Theo Bác, cán bộ đảng ngành giáo dục, trước hết phải đoàn kết với cán bộ ngoài Đảng. Cán bộ đảng ngành giáo dục cũng phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò...
Nói chuyện tại Hội nghị đảng ngành giáo dục diễn ra từ ngày 3 đến 8-6-1957, Bác Hồ nhấn mạnh tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên ngành giáo dục với nhân dân và sự liên hệ mật thiết giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Theo Bác, cán bộ đảng ngành giáo dục, trước hết phải đoàn kết với cán bộ ngoài Đảng. Bởi đảng viên là thiểu số so với tổng số nhân dân, nếu không có người ngoài Đảng ủng hộ, giúp đỡ thì Đảng không làm gì được. Cán bộ đảng ngành giáo dục cũng phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn.
Người nêu câu hỏi: Lao động trí óc có quý không? Và tự trả lời: Quý. Lao động chân tay có quý không? - Cũng quý. Tuy nhiên, người lao động trí óc mà không liên hệ với lao động chân tay thì chỉ mới là trí thức một nửa. Còn người lao động chân tay mà văn hoá kém, không biết lao động trí óc thì cũng là người không toàn diện, cũng chỉ được một nửa. Vì vậy, “chẳng những người lao động trí óc và người lao động chân tay phải đoàn kết với nhau, mà mỗi người lao động trí óc muốn là người hoàn toàn phải có lao động chân tay và người lao động chân tay muốn là người lao động hoàn toàn phải vừa biết lao động trí óc, vừa phải biết lao động chân tay”. Phải kết hợp được chặt chẽ giáo dục văn hoá với lao động sản xuất.
Cuối bài phát biểu, Bác nhắc lại: “Nội bộ chúng ta phải đoàn kết, đoàn kết thật chặt chẽ, do đoàn kết thật chặt chẽ trong Đảng mà đoàn kết ngoài Đảng, đoàn kết với nhân dân. Có như thế, khó khăn gì cũng vượt qua, việc gì cũng làm được”. Với những mục tiêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng và xây dựng nội dung giáo dục con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa phát triển một cách toàn diện và phong phú, phù hợp với sự nghiệp phát triển của đất nước.
Thực hiện lời dạy của Bác, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra các mục tiêu, chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo, nhằm xây dựng con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, mỗi cá nhân cần làm chủ khoa học và công nghệ, có tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành giỏi, là những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
PHỐ CHÂU(biên soạn)