Một lần nhà văn Nguyên Hồng đạp xe từ phố Hạ Lý qua cầu Lạc Long, đến Hội Văn học, nghệ thuật Hải Phòng, nơi ông đang làm Chủ tịch hội. Trên gác ba- ga sau xe, nhà văn có cái cặp da cũ, được chằng buộc kỹ bằng sợi dây cao su đen. Khi đến trụ sở, ông quay lại nhìn thì không thấy chiếc cặp đâu nữa, chỉ còn hai đầu sợi dây cao su lõng thõng hai bên. Nhà văn thẫn thờ đứng nhìn ra đường phố tấp nập người, xe qua lại, nghĩ tiếc cái cặp thì ít, vì trong cặp cũng không có gì gọi là có giá, mà tiếc tập bản thảo thì nhiều, vì đấy là những trang bản thảo của cuốn tiểu thuyết ông vừa viết.
Nhưng tiếc thế, chứ tiếc nữa cũng mất rồi. Nhà văn chỉ còn biết vừa ngồi uống nước, vừa kể cho mấy anh em ở văn phòng hội nghe. Nghe xong, có anh sốt sắng bảo:
- Bác cứ để cháu đi báo công an. Có mất thì chỉ ở đoạn cầu Lạc Long, lúc lên cầu có khi bác đạp xe chậm, lại đông người, không để ý là nó cắt béng ngay thôi.
Rồi mỗi người một lời bàn đi báo công an chỗ nào cho nhanh, cho chắc chắn tìm ra thủ phạm lấy cặp. Bất ngờ, một thanh niên mặc bộ áo quần màu cỏ úa, đầu đội mũ cối cũ, lừng lững đi vào, tay xách chiếc cặp đen cũ. Mọi người còn ngỡ ngàng trước sự xuất hiện đường đột của anh ta, thì nhà văn đã nhận ra chiếc cặp, định đứng dậy. Vừa lúc anh kia lắp bắp:
- Bác là nhà văn Nguyên Hồng ạ. Cháu...
Như hiểu ý anh ta định nói gì, nhà văn liền bước lại, đưa tay đón chiếc cặp, nhẹ nhàng bảo:
- Tôi đi đường không để ý, anh nhặt được cho tôi xin.
Anh ta một lần nữa lại lắp bắp, nhưng lần này nói rành rẽ hơn:
- Cháu xin lỗi bác. Thực tình cháu không biết...
Thì ra, cắt được chiếc cặp rồi, kẻ ăn trộm chạy vào chỗ khuất, rồi như thông lệ vội giở "chiến lợi phẩm" ra xem. Thấy trong cặp toàn là bản thảo, với dòng chữ trên trang đầu ghi rõ tên Nguyên Hồng. Mà ở Hải Phòng những năm ấy, không mấy người không biết tên tác giả của "Bỉ vỏ", "Những ngày thơ ấu", "Sóng gầm"... Thế là anh ta mang ngay chiếc cặp đến Hội Văn học - nghệ thuật thành phố, gặp bác nhà văn Nguyên Hồng thì trả lại, không thì gửi lại ở đây, như lời anh ta nói.