Kẻ xây người phá, có phải là phép bù trừ của tạo hóa và gia đình sẽ không bị ảnh hưởng gì hay không?
Thực ra không phải vậy, dù cố công cố sức bao nhiêu thì người xây không thể bù đắp mãi cho người kia được.
Trước đây, chị Hồng là cán bộ tổ chức của một công ty lớn. Chị không yêu anh Hùng, nhưng vì thấy gia đình anh giàu có nên chị mới về làm vợ anh. Chị nghĩ, anh vừa lùn vừa xấu, đeo đuổi mãi mới cưới được người vợ đẹp như chị thì phải chiều chuộng, thương yêu chị. Vì thế mà chị tự cho phép mình nghỉ làm khi mới có thai hai tháng. Từ đó, chị suốt ngày ở nhà soi gương ngắm vuốt nhan sắc, tiêu xài hoang phí mà chẳng cần biết tiền lương của anh có giới hạn. Nếu chị chỉ tiêu xài thì anh vẫn cầm cự nổi, đằng này chị lại vướng vào tật bài bạc. Anh vừa đưa lương hôm trước thì hôm sau chị đã "nướng" sạch. Anh sợ quá phải đưa tiền từng ngày. Để có tiền đánh bạc, chị cầm cố xe cộ, nhà cửa. Bao nhiêu lần anh đi chuộc thì chị bấy nhiêu lần đi cầm. Từ căn nhà rộng thênh thang gần mặt đường chính, anh chị đã phải chuyển về ở trong một ngõ hẻm nhưng chị vẫn chưa chừa được những "thú vui" của mình. Chị biết gia đình anh vẫn còn của nổi của chìm nên chị cứ ra sức phá, tạo áp lực để anh phải về quê xin cha mẹ chia gia tài. Không phải các cụ tiếc gì anh mà chưa chia, chỉ tại quá sợ cô con dâu phá gia chi tử nên họ còn ngần ngại. Bởi vậy, anh Hùng chẳng dám hé môi, đành cố cày ngày đêm để thỏa mãn những nhu cầu chẳng có giới hạn của vợ mình. Gặp anh trong một tiệc liên hoan, thấy anh tiều tụy hẳn so với vẻ rạng ngời của 5 năm trước mới thấm thía cái tác hại của việc một người thì cố xây còn một người thì cứ phá.
Lấy nhau được tám năm thì anh Tuấn bắt đầu chán vợ. Cặp với cô nhân tình vừa trẻ vừa đẹp, anh chỉ muốn mau ly hôn nhưng vợ anh không đồng ý. Chị Thủy (vợ anh) dẫu biết chồng mình ngoại tình nhưng vì không muốn con xa bố nên chị cố níu kéo anh về với gia đình. Chị chăm chút lại nhan sắc vốn đã phai tàn vì thời gian, nhà cửa, con cái. Rồi chị dùng lời ngon tiếng ngọt chiều lụy anh, miễn sao anh đừng đòi ly hôn là được. Chị nghĩ, đàn ông ham vui đâu có được bao lâu, thế nào cũng quay về với vợ cái, con cột. Biết điểm yếu của chị, anh bắt buộc chị phải chấp nhận cô kia là vợ hai, không được đánh ghen quấy phá. Hằng tuần, ngày nghỉ chị phải cho anh ở bên ấy với người ta. Ngày thường, anh đi làm khuya mới về nhà, vừa bước chân vào nhà thì lăn ra ngủ. Chị muốn tâm sự với anh, muốn trao đổi chuyện nuôi dạy con, anh chẳng buồn nghe. Được ngày nghỉ thì anh ra khỏi nhà từ sáng sớm. Tiền lương anh đưa hết về bên đó, chị hỏi thì anh bảo cơ quan đang khó khăn. Thỉnh thoảng anh lại về nhà gom đồ đạc sang nhà cô vợ hai. Có chiếc ti-vi cho 2 đứa con xem, anh cũng mang đi nốt. Anh bảo để ngày nghỉ anh ở bên ấy coi. Thế mà chị cũng nín nhịn. Chị càng cố công vun đắp vào cái tổ ấm vốn đã mục nát thì anh càng cố đạp tung cho nó tan tành. Giờ nhìn lại thấy 2 đứa con nheo nhóc, gia cảnh bần hàn chị mới thấm thía nỗi đau "Đồng sàng dị mộng". Phải chăng ngày ấy chị kiên quyết dứt khoát với anh thì nay đâu đến nỗi thế này.
SƠN TRÀ