Vì sự tiện dụng, túi nilon ngày càng được sử dụng phổ biến trong cuộc sống và đang trở thành mối đe dọa đến môi trường và sức khỏe của con người.
Trong rác thải được thu gom hằng ngày có rất nhiều túi nilon
Lạm dụng“Tớ là chiếc túi nilon. Ngay sau khi được sinh ra người ta mang chúng tớ đi khắp nơi để sử dụng từ nhà hàng, siêu thị, chợ to, chợ nhỏ cho đến chợ cóc ven đường... Nhờ tiện dụng mà chúng tớ được con người dùng hằng ngày. Mặc dù được sử dụng nhiều như vậy nhưng chúng tớ vẫn rất buồn. Bởi ngay sau khi không còn giá trị sử dụng người ta đem đốt hoặc vứt chúng tớ khắp nơi, ra đường, xuống sông... Chúng tớ bị bỏ rơi và trở thành kẻ thù của môi trường và con người”. Đây là một trích đoạn trong bài văn viết về đề tài môi trường của em Nguyễn Phương Lan, lớp 5A, Trường Tiểu học Liên Hồng (Gia Lộc). Bài văn của em đã thôi thúc tôi tìm hiểu về cuộc hành trình thực sự của những chiếc túi nilon.
Tôi có mặt ở cơ sở bán buôn đồ nhựa Dịch Út ở khu 2, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) từ sáng sớm nhưng đã thấy khá đông khách hàng đến mua túi nilon. Họ đa phần là tiểu thương ở các chợ của TP Hải Dương. Chị Nguyễn Thị Làn chuyên bán hoa quả ở chợ Thanh Bình cho biết: “Mỗi ngày tôi sử dụng khoảng 2 cân túi nilon để đựng hoa quả cho khách nên thường đến đây mua buôn cho rẻ. Mỗi lần tôi thường lấy khoảng chục cân về dùng dần”. Theo chị Làn, bây giờ đa số khách hàng khi đi chợ không mang theo đồ đựng nên túi nilon là vật bất ly thân đối với bất cứ người bán hàng nào. “Nếu không sử dụng túi nilon miễn phí cho khách, chắc chắn hôm đó mình sẽ ế hàng”, chị Làn khẳng định.
“Ngày 1-1-2012, Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực. Theo đó, túi nilon là một trong những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường sẽ phải chịu mức thuế cao. Nhưng sau 3 năm luật này có hiệu lực, việc sử dụng túi nilon của người dân vẫn chưa giảm”.
|
Quả đúng như chị Làn nói, dạo một vòng quanh chợ Thanh Bình, tôi thấy gần như tất cả các cửa hàng đều sử dụng túi nilon. Theo Ban Quản lý chợ Thanh Bình, ước tính mỗi ngày chợ có từ 300-400 lượt người đến mua sắm. Nếu mỗi người chỉ sử dụng một chiếc túi nilon để đựng đồ thì ít nhất cũng có từng đó chiếc túi nilon thải ra môi trường. Chị Nguyễn Thị Hạnh bán rau tại chợ này cho biết thêm: “Phần lớn người mua hàng không sử dụng một túi nilon cho mỗi lần mua. Chẳng hạn mới đây tôi đã phải mất 4 chiếc túi nilon cho một vị khách. Người khách này đòi túi đựng riêng cho một mớ rau, một chiếc khác đựng vài quả quất, một chiếc nữa đựng rau thơm và chiếc cuối cùng lớn nhất để gom tất cả các túi nhỏ đó lại. Nhiều lần tôi vận động khách hàng nên bỏ chung vào một túi nhưng họ không nghe”. Không chỉ ở các chợ, tại các siêu thị và cửa hàng tạp hóa, túi nilon cũng thường xuyên được sử dụng với khối lượng lớn. Theo tính toán của chị Ngọc, chủ cửa hàng tạp hóa Tâm An ở phố Điềm Lộc (TP Hải Dương), bình quân mỗi ngày cửa hàng sử dụng khoảng 2 kg túi nilon. Do sự tiện dụng nên bây giờ túi nilon còn dùng để đựng cả rượu và nước mắm.
Đa phần chôn lấpTheo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, túi nilon chiếm khoảng 5-10% lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày. Phần lớn lượng túi nilon được các công nhân của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương thu gom lại. Chị Hoàng Thị Việt, công nhân chuyên thu gom rác trên đường Lê Thanh Nghị cho biết: “Túi nilon được sử dụng nhiều lắm. Chúng tôi ước tính mỗi gia đình phải sử dụng 3 túi nilon/ngày. Đa phần các gia đình không tự phân loại rác nên túi nilon rất khó thu gom riêng để tái chế. Phần lớn túi nilon lẫn cùng với rác nên chúng tôi đưa cả về xử lý tại Công ty CP Môi trường ATP-Seraphin Hải Dương. Tại đây, một phần nhỏ túi nilon được tái chế còn phần lớn được đốt và chôn lấp”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trong chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn có rất nhiều túi nilon. Đa số được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, chỉ có một phần rất nhỏ được xử lý bằng phương pháp đốt tại các lò đốt của các nhà máy. Tuy nhiên, xử lý túi nilon bằng phương pháp đốt cũng không ổn vì túi nilon có chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo ra khí cacbonic, metan và khí thải có chứa dioxin. Sau khi đốt, sản phẩm tro này cũng mới chỉ được đem chôn mà chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Nhiều túi nilon còn bị người tiêu dùng vô tư thải ra môi trường. Không khó để bắt gặp những bãi rác trôi nổi gồm nhiều túi nilon trên các con sông. Anh Nguyễn Văn Bắc ở khu 1, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) chuyên đánh cá cho biết: “Bây giờ thả lưới bắt cá trên sông Sặt tôi chỉ lo lưới vướng phải túi nilon. Có lần thả lưới đánh cá gần cầu Phú Tảo, tôi phải hì hục gần 1 tiếng đồng hồ mới gỡ xong đống túi nilon vướng vào lưới”. Ở nhiều vùng nông thôn, rác thải túi nilon đang trở thành vấn nạn gây ách tắc kênh mương và ô nhiễm nguồn nước.
“Cần nói không” với túi nilonTỉnh ta đã có những hoạt động thiết thực để “nói không” với túi nilon như: phong trào “Làn xanh đi chợ” của Hội Phụ nữ tỉnh, chương trình phân loại rác tại nguồn của Hội Nông dân hay siêu thị Big C Hải Dương đã đưa túi tự hủy vào làm bao bì đựng cho khách hàng ... Tuy nhiên, những việc làm hay phong trào trên vẫn chưa thực sự lan tỏa đến nhiều địa phương trong tỉnh. Túi nilon khó phân hủy vẫn được sử dụng phổ biến. “Ngày 1-1-2012, Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực. Theo đó, túi nilon là một trong những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường sẽ phải chịu mức thuế cao. Nhưng sau 3 năm, luật này có hiệu lực, hiện nay việc sử dụng túi nilon của người dân vẫn chưa giảm. Cuộc chiến với túi nilon cũng được tiến hành chậm chạp và chưa có tác dụng mạnh mẽ làm thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Trung tâm Tư vấn bồi dưỡng và phát triển khoa học, công nghệ (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh) cho biết.
Để giảm tình trạng ô nhiễm túi nilon phải bắt đầu từ ý thức người tiêu dùng. Thay vì sử dụng túi nilon hằng ngày, người dân có thể sử dụng các dụng cụ khác như: giỏ tre, làn nhựa, bao bì bằng giấy... Sở Tài nguyên và Môi trường, các đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền để mỗi người dân hạn chế sử dụng và vứt túi nilon bừa bãi; phát động phong trào tình nguyện thu gom rác thải nilon tại những nơi công cộng... Nói không với túi nilon ngay bây giờ là ứng xử có văn hóa đối với môi trường trong tương lai.
Thời gian phân hủy của túi nilon trong môi trường tự nhiên có thể diễn ra từ 500-1.000 năm. Sử dụng nhiều túi nilon về lâu dài sẽ tàn phá hệ sinh thái, môi trường tự nhiên. Đặc biệt, tác hại nguy hiểm nhất là khi đốt túi nilon sẽ tạo ra những khí thải gây ung thư, biến đổi giới tính. Những chất phụ gia được dùng để tạo dẻo, dai cho túi nilon có khả năng gây độc cho người nếu bị làm nóng ở nhiệt độ cao. (Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường)
|
LAN ANH