Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho rằng việc Hy Lạp rời khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ không giải quyết những quan ngại của châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tới dự Hội nghị bất thường EU tại Brussels ngày 23/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Chủ tịch Juncker nói: "Tôi không cho rằng chúng ta sẽ bớt đi được những mối lo hay sức ép khi Hy Lạp rời khỏi Eurozone."
Ông Juncker cũng kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục tham gia hỗ trợ Hy Lạp và nói: "Tôi không thể nghĩ chúng tôi có thể tiếp tục một mình tiến hành việc đó nếu không có IMF."
Phát biểu này của ông Juncker được đưa ra khi trước đó, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng việc cứu Hy Lạp là vấn đề của các nước Eurozone.
Trong khi đó, trả lời báo Thế giới của Pháp ngày 31-5, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho rằng việc đàm phán với các nhà cho vay quốc tế kéo dài không phải trách nhiệm của phía Hy Lạp mà các nhà lãnh đạo tự do mới của Liên minh châu Âu (EU) phải chịu trách nhiệm cho điều đó.
Ông nói: "Tất cả các nước không đi theo chính sách đó (tự do mới) sẽ bị trừng phạt nặng. Hy Lạp là nạn nhân đầu tiên."
Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias cùng ngày cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu Hy Lạp phải rời Eurozone, bởi nếu Hy Lạp bất ổn sẽ kéo theo sự bất ổn cho cả châu Âu.
Ông nói: "Chúng tôi đã đưa ra những đề xuất cải cách cụ thể, song việc xoá bỏ các quyền của người lao động, như chúng tôi được yêu cầu, không phải là cải cách."
Theo kế hoạch, tối 31-5, Thủ tướng Đức và Hy Lạp cùng Tổng thống Pháp tiến hành điện đàm nhằm tìm kiếm bước đột phá trong đàm phán giữa Hy Lạp với các nhà cho vay quốc tế.
Trong tháng 6, quốc gia đang ngập trong nợ này cần gấp khoảng 1,6 tỷ euro để trả cho IMF.