rất “bài bản” nhưng thường mang tính chủ quan, cứng nhắc để cho phong trào rơi vào cảnh “đầu voi, đuôi chuột”. Vì thế phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo bị hạn chế, nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật chưa được phát huy, chưa quy tụ được đội ngũ thợ lành nghề, chuyên gia có tài năng tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội đặt ra.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và “động lực” tích cực từ phong trào thi đua mang lại. Do vậy, việc chỉ đạo bộ phận thường trực chuẩn bị nội dung, mục tiêu thi đua thiếu cụ thể, việc tổ chức triển khai không đồng bộ, thiếu chương trình hành động khả thi dẫn đến làm cho phong trào “dậm chân tại chỗ” hoặc nặng về hô hào chung chung “đánh trống, bỏ dùi”. Vì vậy, trong các hội nghị tổng kết, việc nâng cao chất lượng phong trào thi đua là một nội dung không thể thiếu, cần được các cơ quan, đơn vị quan tâm. Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, việc duy trì phong trào thi đua tại các đơn vị địa phương, cần có nội dung cụ thể, thiết thực, phổ biến đến từng người với tinh thần “người người thi đua, ngành ngành thi đua”. Việc sơ kết, tổng  kết thi đua, bình xét khen thưởng phải được tiến hành công  khai, dân chủ từ cơ sở theo những tiêu chuẩn quy định. Đơn vị, cá nhân được khen thưởng phải là tập thể, cá nhân có thành tích đồng thời gương mẫu thực hành tiết kiệm, không có cá nhân tham nhũng, lãng phí. Khi xem xét, cần đánh giá đúng vai trò của cá nhân trong thành tích chung. Trong đó, nếu người đứng đầu đơn vị là chiến sĩ thi đua thì đơn vị phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nếu đơn vị được khen thưởng thì phải có tỷ lệ cá nhân đạt danh hiệu xuất sắc cao, từ đó sẽ tạo được phong trào tốt, chất lượng công tác được nâng lên, sản xuất, kinh doanh phát triển.

Bài học thành công về công tác thi đua, khen thưởng ở nhiều nơi cho thấy, việc đề ra mục tiêu thi đua phải đúng hướng, đúng thời điểm, có quy trình hướng dẫn kỹ lưỡng, có tiêu chí phấn đấu phù hợp, với mức khen thưởng vật chất thỏa đáng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là phong trào thi đua mang tính mũi nhọn, cần có đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua công tâm, tận tâm với công việc. Trong đó, vai trò người đứng đầu không thể xem nhẹ, đồng thời chú trọng tạo cho phong trào thi đua hướng vào chiều sâu. Trong các doanh nghiệp, thợ giỏi, kỹ sư tài năng cần được tạo điều kiện, hướng dẫn tỉ mỉ để họ viết đầy đủ sáng kiến, kinh nghiệm và thành tích đạt được. Đây là nhân tố tốt, cần được nhân rộng. Đó chính là những kinh nghiệm quý để các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt Luật Thi đua, khen thưởng vừa được Quốc hội thông qua.

NGUYỄN HUY (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Khắc phục bệnh hình thức trong thi đua, khen thưởng