Thiết bị "nhìn xuyên tường" từ xa dự kiến được công bố lần đầu trong triển lãm quân sự tại Paris vào tuần tới.
Camero-Tech, thành viên của SK Group, là một công ty chuyên về các giải pháp “chụp ảnh xuyên tường” dựa trên UWB (băng thông siêu rộng). Hãng mới công bố Xaver LR40 (XLR40), hệ thống di động có thể nhận biết các vật thể sống sau các bức tường cách xa hơn 50 mét.
Theo J Post, thiết bị nhẹ cân này có thể xác định chính xác sự hiện diện và số lượng vật thể di chuyển sau tường trong thời gian thực.
Hệ thống XLR40 mới của công ty Camero-Tech.
XLR40 thuộc dòng sản phẩm hình ảnh di động được Camero-Tech thương mại hóa gần đây. Bên cạnh XLR40, công ty cũng đang rao bán XLR80 - hệ thống lớn hơn và thậm chí mạnh hơn có thể phát hiện các vật thể sống cách xa hơn 100 mét.
“Chúng tôi tự hào giới thiệu hệ thống XLR40 lần đầu tiên, một mảnh ghép của dòng thiết bị hệ thống tầm xa của chúng tôi. Có rất nhiều cách để tận dụng các hệ thống XLR, chẳng hạn như đặt chúng bên trong một phương tiện di chuyển từ nơi này sang nơi khác; ẩn sau tấm lưới ngụy trang trong các nhiệm vụ bí mật; hoặc được đặt trong các căn hộ hoặc mái nhà gần với vị trí mục tiêu”, CEO Amir Beeri của Camero cho biết.
Mục tiêu của thiết bị là mang tới cho các lực lượng trên mặt đất lợi thế trong các tình huống cần hoạt động bí mật, nơi đội chiến thuật cần duy trì khoảng cách an toàn với mục tiêu. Thiết bị cũng có thể hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.
“Mọi radar của chúng tôi đều dựa trên tín hiệu vô tuyến trong dải tần siêu rộng. Điều này có nghĩa là chúng tôi gửi các xung liên tục và mỗi xung nằm trong một dải tần số rộng. Theo đó, chúng ta thực sự có thể xuyên qua nhiều bức tường vật chất”, Ilan Abramovich, Phó giám đốc phát triển kinh doanh, sales và marketing của Camero-Tech nói.
Camero-Tech phát triển nhiều sản phẩm có thể phục vụ cho mục đích quân sự tại Israel.
Trên thực tế, hệ thống này nhạy cảm đến mức có thể phát hiện ra những chuyển động nhỏ nhất, chẳng hạn như thở. Tuy nhiên tương tự các hệ thống hình ảnh UWB khác, môi trường duy nhất mà công nghệ này không thể nhìn xuyên qua là kim loại nguyên khối.
“Ai cũng biết các tín hiệu vô tuyến không thể đi qua kim loại nguyên khối, hiện tượng vật lý này được gọi là lồng Faraday. Bỏ qua chi tiết đó, chúng tôi thậm chí có thể nhìn xuyên qua bê tông có cốt thép, lưới kim loại, lưới thép hay là các lỗ nhỏ ở giữa các dây kim loại”, đại diện từ Camero-Tech cho biết.
Camero-Tech sẽ giới thiệu hệ thống mới của mình tại Milipol, triển lãm hai năm một lần về an toàn và an ninh nội địa diễn ra từ 19-22.10 tại Paris.
Hơn 1.000 đại diện từ 55 quốc gia sẽ tham gia giới thiệu tại Milipol, bao gồm cả các công ty quốc phòng Elbit Systems và Rafael của Israel. Dự kiến, sự kiện sẽ thu hút khoảng 30.000 người tham dự từ khắp nơi trên thế giới.
Theo Zing