Theo báo cáo ban đầu, có ít nhất 4 trường hợp tử vong do mưa ngập, nước cuốn tại Đà Nẵng vào tối 14.10.
Sáng 15.10, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp ứng phó, khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, bão số 5, mưa lũ tại thành phố.
Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, báo cáo nhanh về số người tử vong trong trận mưa lũ tối qua
Báo cáo nhanh tại cuộc họp, Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết đã có 4 trường hợp tử vong do mưa lũ tối qua. Cụ thể, các nạn nhân tử vong lần lượt là em V.H.N.T (sinh năm 2006, quê Quảng Bình), là sinh viên, bị đuối nước tại khu vực đường Mẹ Suốt.
Người thứ 2 là ông L.M.T (sinh năm 1964) bị đuối nước khi đi đánh cá bắt cá. Người thứ 3 là cụ N.M.Đ (sinh năm 1935; trú đường Trưng Nữ Vương, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu), bị đuối nước tại nơi thường trú. Ngoài ra, một cán bộ Công an phường Thọ Quang, quận Sơn Trà gặp tai nạn giao thông, tông vào dải phân cách, trên đường cấp cứu đã tử vong.
Lực lượng chức năng cứu hộ người trong mưa lũ
Cạnh đó, Đại tá Phan Văn Dũng cho biết công an thành phố đã huy động toàn bộ lực lượng để ứng cứu người dân. Các lực lượng PCCC-CNCH đã phối hợp với công an địa phương ứng cứu, giải cứu thành công nhiều trường hợp, đưa đến nơi an toàn.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, áp thấp nhiệt đới, bão số 5 đã gây mưa lũ lớn tại thành phố.
Từ trưa 14.10, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5 (Sonca). Đến tối 14.10, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, Đà Nẵng từ ngày 13 đến ngày 14.10 có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 400-700 mm, cao nhất tại Sơn Trà 775 mm. Thời điểm mưa lớn nhất từ 19 giờ đến 21 giờ ngày 14.10.
Sạt lở nghiêm trọng tại bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng
Theo báo cáo nhanh công tác khắc phục thiệt hại, đến 7 giờ 30 ngày 15.10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Đà Nẵng cho biết tại quận Liên Chiểu, các lực lượng cứu huy động xe đặc chủng và xe múc chuyên dụng để tiếp cận hỗ trợ các phường ứng cứu những khu vực ngập sâu để sơ tán khoảng 100 hộ dân đến nơi an toàn.
Tại quận Sơn Trà, sơ tán 28 hộ với 114 người, trong đó 3 người cấp cứu tại Trung tâm Y tế quận, 1 phụ nữ có thai được di chuyển an toàn đến UBND phường Thọ Quang.
Tại quận Thanh Khê, sơ tán 30 người tại khu vực Khe Cạn lên trường Lê Văn Tám. Tại Cẩm Lệ, sơ tán khoảng 345 người tới nơi an toàn; 8 trường hợp người dân đi đường bị nước cuốn đã được cứu hộ kịp thời.
Tại UBND huyện Hòa Vang, các lực lượng đã sơ tán 382 hộ/1.440 người. Xã Hòa Bắc đã đưa người làm rừng xuống nơi an toàn (khoảng 58 người), cứu nạn người dân ở khu vực Hội Yên. Xã Hòa Nhơn điều ca nô đặc chủng cứu nạn người dân ở khu vực Túy Loan Tây 1 Hòa Phong, các hộ dân ở thôn Phước Hưng Nam…
Đường Hà Huy Tập- đoạn trước Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ và Trường THCS Huỳnh Thúc KHáng vẫn còn ngập sâu (ảnh chụp lúc 9 giờ 40 sáng 15.10).
Trong khi đó, đến sáng 15.10, mưa đã ngưng, người dân bắt đầu tiến hành dọn dẹp nhà cửa, dọn bùn do nước tràn vào nhà từ đêm qua.
Hầm chui Điện Biên Phủ- Nguyễn Tri Phương vẫn ngập nặng nên lực lượng chức năng đang bơm nước ra ngoài
Tuy nhiên, một số khu dân cư, tuyến đường trong nội thị vẫn còn ngập sâu nên lực lượng chức năng giăng dây cấm lưu thông để đảm bảo an toàn.
Theo Người lao động