Bằng nhiều biện pháp tích cực kết nối cung - cầu lao động đã mang đến cơ hội việc làm cho nhiều người, giúp các doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tạo nhiều cơ hội cho người lao động có việc làm
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) bằng nhiều biện pháp tích cực kết nối cung - cầu lao động, đã mang đến cơ hội việc làm cho nhiều người, giúp các doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự.
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Thấn quê ở huyện Kinh Môn tại phiên giao dịch giới thiệu việc làm vào trung tuần tháng 10 vừa qua do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Cầm hồ sơ xin việc trên tay, anh Thấn vui vẻ cho biết: "Tôi vừa hoàn thành 3 năm làm việc theo hợp đồng xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Vừa về nước mấy hôm, nghe người thân tư vấn và tìm hiểu trên mạng, biết trung tâm có hoạt động giới thiệu việc làm nên tôi tìm đến ngay. Sau khi đọc các thông báo tuyển dụng của các doanh nghiệp đăng công khai tại trung tâm, tôi đã tìm được một số vị trí công việc trong lĩnh vực cơ khí, điện dân dụng khá phù hợp với mình. Sau khi nộp hồ sơ trực tiếp cho một số nhà tuyển dụng tôi đã được xếp lịch hẹn đến thử tay nghề, phỏng vấn lần 2 trước khi nhận vào làm".
Tại phiên giao dịch việc làm có 27 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động. Bà Trần Thị Thùy, đại diện tuyển dụng nhân sự của Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp tàu thủy (khu công nghiệp Lai Vu, Kim Thành) sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn với một lao động đến xin việc cho biết: "Mỗi khi có nhu cầu tuyển dụng lao động, công ty chúng tôi lại đăng ký tham gia các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương tổ chức. Khi tham gia chúng tôi cũng không mất bất kỳ một khoản chi phí nào".
Với vai trò là cầu nối thông tin cung - cầu lao động, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã không ngừng nỗ lực mở rộng, đầu tư có chiều sâu về mọi mặt để nắm bắt sát thực tế về nhu cầu việc làm của người lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hằng năm, trung tâm phối hợp với ngành lao động các địa phương thu thập thông tin cơ bản về thực trạng lao động, nhu cầu học nghề, việc làm, tình trạng thất nghiệp; tiến hành khảo sát các thông tin về thực trạng lao động tại các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng lao động theo ngành nghề, trình độ... Ngoài ra, để nhận biết thực trạng về nhu cầu việc làm của người lao động, trung tâm còn liên kết với các cơ sở đào tạo để nắm bắt tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT không đi học tiếp mà tham gia trực tiếp vào thị trường lao động hoặc nắm tỷ lệ sinh viên, học sinh học nghề tốt nghiệp ra trường có nhu cầu tìm việc làm. Cụ thể, trong năm nay trung tâm đã hoàn thành cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu thị trường trong tỉnh với trên 92.000 hộ có biến động về lao động, cập nhật thông tin nhu cầu tuyển dụng của hơn 3.300 doanh nghiệp.
Hiện nay, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp khiến lao động nông thôn bị dư thừa. Mặt khác, khi công nghiệp phát triển, ngày càng có nhiều doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước mở ra đòi hỏi phải có nguồn nhân lực lớn. Chính các yếu tố này đã thúc đẩy Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh từ tháng 3 năm nay tăng các phiên giao dịch việc làm tại sàn với tần suất định kỳ vào thứ 5 hằng tuần. Sau khi tần suất các phiên giao dịch việc làm trong tháng tăng lên gấp đôi (trước đây là 2 lần/tháng), kết quả giới thiệu việc làm của trung tâm cũng đã tăng lên đáng kể. Trong 9 tháng đầu năm nay, trung tâm đã giới thiệu việc làm cho 8.044 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhận thấy nhu cầu xin việc của người lao động không chỉ ở trong tỉnh mà còn có rất nhiều người ở các địa phương khác muốn xin việc làm nên cuối năm 2014, trung tâm đã cùng với 5 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc và Hà Nội cùng tham gia tổ chức phiên giao dịch việc làm online. Ưu điểm của phiên giao dịch online là người lao động có thể cập nhật thông tin trên mạng để tìm kiếm những vị trí việc làm trong và ngoài tỉnh để đăng ký xin việc. Ngay tại phiên giao dịch việc làm online lần đầu tiên tổ chức đã có 103 lao động trúng tuyển, 40 người được các doanh nghiệp hẹn phỏng vấn lần 2. Vào tháng 3 và tháng 10 năm nay, trung tâm tiếp tục tham gia các phiên giao dịch việc làm online với sự tham gia của các địa phương như Phú Thọ, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Nam. Qua các phiên giao dịch này đã giới thiệu việc làm thành công cho hàng trăm người lao động trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Ngô Văn Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thời gian tới, để tăng cường kết nối cung - cầu lao động, trung tâm sẽ tăng cường kết nối online với các tỉnh khu vực phía Bắc để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng, lao động phổ thông, đồng thời tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm phù hợp cho người lao động. Tiếp tục đề xuất tăng tần suất các phiên giao dịch việc làm tại sàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều kênh khác nhau để người lao động cũng như phía doanh nghiệp nắm bắt thông tin nhanh nhất về cung - cầu lao động. Tăng cường thu thập, xử lý thông tin về cung - cầu lao động làm cơ sở dự báo tình hình thị trường lao động. Không ngừng đổi mới hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm cho các đối tượng lao động, đặc biệt là lao động ở khu vực nông thôn, bị thất nghiệp và thiếu các thông tin về thị trường lao động, việc làm hiện nay.
THANH NGA