Khắc ghi lời Bác dạy

19/05/2014 12:50

Bác đã đi xa gần 45 năm nhưng tình cảm và những lời căn dặn của Bác vẫn khắc ghi trong tâm trí nhân dân tỉnh ta...



Diện mạo nông thôn mới Hồng Thái (Ninh Giang) đang dần hình thành.Ảnh: Thành Chung

Từ sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đến lúc Bác đi xa, Hải Dương vinh dự 5 lần được đón Người về thăm. Những lời dạy của Bác luôn in đậm trong tâm trí của bao thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà.

"Đã khá thì phải cố gắng để giỏi hơn"


Trong những lần về thăm đó, Bác quan tâm căn dặn Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta rất nhiều. Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề sản xuất nông nghiệp. Ngày 1-4-1959, lần thứ ba Bác về thăm Hải Dương, tại trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, Bác nói chuyện và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban Hành chính tỉnh; nói chuyện với đại diện cán bộ, đảng viên các ban, ngành của tỉnh. Bác khen ngợi những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã đạt được, nhất là phong trào đổi công HTX, phong trào sản xuất nông nghiệp. Bác nhắc nhở một số công việc sản xuất trong vụ đông như cần bón thêm phân và ra sức chống hạn… Trong buổi nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân thị xã Hải Dương tại sân Vọng Cung (nay là Nhà hát nhân dân TP Hải Dương) trong lần về thăm thứ 4, ngày 26-7-1962, Bác Hồ đã nhận xét nông nghiệp tỉnh ta "phát triển chưa toàn diện. Chú trọng sản xuất là đúng, nhưng lại ít chú trọng hoa màu và cây công nghiệp... Công việc vỡ hoang cũng yếu. Chăn nuôi không tăng, bò và lợn đều kém thua năm 1961... Cải tiến công cụ chậm... Phân bón quá ít...". Để phát triển nông nghiệp, Bác căn dặn nhân dân tỉnh ta phải: "Ra sức củng cố HTX về mọi mặt. Tiến hành tốt cuộc vận động cải tiến quản lý HTX... Ra sức chống úng, vượt mọi khó khăn, cấy thêm diện tích. Tăng cường chỉ đạo kỹ thuật. Đẩy mạnh công tác thủy lợi. Phát triển công cụ cải tiến. Đẩy mạnh phong trào làm phân bón. Chăm sóc đồng ruộng. Chống lụt, bão, hạn hán. Tổ chức vỡ hoang. Chú trọng lúa, đồng thời rất coi trọng hoa màu và cây ăn quả... Đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò và lợn. Mỗi hộ nên nuôi 2 con lợn". Sau đó, Bác về thăm bà con nông dân xã Ứng Hoè và xã Hiệp Lực (Ninh Giang). Tại xã Hiệp Lực, Người tham gia đạp guồng nước chống úng cùng với bà con nông dân và căn dặn mọi người phải tích cực chống úng thắng lợi.

Lần cuối cùng Bác về Hải Dương là vào ngày 15-2-1965. Buổi sáng Bác về thăm xã Hồng Thái (Ninh Giang), lá cờ đầu của phong trào làm thuỷ lợi toàn miền Bắc, nơi đã được nhận cờ luân lưu của Bác. Tại đây, Bác nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong và ngoài xã. Sau khi biểu dương thành tích, Bác nhắc nhở xã cần tiếp tục làm cho năng suất lúa ổn định và tăng hơn; đẩy mạnh chăn nuôi hơn nữa. Buổi trưa, Bác tới thăm Nam Chính (Nam Sách), xã có phong trào vệ sinh khá nhất tỉnh. Bác thăm hỏi đời sống nhân dân trong xã, xem các công trình vệ sinh như: giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh của hộ xã viên và căn dặn cán bộ, nhân dân trong xã: “Cái gì đã khá thì phải cố gắng để giỏi hơn nữa, cái gì còn kém thì phải cố gắng để tiến lên khá… Bác mong Hải Dương có nhiều xã như Nam Chính”.
Cũng trong lần về thăm này, Bác biểu dương những thành tích tỉnh ta đạt được trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, Bác căn dặn Hải Dương "phải phấn đấu làm cho nông nghiệp tiến bộ mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc để cải thiện đời sống nhân dân, cung cấp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa và đấu tranh thống nhất nước nhà".

Ngoài những lần về thăm, nói chuyện với Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta, Bác còn viết nhiều bài báo cả biểu dương và phê bình sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta. Tiêu biểu như các bài: "Thanh niên xung phong khai mương, đào giếng, thanh niên nổi tiếng đào giếng, khai mương", "Những nơi nào nhận thi đua với xã Hiệp An", "Quỹ đen... quỹ trắng", "Cần phải cải tiến mạnh công tác thủy lợi", "Cần phải tổ chức ngay đội thủy lợi", "Củng cố và phát triển tốt hơn nữa các đội thủy lợi", "Phải chăng thế này là thực hành tiết kiệm" (cùng đăng báo Nhân dân từ năm 1956-1966)...

Làm theo lời Bác, tích cực xây dựng nông thôn mới


Bác đã đi xa gần 45 năm nhưng tình cảm và những lời căn dặn của Bác vẫn khắc ghi trong tâm trí nhân dân tỉnh ta. Những lời căn dặn ấy đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là khi Hải Dương đang cùng cả nước ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM).

Mấy chục năm qua, lời dạy của Bác "Đồng bào Hồng Thái chớ nên tự mãn với kết quả bước đầu mà cần phải cố gắng hơn nữa" đã trở thành khẩu hiệu hành động của Đảng bộ, nhân dân xã Hồng Thái. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, Hồng Thái là một trong những xã đầu tiên trong tỉnh hoàn thành việc dồn ô, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Nhờ đó, nông dân có điều kiện đưa máy cày lớn, máy gặt đập liên hợp vào sản xuất, giúp giảm 1/3 chi phí làm đất và gặt. Đến nay, Hồng Thái đã đạt được 14 trong tổng số 19 tiêu chí NTM. Xã cũng được Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh chọn là 1 trong 15 đơn vị được tỉnh đầu tư để đạt tiêu chí NTM trong năm 2014. Đồng chí Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch HĐND xã cho biết: "Đạt được kết quả trên là do Đảng bộ, chính quyền xã luôn thực hiện theo lời dặn của Bác. Đến nay, nhân dân trong xã đã tự nguyện hiến gần 280 nghìn m2 đất canh tác, 570 m2 đất ở để mở rộng đường giao thông, chỉnh trang đồng ruộng và gần 1,5 tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa".

Tự hào là một trong 4 xã được Bác về thăm vì có phong trào vệ sinh phòng bệnh khá nhất tỉnh, trong những năm qua, Nam Chính vẫn luôn thực hiện tốt phong trào này. Hiện 2 trong tổng số 5 thôn của xã duy trì việc tổng vệ sinh 1 tuần/lần, 3 thôn còn lại tổng vệ sinh vào ngày 15 và 30 hằng tháng. Do đó, trên các tuyến đường ở Nam Chính không có tình trạng rác thải vứt bừa bãi như một số địa phương khác. Hơn 86,7% số dân trong xã đã có nhà vệ sinh tự hoại; chỉ còn 2 hộ dân chưa sử dụng nước máy. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, Nam Chính được huyện Nam Sách chọn làm điểm xây dựng mô hình vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn và phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân. Nam Chính đã đạt 13 tiêu chí NTM, phấn đấu trong năm 2014 tiếp tục đạt 2 tiêu chí nữa và sẽ về đích vào năm 2015.

Hơn 3 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã ra sức thi đua xây dựng NTM và đạt được những kết quả quan trọng. Nhân dân các địa phương trong tỉnh đã tự nguyện hiến đất, góp sức, tiền cùng với các cấp chính quyền xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng... Các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh đã đóng góp, ủng hộ 1.760 tỷ đồng xây dựng NTM. Đến nay, bình quân mỗi xã ở tỉnh ta đạt 8,4 tiêu chí NTM, tăng bình quân 1,7 tiêu chí so với trước khi triển khai chương trình. Toàn tỉnh có 1 xã đạt 17 tiêu chí, 4 xã đạt 15 tiêu chí, 5 xã đạt 14 tiêu chí, 13 xã đạt 14 tiêu chí... Thu nhập của nông dân được nâng cao, đời sống được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Tình cảm, tư tưởng của Bác luôn sống mãi trong tâm khảm của bao thế hệ cán bộ, nhân dân Hải Dương, trở thành động lực to lớn trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

HẠNH DUYÊN

(0) Bình luận
Khắc ghi lời Bác dạy