Indonesia đang chuyển hướng sang hai quốc gia giàu có ở Trung Đông để tìm nguồn vốn cho dự án xây dựng thủ đô mới ở Borneo sau khi tập đoàn công nghệ khổng lồ Nhật Bản SoftBank tuyên bố rút khỏi dự án 34 tỷ USD.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan tiết lộ nguyên nhân khiến SoftBank rút lui khỏi dự án là vì “giá cổ phiếu giảm” cộng thêm với việc Saudi Arabia rút tiền khỏi quỹ đầu tư mạo hiểm Vision Fund 2 của SoftBank.
Về phần mình, Giám đốc hội đồng quản trị SoftBank Ken Miyauchi giải thích “lợi tức đầu tư là lý do chính khiến chúng tôi rút lui khỏi dự án”. Ông Miyauchi khẳng định SoftBank sẽ tiếp tục đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hiện có 270 triệu dân. Ông Miyauchi cho biết SoftBank sẽ chuyển hướng đầu tư sang “phát triển cấp tỉnh như Tây Sumatra để khai quật các tiềm năng”.
Trước đó, vào tháng 1.2021, Bộ trưởng Luhut thông báo với giới phóng viên rằng công ty công nghệ Nhật Bản sẽ đầu tư 100 tỷ USD cho dự án xây dựng thủ đô mới của Indonesia. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, người sáng lập SoftBank ông Masayoshi Son cho hay hai bên vẫn chưa có bất kỳ thảo luận nào về khoản đầu tư.
Giờ đây, Indonesia sẽ xóa tên ông Son ra khỏi ban chỉ đạo của thủ đô mới, để lại các thành viên bao gồm Thái tử Abu Dhabi Sheik Mohamed bin Zayed và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Bộ trưởng Luhut đang nỗ lực gấp đôi để kêu gọi vốn từ Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
“Khi tôi đến Saudi Arabia, Thái tử Mohammad bin Salman đã yêu cầu được tham gia vào dự án phát triển thủ đô. Chúng tôi vẫn đang thảo luận về mức độ các khoản đầu tư của Saudi Arabia. Chúng tôi đang duy trì những cuộc thảo luận trực tuyến với đội ngũ của ngài ấy”, Bộ trưởng Luhut phát biểu trước truyền thông.
Theo Bộ trưởng Luhut, UAE sẽ đầu tư khoảng 20 tỷ USD vào Nusantara thông qua quỹ tài sản chủ quyền mới được lập của Indonesia.
Gọi vốn cộng đồng “không thực tế”
Giới phân tính dự báo chính quyền Tổng thống Widodo sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để cứu vãn dự án vốn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tổng thống Widodo từng tuyên bố thủ đô mới Nusantara sẽ là một thành phố bền vững mang đẳng cấp thế giới. Theo kế hoạch, các quỹ của nhà nước sẽ đóng góp 1/5 trong 34 tỷ USD xây dựng dự án.
Tuần trước, các nhà chức trách mới được bổ nhiệm của thủ đô Nusantara đã đưa ra các ý tưởng để thu hút vốn, bao gồm sử dụng tài sản do nhà nước hậu thuẫn, thực hiện các kế hoạch hợp tác của chính phủ và doanh nghiệp, sử dụng nguồn vốn từ lĩnh vực tư nhân. Thậm chí, họ còn đưa ra một số đề xuất lạ thường như quyền góp từ thiện, lấy từ quỹ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hay huy động vốn từ cộng đồng.
Tuy nhiên, ý tưởng huy động vốn từ người dân đã khiến nhiều người phản đối, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế thời kỳ COVID-19 vẫn còn khó khăn. GDP của Indonesia trong năm 2021 đã tăng 3,7% song vẫn thấp hơn con số 5% như đà tăng trưởng thường niên.
Indonesia là một quốc gia quen với cách thức huy động vốn từ cộng đồng khi thực hiện một số dự án xã hội hoặc hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp vừa, nhỏ. Tuy nhiên, cách thức đó là “không thể” đối với một siêu dự án của nhà nước như xây dựng một thủ đô mới từ bãi đất trống.
“Người Indonesia rất hào phóng, họ sẵn sàng quyên góp tiền cho nạn nhân thiên tai hoặc xây dựng nhà cầu nguyện thay vì xây văn phòng cho chính quyền”, Azyumardi Azra – một trong những học giả Hồi giáo cấp cao tại Đại học Hồi giáo Syarif Hidayatullah ở Jakarta – nhận xét.
Trong khi đó, ông Bhima Yudhistira – Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Luật và Kinh tế tại Jakarta – cho biết với việc SoftBank rút khỏi dự án, Indonesia không dễ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hỗ trợ vốn cho Nusantara. “Đề xuất vẫn còn mơ hồ và không có gì đảm bảo là sẽ có nhiều bên tham gia về mặt lâu dài”, ông Bhima nói.
Huy động vốn từ Saudi Arabia sẽ không hề dễ dàng. Ông Bhima chỉ ra rằng Riyadh đang cố gắng đẩy mạnh đầu tư vào các dự án dầu khí do giá dầu thô tăng, như Saudi Aramco đã tăng đầu tư vào các dự án dầu khí lên 50% cho năm 2022.
“Dự án xây dựng thủ đô mới của Indonesia không phù hợp với các mục tiêu tương lai của Saudi Arabia. Tầm nhìn 2030 của quốc gia này là tập trung vào các lĩnh vực năng lượng xanh, công nghệ và nông nghiệp. Còn thủ đô mới của Indonesia dễ bị ảnh hưởng bởi các xung đột xã hội có thể nảy sinh trong quá trình quy hoạch đất đai, cũng như mối đe dọa mà nó gây ra đối với tính bền vững môi trường ở Borneo”, ông Bhima nói thêm đối với Đông Nam Á, Saudi Arabia thích đầu tư vào Malaysia hơn vì “nước này có nhiều công cụ tài chính hơn so với Indonesia, đặc biệt là các công cụ tài chính dựa trên luật sharia của đạo Hồi”.
Trong 10 năm qua, các khoản đầu tư của Saudi Arabia vào Indonesia có xu hướng giảm, với 3,6 triệu USD vào 2021 trong khi năm 2015 là 30,4 triệu USD.
Nguồn tài trợ của UAE vào Indonesia cũng chậm lại trong hai năm qua. Tính đến tháng 11/2021, số vốn đầu tư thực tế của UAE vào Indonesia là 7,8 triệu USD, giảm đáng kể so với gần 70 triệu USD trong năm 2018.
Theo Báo Tin tức