Hướng về Biển Đông bằng biếm họa

08/07/2014 10:46

Một trong các tác phẩm gây được nhiều chú ý là biếm họa Người hai mặt của tác giả Chu Đức Tiến.

Với tinh thần yêu nước, các họa sĩ biếm cả chuyên và không chuyên khắp mọi miền đất nước đã kịp thời vẽ hàng trăm bức tranh tham gia triển lãm để góp tiếng nói và hành động bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.


Họa sĩ Phạm Quang Huynh và tác phẩm tham dự triển lãm

Từ ngày 30-6 đến hết ngày 6-7, tại Nhà triển lãm mỹ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam ở 16 Ngô Quyền (Hà Nội) diễn ra triển lãm tranh biếm họa với chủ đề "Hướng về Biển Đông". Đây là hành động thiết thực của các nghệ sĩ biếm họa hưởng ứng tuyên bố của Hội Mỹ thuật Việt Nam phản đối Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Tình yêu Tổ quốc không ranh giới

Là công dân Việt Nam, với tinh thần yêu nước, các họa sĩ biếm cả chuyên và không chuyên khắp mọi miền đất nước đã kịp thời vẽ hàng trăm bức tranh tham gia triển lãm để góp tiếng nói và hành động bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Các tác phẩm được trưng bày rất đa dạng, khai thác triệt để đặc trưng của biếm họa vừa đả kích, chế giễu những hành động ngang trái mang tính xâm lược có hệ thống của Trung Quốc, vạch trần thứ hữu nghị viển vông đầy cạm bẫy của một đất nước đã nhiều lần xâm lược và chưa bao giờ từ bỏ ý đồ xâm lược Việt Nam, vừa thể hiện được ý chí, sức mạnh của nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ Tổ quốc và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Ban tổ chức đã nhận được 198 tác phẩm của 48 tác giả và đã chọn lọc giới thiệu 80 tác phẩm của 35 tác giả. Có người lần đầu tiên cầm cọ vẽ biếm song cũng có người chuyên về mảng biếm họa. Đặc biệt có họa sĩ đã 85 tuổi và cống hiến tới 20 bức tranh. Mỗi tác phẩm đều thể hiện trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ, vẽ để đặc tả sâu sắc những thủ đoạn, âm mưu xâm lược của các thế lực nước ngoài và để chia lửa cùng các đồng chí, đồng bào đang kiên gan bám biển bảo vệ giang sơn trước sự xâm lấn bạo tàn của ngoại bang.

Triển lãm đã thu hút rất nhiều họa sĩ và công chúng đến xem, bày tỏ sự quan ngại trước hành vi trái đạo lý, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Ông Lý Trực Dũng, họa sĩ biếm có tác phẩm trong triển lãm cho biết: Âm mưu của Trung Quốc đã rõ ràng. Trung Quốc đã từng bắt nhiều tàu thuyền đánh cá của Việt Nam, cắt cáp tàu Bình Minh 2 và hiện tại là đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Vì vậy, giới họa sĩ Việt Nam đã thực hiện các tác phẩm biếm họa về các hành động sai trái của Trung Quốc từ trước khi có triển lãm rất lâu. Hình tượng lớn nhất được các họa sĩ biếm trong tác phẩm của mình là “lưỡi bò”- của một con bò tót hung hãn, hiếu chiến muốn uống cạn Biển Đông, nuốt chửng các hòn đảo. Bên cạnh đó, các họa sĩ cũng nêu được truyền thống hàng nghìn năm đấu tranh của nhân dân ta chống lại thế lực bành trướng phương Bắc. Với ý nghĩa để chống lại cái ác, bảo vệ cái thiện, bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh, tại triển lãm này, các họa sĩ biếm họa không khiêu khích mà là đang tự vệ, lên án mạnh mẽ hành động xâm lược.

Tự vệ bằng tranh

Một trong các tác phẩm gây được nhiều chú ý là biếm họa Người hai mặt của tác giả Chu Đức Tiến. Tranh miêu tả một con người tâm địa vô lường, hiểm ác. Bức tranh này cùng nhiều tác phẩm khác ngẫm ra rất đúng với lời của PGS-TS Đàm Đức Vượng, nguyên Chánh văn phòng Hội đồng Lý luận

"Với ý nghĩa để chống lại cái ác, bảo vệ cái thiện, bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh, tại triển lãm này, các họa sĩ biếm họa không khiêu khích mà là đang tự vệ, lên án mạnh mẽ hành động xâm lược.

Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài, nhân lực, là từ hàng nghìn năm nay, Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách viễn giao, cận công (bang giao nước ở xa, tấn công nước ở gần) với Việt Nam. Có lúc Trung Quốc đặt quan hệ với Việt Nam nhưng đó chỉ là sách lược, còn về chiến lược Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý đồ xâm lược, hòng biến nước ta trở thành một tỉnh của họ. Trong lịch sử, có giai đoạn Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam nhưng về toàn cục Trung Quốc xưa nay luôn tính chuyện thôn tính Việt Nam. Tính từ thời nhà Tần (221-216 trước công nguyên), đến nay Trung Quốc đã 23 lần xâm lược Việt Nam. Vụ việc hạ đặt trái pháp luật giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chính là cuộc xâm lược mới nhất của Trung Quốc.

Một tác phẩm được nhiều người quan tâm là biếm họa Trung Quốc bẻ vỡ ASEAN của tác giả Phạm Tấn Phú cho thấy một đất nước bất chấp đạo lý, pháp lý, quan hệ hữu nghị Việt - Trung cũng như quan hệ hữu nghị giữa các nước, các dân tộc trong khu vực. Với họ thì lợi ích cao hơn cả tình bạn, tình đoàn kết.

Biếm họa Cái lý của kẻ cướp của tác giả Phạm Quang Huynh và Bò tót Biển Đông của tác giả Hà Huy Chương cho thấy một thế lực hung ác vừa ăn cướp vừa la làng. Không chỉ đặt giàn khoan nước sâu vào vùng biển nước ta, Trung Quốc còn mang bao nhiêu là tàu quân sự, máy bay (sơ sơ cũng hơn 200 cái) vừa đâm, vừa phun vòi rồng vào tàu thuyền ngư dân, tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển Việt Nam.

Cùng sự căm phẫn trước hành động bá đạo của Trung Quốc, công chúng cũng rất phấn khởi khi bạn bè quốc tế đã có nhiều bênh vực, giúp đỡ Việt Nam. Điều ấy được cảm nhận qua các biếm họa như Dư luận quốc tế với sự leo thang của Trung Quốc, Công lý chặn ngang họng cá mập, Lưỡi kéo ASEAN cắt phăng lưỡi bò Trung Quốc, Phản đối Trung Quốc bành trướng, Gieo gió ắt gặt bão, Đàn cá heo húc đổ giàn khoan Hải Dương 981…

Thật vui khi qua ngôn ngữ của biếm họa, tiếng nói của nhân dân yêu chuộng hòa bình được gặp gỡ và lan tỏa mạnh mẽ đến thế!


CHU MẠNH CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng về Biển Đông bằng biếm họa