Kết nối mùa xuân

24/01/2016 07:54




Minh họa: VĂN HÀ


Vẫn như từ những ngày đầu chị Đoan đi lấy chồng, việc đầu tiên khi thức dậy là Cốm tưới nước cho cây mai chiếu thủy của chị để lại. Cây mai nhỏ, hoa mùa đầu nở đúng dịp sắp sang xuân mới tuyệt làm sao, từng chùm hoa trắng li ti, rung rinh cúi soi gương mặt nước. Cốm khom mình xoè hai tay ra hứng một chùm hoa đưa lên mũi hít hà lấy mùi thơm của nó, cảm thấy lòng lâng lâng, xao xuyến. Cốm mỉm cười, nụ cười như cánh mai chiếu thủy e ấp nở trong nắng sớm.

Không biết chị Đoan đang làm gì, có nhớ tới cây mai chiếu thủy đã nở hoa rồi không, những bông hoa đẹp như những chùm bông tuyết tí xíu…Nếu mà chị nhìn thấy những chùm hoa xinh tươi này, thảo nào chị cũng thấy phơi phới, hân hoan như mùa xuân đang ngập tràn khắp nơi nơi.

Cốm mở máy.

Những ngón tay nhẹ bay như hạt mưa xuân tí tách gõ lên bàn phím. Cái cảm giác gõ chữ và gửi đi thật là thích, chị đọc lúc nào cũng được, sẽ không làm ảnh hưởng đến công việc riêng tư của chị. Sở thích của Cốm là vậy. Hầu như ngày nào hai chị em cũng nhắn tin hay chát chít, nhiều hơn là gọi điện cho nhau. Những lúc như thế, bạn cùng phòng còn tưởng Cốm đang kết nối với người yêu.

Mấy bữa trước, Cốm đã báo một xui tin cho chị: “Em có lẽ sắp bị gửi trả nơi sản xuất rồi chị ạ. Vì em đã dám cãi lại lời sếp, dù em cãi đúng. Thì thôi, em xin nghỉ phép cho sớm. Hết phép lên nhận quyết định thôi việc chứ gì đâu mà”.

Cốm gõ chữ phình phịch như muốn xả cơn tức vẫn còn tồn đọng lại trong người đổ lên bàn phím tội nghiệp. Khuôn mặt hầm hầm như đâm lê của sếp lại hiện lên, với cái giọng hầm hứ: “Cô làm việc không biết kín đáo giữ bí mật công ty như thế có ngày bán sới. Cứ quang quác ra khác gì cái loa phát thanh”.

Cốm bị bất ngờ. Cốm chỉ gặp người ta rồi làm đúng trách nhiệm của mình, nói những điều cần nói, làm những thủ tục cần làm, có thêm vài câu chào hỏi xã giao tạo sự thân mật. Thế mà khi không, hôm sau, sếp nói như vả vào mặt Cốm những câu đó.

Cốm cãi: "Em không sai, đối tác hỏi, em trả lời, chỉ trả lời những thông tin vấn đề cần thiết, có cả các anh chị trong phòng cùng chứng kiến hôm đó biết, không tin thì anh cứ hỏi. Còn chuyện lộ thông tin ở công ty, tại sao lại đổ trách nhiệm cho em? Cả công ty, văn phòng có bao nhiêu là người cơ mà".

Nghe nhân viên cãi như chém chả, mặt sếp chuyển màu, cái cổ đỏ rau rảu nổi cục lên như cái cổ gà chọi sắp vào trận, câu cãi của bị cáo dài hơn câu phán xét của quan tòa nên càng tạo chất xúc tác cho phản ứng cơ học xảy ra: “Không là cô thì còn ai vào đây? Mới chỉ có cô đi gặp gỡ với bên đó và ban giám đốc, chẳng lẽ là tôi nói à? Cô liệu đấy! Công ty thì đang thời kỳ nước sôi lửa bỏng, phải tạo uy tín cho đối tác, giành giật từng hợp đồng để có việc làm, có lương cho công nhân, nếu để mất chữ tín, để tuột mất hợp đồng H8 vào bên công ty M. thì cô liệu thần hồn đấy!”.

Sếp rút lui bằng một câu đe dọa, một cái đóng cửa đến “rầm” chát chúa làm chiếc máy tính, hộp đựng bút, kẹp tài liệu trên mặt bàn rung lên bần bật, ô xy như dạt vào một góc nhường chỗ cho khí cacbon nic căng cứng, mọi người trong phòng tưởng nghẹn thở. Mặt anh Bảo rúm lại như ni lông gặp nước nóng, còn cố tình vớt vát cái nhìn thương cảm với Cốm, tựa như anh là người vừa bị đe dọa đuổi việc.  
Cốm lườm xéo một cái như táp nắng vào Bảo, người đâu mà đáng ghét, thấy mà muốn đào đất đổ đi, giả đò quan tâm hay là muốn người ta chui vào quan tài sớm, không lên tiếng cho Cốm một lời, lại còn đứng đấy run rẩy.

Cốm lôi cái ghế, ngồi như tượng gỗ trước bàn làm việc.

Hết giờ, Bảo hẹn Cốm ra quán nước để gặp riêng nói chuyện. Thì ra, cũng chẳng có ai gần gũi với Cốm bằng Bảo cả. Vẫn là cái quán quen thuộc mọi khi nhưng bữa nay Cốm thấy xa lạ khi Bảo cất giọng quan tòa, không như Bảo mọi khi chu đáo hỏi han, động viên từng li từng tí, hướng dẫn công việc... cho Cốm nữa.

-  Em còn trẻ, lại mới tập tạnh chân hợp đồng mà dám cãi lại sếp vậy?

- Anh nói gì đấy? Thế còn trẻ, hợp đồng thì không được cãi sếp khi người ta nghi sai cho mình à? Sếp sai thì em phải cãi chứ. Không cãi người ta đổ lỗi cho mình à. Mà em mới vào, có biết cái gì đâu, biết bí mật nội bộ gì đâu để đến nỗi sếp tức giận như vậy?

- Đành rằng có lúc này lúc kia... Nhưng cãi sếp là em cãi lại ý trời rồi đó. Liệu mà gặp sếp lúc sếp nguôi ngoai thì xin lỗi đi. Nhịn một lúc gió yên sóng lặng. Là con gái phải biết nín nhịn chứ em!
- Nhưng em không chịu nhịn như anh được!

- Không chịu cũng phải chịu kẻo mất hợp đồng ngay. Chẳng qua là ông ấy giận cá chém thớt thôi.

- Anh biết ai là cá không?

- Ấy là anh hiểu thế, em làm kế toán phụ việc thì biết cái gì về tài chính tài phụ.

Bảo im lặng. Cốm thấy khó hiểu. Công ty nổi tiếng về việc kinh doanh sản xuất, lúc xếp hàng vào phỏng vấn, ai cũng thầm khấn trời phật phù hộ cho mình được nhận dù là hợp đồng, Cốm cũng từng ao ước vào được, sau khi đã thôi việc ở vài công ty khác. Vậy mà vừa chân ướt chân ráo, mới đi làm việc với đối tác một chuyến về đã bị một cú đòn phủ đầu không ngóc lên được.

- Thôi là cùng, bị chửi thế ai chịu được.

- Mất việc ở đây nữa thì em đi đâu?

- Thiếu gì chỗ, không thì về quê. Em nói thật, sống nơi này, em quả thật là thấy quá ngột ngạt - Cốm thở dài.

- Thực ra, nhiều ông cậy quyền chửi nhân viên cũng tức thật.

Cốm nghe Bảo nói thế, thêm nóng gáy hơn:

- Công ty có bao nhiêu cái loa sao cứ đổ tội cho em. Sao không nghĩ sâu đi một chút nhỡ có ai đó hai mang, ném đá giấu tay, ngậm miệng ăn tiền thì sao? Nhìn thấy em giao tiếp với đối tác mà đổ tội cho em là không đúng. Làm sếp như vậy thì lường sao được những mánh khóe mưu mô.

Cốm đứng dậy về trước, bỏ mặc Bảo ngồi thừ ra đó.

Hôm sau, tới văn phòng, chị Hoan vẫy vào gọi, nói nhỏ, sếp vừa vào tìm Cốm đấy. Nghe đâu, bên đối tác biết được thông tin công ty ta còn nợ ngân hàng mấy tỷ đến hạn chưa trả được, nên khả năng sẽ xem xét lại cái hợp đồng H8 này. Mất cái này thật thì anh chị em đói dài răng.

Sếp gần như đạp cửa bước vào, chỉ mặt Cốm:

- Tại cô cả, cô đã để lộ thông tin tài chính. Bọn M. đang tìm cách giành giật lấy đơn hàng H8 đấy, biết chưa?

Cốm đứng bật dậy, quả quyết:

- Em không làm điều gì cả. Còn anh muốn đuổi thì em đi, không phải viện cớ này nọ làm gì cho mệt.
Cốm chạy ra khỏi phòng.

Bảo tìm đến nhà trọ, Cốm chìa giấy xin nghỉ việc cho Bảo. Bảo động viên: "Em nghỉ làm gì. Mọi chuyện cứ bình tĩnh, sếp nóng tính bao giờ chẳng thế, xong việc lại cười xí xóa ngay mà. Anh ở đây cả chục năm, chứng kiến nhiều trận mắng oan thế rồi, nhưng ai cũng im thít nghe mắng, chẳng ai cãi lại như em, đòi bỏ việc ngay như em. Có gì em cứ nghỉ phép đã. Tính ông ấy đồng bóng như vậy cứ mặc kệ đi".

Cốm thủng thẳng:

- Thôi tùy mọi việc sau muốn ra sao thì ra. Em tự dưng thấy chán ở đây rồi, áp lực, kèn cựa đủ thứ... Em muốn về nhà thăm gia đình, đã mấy tháng nay vào công ty, em phải làm cả ngày chủ nhật, chưa có dịp về quê.

- Em làm thật thế sao?

Nghe Bảo hỏi Cốm hơi lưỡng lự, rồi cũng gật đầu, kể ra nghỉ việc ở đây cũng tiếc, nhưng còn hơn bị sỉ nhục vô căn cứ. Dầu sao thì chỗ này cũng có mỗi Bảo là quan tâm động viên Cốm thôi.

Cốm xách ba lô đi ngay sau khi Bảo về.

*


Bố mẹ đón Cốm, hỏi đã về ăn Tết sớm thế à, hay lại bị đuổi việc? Cốm gật đầu cả hai cái liền.

Về nhà với bố mẹ, sáng dậy nghe chim hót trên cây, tưới hoa, tỉa rau, ra đồng tát nước, đi cấy giúp mẹ, Cốm thấy tiêu tan mọi áp lực của công việc khi ở thành phố, đầu óc cứ nhẹ tênh tênh, đêm ngủ chẳng còn mộng mị gì nữa.

Sớm nay thì những đóa hoa mai chiếu thủy vẫy chào ngày mới với Cốm.

Cốm lấy máy ảnh chụp mấy đóa hoa mai chiếu thủy đẹp nhất rồi gửi lên Face tag cho chị Đoan. Cô viết lên dòng thời gian: “Hoa của chị mình nở rồi đó, giá đính kèm được cả mùi thơm thanh khiết, trong trẻo đến ngỡ ngàng của mai chiếu thủy để mọi người cùng thưởng thức thì có lẽ ai cũng tràn trề năng lượng như mùa xuân để cống hiến hết mình cho cuộc đời”.

Và Cốm háo hức ngắm hoa, chờ lượt thích.

Chỉ vài giây sau Bảo đã chém gió lại. “Dòng tâm sự như máu chảy ra từ động mạch mà sao có người nào đó lại không có năng lượng để vượt qua áp lực nhỉ!”.

Cốm đọc xong, thấy mặt mình phừng phừng như lúc đang cãi lại sếp khi bị nghi oan. “Không sợ không có năng lượng để vượt qua áp lực, chỉ sợ có người không có bản lĩnh để chống lại những điều ngang tai trái mắt, những cái sai quấy phi lý!”

Cốm phản pháo xong thì đóng Face, lấy xe đạp ra chợ chơi.

Chợ quê sắp Tết, đông vui náo nức.

Mấy bé gái chơi ngoài cổng chợ nhận ra chị Cốm về thì tíu tít chào. Cốm xoa đầu chúng âu yếm. Chợ họp phiên chính, mẹ bận việc dòng họ nên nhờ Cốm đi chợ. Mẹ bảo, đi chợ là gặp được hết mọi người trên nhân gian này. Có hấm hứ, có cãi nhau, có mặc cả, có gian dối, có nghĩa tình... nhưng chẳng ai giận ai lâu cả. Con không trụ được trên thành phố thì về quê, thiếu gì việc, đi làm đồng, đi chợ, còn có người biết tới mà lấy chồng, chứ ở trọ mãi, khác gì "Thân em như quế giữ rừng, thơm tho ai biết ngát lừng ai hay", rồi ế thì khổ. Bố thì bảo, mày sinh ra vào cái giờ cãi sao đấy, đáng lẽ như ngày trước thì nên làm thầy cãi mới hợp, chứ thời buổi này đi làm thuê cho người ta, bằng đại học có đỏ đến mấy mà cãi thì con có giỏi mấy cũng không bằng biết nghe lời, biết cúi đầu im lặng. Cốm mỉm cười, cũng tùy người thích như bố thôi! Bố không phải lo cho con.

Bố chửi yêu, còn mỗi mình chị, không lo cho chị còn lo cho ai nữa.

Mấy gian lều chợ, mái tôn có, mái lá chuối, lá dừa có, vẫn liêu xiêu như thuở Cốm còn lên chín, lên mười lon ton bám chân mẹ đi chợ. Các bà các chị nón mê, mặc áo bà ba bán hàng, đon đả chào mời dù khách có nhìn vào hàng hay đi thẳng. Cốm mua đã đầy làn, xách nặng tay. Chợt đi qua dãy cuối chợ, có anh hàng cáy đon đả mời chào mua nước cáy, cô nhớ tới thư của chị Đoan hôm trước có nói, chị đang nghén, chẳng ăn được cái gì, chỉ thèm ngọn lang chấm nước cáy thôi. Cốm đặt cái làn xuống, xem cáy:

- Cáy không được đều con, anh bán bao nhiêu một ký đấy?

- Cáy thế này mà bà chị chê là không đều, chỉ có em là không đều thôi. Con nào con đấy đều như hạt na, đỏ rảu như gấc thế này? Hôm nay em lấy mẻ cáy này là ngon nhất rồi đó. Không phải suy nghĩ, tám mươi ngàn thôi, để vốn cho bà chị đó.

Nghe giọng quen quen, Cốm nhòm kỹ lại cái mặt anh bán hàng, chợt nhận ra người bạn học cùng thủa trước. Cốm cười hì, bỏ cái khẩu trang ra:

- Tôi đây ông Tám, không chịu nhận bạn để bán chặt chém cho người ta đấy hả?

- Trời đất, thì ra là Cốm hả? Lên thành phố có khác, cứ mơn mởn ra ấy nhỉ, không cũ như tụi tôi. Có chồng con gì chửa?

Cốm dí dỏm:

- Chửa. Còn ông?

- Ba lần chửa, ba lần đẻ rồi. Đứa lớn học lớp ba rồi đó.

- Ừ, chẳng mấy mà có dâu rể nhỉ, ông là tảo hôn sớm nhất lớp đó.

- Cái số tôi nó đứng sớm thế cơ đấy. Mà bà sắp băm rồi còn chưa lấy chồng đi để làm gì?

- Tôi ế rồi! Để làm mắm - Cốm trêu.

- Mắm có lũ cáy này, chứ Cốm làm mắm thì phí chết. Ế thì về đây tôi dắt người cho. Cái thằng Toán nó vẫn chưa lấy vợ đâu, mở hẳn công ty rồi, chắc còn chết bà đó. Nó chết bà từ hồi lớp tám, lớp chín còn gì, chỉ tại bà kiêu, ghét nó. Này tôi cho số của nó nhớ?

- Thôi ông bán cáy hay chuyển làm ông tơ đấy?

- Sao bảo ế? Tôi đây bán cáy nhưng cũng làm ông tơ bà nguyệt vài đám rồi. Thế bà mua cáy để làm cơ à? Nhà tôi có làm nước cáy chuẩn không cần chỉnh, hay để mai tôi mang cho đỡ phải làm.

- Tôi bỗng dưng muốn học làm nước cáy. Có bí quyết nào hay không?

Tám bô bô, không. Cứ rửa sạch để ráo nước, bỏ yếm, ướp muối cho vừa, rồi đem giã hoặc xay, phơi nắng. Thế thôi. Trước khi Cốm xách cáy đi về làm, Tám đã kéo lại bảo hôm nay tôi đi chợ gặp hai gái mọi cái đều may, cho tôi chụp ảnh tự sướng với bà một kiểu, để tôi đăng lên Face cho thằng Toán nó ngắm mà thèm. Ngày trước cứ tưởng bà với nó kết nhau nên tôi mới nhường cho nó, chứ biết nó ấm ớ thế, tôi đã tán bà từ lâu, về nhà với tôi có mà giỏi làm mắm cáy lâu rồi. Cho xin thêm số điện thoại đây, bạn bè mà mất tăm mất tích bao nhiêu năm.

Cốm đã đi xa, Tám còn nói với, số của tôi đấy, làm cáy mà thấy khó thì gọi nhé, vợ tôi hôm nay đã về ngoại chơi mấy hôm rồi.

Cốm tủm tỉm, nghĩ thầm, hay nhỉ, ở quê mình ai cũng có thể làm ông tơ bà nguyệt được. Tám có thiên chức làm ông tơ từ hồi lớp tám. Cốm nhớ lại hồi ấy. Một hôm, đúng giờ ra chơi, thằng Tám gọi Cốm ra gốc cây bàng đưa cho Cốm một lá thư và chiếc khăn tay thêu hoa hồng đẹp lắm. Cốm ngạc nhiên. Tám gãi tai, rồi chỉ cái người đang đứng bên cánh cửa. "Sao?" - Cốm gắt. "Sao gì, của thằng đó đó". "Thằng đó?". "Ừ, thằng Toán nó bảo tôi đưa thư và cái khăn này cho Cốm, rồi có gì thì nhớ trả lời nó cho nó đỡ buồn nhé". Thằng Tám cứ dúi vào tay Cốm. Cốm đọc thư, đến thuộc, nhưng không trả lời. Cả tuần thấy mặt Toán buồn thiu. Rồi một bữa tan học, Toán quyết tâm kéo áo Cốm lại, ngượng nghịu hỏi: "Sao Cốm không trả lời tôi". Cốm tảng lờ: "Trả lời gì?". "Thư tôi gửi cho đấy". "Thư Toán gửi hồi nào?". "À, thằng Tám làm ông tơ hộ tôi gửi cho Cốm". "Tôi không trả lời Toán đâu, bố mẹ tôi biết thì bố mẹ tôi giết". "Sao mà giết?". "Lại còn hỏi sao, còn bé đã nghĩ tới chuyện người lớn gì kỳ lạ vậy". Thằng Toán thả áo Cốm ra: "Vậy tôi sẽ đợi Cốm lớn, kiểu gì Cốm cũng phải yêu tôi đấy". Mấy năm trời học phổ thông Toán vẫn để ý Cốm nhưng không tỏ bày gì nữa. Rồi sau mỗi đứa một phương giờ chưa gặp lại. Chuyện trẻ con mà Cốm cứ thỉnh thoảng nhớ mãi mỗi khi bạn bè hỏi nhau xem ai là người tỏ tình đầu tiên... Không biết Toán giờ sao rồi, mà Tám bảo mải làm ăn còn chưa chịu lấy vợ.

Lăn lóc, tất bật suốt từ 8 giờ sáng tới 12 giờ trưa mới xong vại mắm cáy. Mùi cáy vẫn vương đầy trên quần áo. Cả người Cốm cũng tỏa mùi cáy như cây mai chiếu thủy đang tỏa hương vậy. Nhưng mà vui đến hả hê, cô mang vại mắm cáy ra giữa sân phơi.

Vại nước cáy bắt đầu lên màu. Cốm đang chọn chỗ dãi nắng nhất để phơi tiếp thì có tin nhắn. Hai tin nhắn đến cùng một lúc. "Cô Cốm lên ngay công ty đi, sếp có việc quan trọng cần triệu tập tất cả mọi người!” - Tin nhắn của chị Hoan.

Cốm bất ngờ. Sao không phải là Bảo thay mặt phòng liên lạc với Cốm như mọi khi mà lại là chị Hoan. Không hiểu có chuyện gì nữa?

Còn một tin nữa, của chị Đoan: “Em đã tính tiếp công việc chưa? Có bằng đại học mà cứ về vườn với bố mẹ mãi thế, dân làng cười cho đấy. Anh rể em có một đám định nhắm cho em. Chị đã gặp người ta rồi, được lắm. Lên ngay nhà chị nhé!”.

Giờ thì anh rể cũng muốn làm ông tơ giúp cô em vợ. Cứ như Cốm ế chồng đến nơi, trong khi công việc thì bấp bênh…

*

Cốm vẫy xe khách đi cho tiện.

Chị Hoan đón Cốm trước cửa phòng, bên trong sếp và một người nữa đang ngồi uống nước. Thấy Cốm vào, sếp đi ra vồn vã:

- Vào đây cô Cốm, tôi đã khiến cô chịu thiệt thòi rồi.

Giọng sếp mềm như bún, Cốm thấy sợ hơn cả lúc sếp quát tháo mới lạ, gai ốc nổi đầy cổ tay Cốm.

- Đã biết người cố tình phá hoại hợp đồng H8 là ai rồi, không ngờ chính là chàng Bảo đẹp trai, thân thiện cô Cốm ạ. Cậu ta có ý định chuyển sang công ty M. làm nên muốn lấy lòng, định bán đứng công ty ta. Giờ thì đã thò đuôi cáo, bị bắt quả tang khi đang tiết lộ thông tin cho M. Bảo bị đuổi việc. Cô Cốm lên làm thay vị trí của Bảo. Hôm nay công ty ký hợp đồng dài hạn với cô luôn. Cô thông cảm cái vụ tôi phải dùng đòn nghi binh theo kiểu bí dí tốt với cô thì mới theo dõi mà phát hiện được kẻ hai mặt là Bảo được. Dù sao thì thời khắc khó khăn đã qua, đối tác quyết định sẽ ký hợp đồng H8 với công ty ta sau khi biết M. chơi không đẹp như vậy. Các cô, các cậu có mà vắt chân lên cổ mà làm đi cho kịp nhé. Cô Cốm vào đây tôi giới thiệu cô với sếp tổng. Sếp muốn gặp tất cả nhân viên phòng ta để chỉ đạo công việc cho kịp thời, mà chưa gặp cô, còn đợi kia kìa.

Cốm theo chân sếp đi vào.

Người mặc com lê quay lại, mỉm cười, đứng dậy đi tới, bắt tay Cốm. Cốm tròn mắt nhìn. Người mặc com lê cũng tròn mắt nhìn. Một lúc cả hai cùng ồ lên, ngỡ ngàng khi nhận ra nhau. Thì ra là Toán, cậu bạn học cũ thuở nào. Toán bắt tay Cốm cứ nắm mãi, còn khen, Cốm vẫn như ngày xưa đấy.

Cốm chợt thấy tim đập rộn ràng.

Toán kéo Cốm ra quán cà phê ven hồ nói chuyện. Vừa lúc định nhấp ly cà phê thì tin nhắn của chị Đoan tới: "Sao em lâu qua nhà chị thế, người ta sắp tới rồi". Cốm tủm tỉm cười nhắn tin lại: "Chị báo người ta thông cảm, em không thể tới được, em đang bận rồi chị ơi". Cốm gửi tin đi rồi liếc mắt nhìn Toán. Toán cười chìa một tin nhắn cho Cốm, nói, số điện thoại của Cốm đây hả?

- Sao mà biết nhanh thế?

- Tám ông tơ vừa gửi cho mình xong. Lại còn dặn đi dặn lại mình phải kết nối ngay với cậu để không thất lạc nhau một lần nữa.

Truyện ngắn của NGUYỄN THU HẰNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết nối mùa xuân