Hải Dương là một trong những địa phương có số lượng di tích lịch sử đứng đầu cả nước. Thế nhưng số lượng các di tích được xếp hạng còn khiêm tốn...
Nhân dân xây tường bao khu lăng mộ thân mẫu Trạng nguyên Trần Quốc Lặc rộng 200 m2
Mỏi mòn chờ xếp hạngTrần Quốc Lặc là Trạng nguyên khai khoa của xứ Đông, người thôn Uông Hạ, xã Minh Tân (Nam Sách), đỗ khoa Bính Thìn (năm 1256), làm quan đến chức Thượng thư. Sau khi mất, ông được phong làm phúc thần ở bản quán. Có vị trí đặc biệt trong khoa bảng xứ Đông nhưng đình thờ ông ở thôn Uông Hạ chỉ là 3 gian lợp ngói bé nhỏ. Đồ thờ tự đơn sơ do nhân dân trong thôn công đức. Đường vào đình phải đi nhờ qua nhà dân. Ông Nguyễn Văn Su, Trưởng ban Quản lý di tích đình làng cho biết: Trước kia ngôi đình có quy mô 5 gian tiền tế, hậu cung cùng hai dãy giải vũ. Lễ hội thuộc hạng lớn trong vùng. Sau đó, ngôi đình bị Pháp đốt, đến năm 2003 nhân dân mới tôn tạo lại. Hiện đình còn hàng chục chân tảng cột đình bằng đá kích cỡ lớn, một cân đá nặng trên 30 kg từ thời xưa dùng để cân lợn làm cỗ tế và các phần của một cầu đá cổ. Cùng với đình còn có mộ của thân mẫu Trạng nguyên rộng 200 m2 đã được xây tường bao. Đại diện Ban Quản lý di tích đình làng cùng chính quyền xã Minh Tân đã nhiều lần làm đơn đề nghị ngành văn hóa xem xét công nhận đình làng là di tích lịch sử, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được công nhận.
Theo Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Nam Sách, toàn huyện hiện có gần 100 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có khá nhiều di tích đủ điều kiện xếp hạng. Tuy nhiên đến nay, huyện mới có 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 11 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Nguyên nhân do chỉ tiêu xét duyệt xếp hạng di tích hằng năm ít. Năm nay, huyện chỉ có 2 di tích được làm hồ sơ xếp hạng là nghè Cả ở xã Nam Hồng và đình Nghĩa Khê ở xã An Lâm.
Cũng như Nam Sách, huyện Cẩm Giàng có tổng số 264 di tích lịch sử văn hóa. Nhưng đến nay toàn huyện mới có 31 di tích được xếp hạng (20 di tích được xếp hạng quốc gia, 11 di tích được xếp hạng cấp tỉnh). Cả năm 2012, huyện chỉ có đình Bằng Quân (xã Cẩm Định) được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Năm nay huyện đề đạt xếp hạng 4 di tích, qua khảo sát chỉ có di tích đình Phú An (xã Cao An) được làm hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh. Ông Nguyễn Hồng Hà, cán bộ Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Cẩm Giàng, cho biết: Theo chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hằng năm, Phòng Văn hóa, Thông tin huyện đều tiến hành rà soát các di tích trên địa bàn, lựa chọn từ 3-4 di tích đáp ứng yêu cầu đề nghị xếp hạng. Tuy nhiên mỗi năm vẫn chỉ có 1-2 di tích được làm hồ sơ xếp hạng. So với số lượng hiện có, các di tích được xếp hạng mỗi năm chưa tương xứng bởi huyện còn có khoảng 40-50 di tích có thể đề nghị xếp hạng di tích lịch sử.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.207 di tích tôn giáo tín ngưỡng, 116 địa điểm di tích cách mạng. Thực hiện Luật Di sản, từ năm 2002 đến nay, tỉnh ta đã lập hồ sơ xếp hạng 23 di tích quốc gia, trong đó có di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh mới có 146 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 161 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, một số lượng khá khiêm tốn so với số di tích hiện có.
Cần sự quan tâm thỏa đáng
Có nhiều nguyên nhân khiến việc xếp hạng các di tích chậm mà thiếu kinh phí là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Từ nguồn kinh phí được cấp, mỗi năm các huyện sẽ rà soát các di tích có đủ điều kiện xếp hạng trên địa bàn báo cáo về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trên cơ sở đó, Phòng Di sản của sở và Bảo tàng tỉnh tổ chức khảo sát đánh giá. Những di tích đủ điều kiện sẽ tiến hành làm hồ sơ xếp hạng. Quy trình là vậy song số lượng di tích được làm hồ sơ xếp hạng hằng năm không nhiều. Vài năm trở lại đây, tiến độ được đẩy nhanh hơn, mỗi năm tỉnh ta làm hồ sơ xếp hạng được khoảng hơn 20 di tích, trung bình mỗi huyện xếp hạng 2 di tích. Năm 2013, các huyện, thành phố, thị xã đề nghị xây dựng hồ sơ xếp hạng 3 di tích cấp quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên đến nay mới có 12 hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh được triển khai do thiếu kinh phí. Theo quy định từ năm 2009-2010, kinh phí cho xếp hạng một di tích cấp quốc gia là 16 triệu đồng, một di tích cấp tỉnh là 12 triệu đồng. Trong khi hồ sơ xếp hạng yêu cầu nhiều thủ tục mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn như Hán Nôm, lịch sử, kiến trúc, nhiếp ảnh khiến kinh phí chuẩn bị hồ sơ xếp hạng di tích tăng đáng kể.
Đình thờ Trạng nguyên Trần Quốc Lặc do nhân dân trong thôn tự đóng góp xây dựng nên còn rất đơn sơ
Hồ sơ xếp hạng di tích yêu cầu ngày càng cao, đặc biệt là di tích cấp quốc gia cũng khiến việc xếp hạng di tích gặp khó khăn. Điều kiện phải là các di tích lịch sử gắn với các danh nhân, có các công trình kiến trúc, di vật lịch sử cụ thể... Tuy nhiên trải qua sự biến thiên của lịch sử, đến nay còn rất ít di tích đáp ứng trọn vẹn những yêu cầu trên.
Thiếu nhân lực cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc xếp hạng di tích chậm. Tại Bảo tàng tỉnh, công tác khảo sát, đánh giá, xếp hạng di tích do Phòng Di tích đảm nhiệm. Khối lượng công việc nhiều song phòng chỉ có 3 người. Các phòng văn hóa, thông tin huyện chỉ có một người đảm nhiệm mảng này.
Ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Việc xếp hạng di tích chậm còn do một bộ phận không nhỏ các nhà sư trụ trì tại các di tích phật giáo thiếu hợp tác do không muốn bị ràng buộc, quản lý của cơ quan chức năng. Từ quan điểm này, nhiều di tích phật giáo có giá trị không được bảo tồn kịp thời. Ở một số nơi trong tỉnh đã xảy ra tình trạng các chức sắc tôn giáo trụ trì tại các di tích trên tự ý xây, sửa, làm biến dạng công trình, cảnh quan. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, nhiều địa phương có di tích cố tình trì hoãn việc xếp hạng để quy hoạch đất đai vào các mục đích khác.
Việc chậm xếp hạng di tích ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa. Các di tích lịch sử bị tu bổ, xây mới tùy tiện, phá vỡ cảnh quan, làm mất đi những kiến trúc, giá trị vốn có. Cùng với đó là tình trạng lấn chiếm địa giới khi các di tích thiếu hành lang pháp lý bảo vệ. Nhiều di tích khảo cổ học, tiêu biểu là các mộ cổ do không gắn với tâm linh, tín ngưỡng nên ít được quan tâm, bảo tồn, người dân và chính quyền thờ ơ dẫn đến tình trạng biến mất một cách đáng tiếc. Nhiều di tích, địa danh cách mạng cũng chưa được chú ý khoanh vùng bảo vệ.
Để khắc phục tình trạng ì ạch trong xếp hạng di tích, ngoài sự nỗ lực của ngành văn hóa rất cần sự quan tâm thỏa đáng của các cấp chính quyền để tháo gỡ khó khăn.
NGỌC HÙNG