Hướng tới quản lý đất đai chặt chẽ

15/03/2014 05:44

Gia Lộc đã thí điểm xử lý đất dôi dư tại thị trấn và 2 xã Hồng Hưng, Hoàng Diệu. Sau đó sẽ tổ chức rút kinh nghiệm để thực hiện trên phạm vi toàn huyện...



Vị trí đất dôi dư của nhà ông Đoàn Bá Đàm, thị trấn Gia Lộc


Nhiều hộ dân ở huyện Gia Lộc có diện tích đất ở đang sử dụng dư thừa so với diện tích đất được ghi trong “sổ đỏ”. Từ đầu năm 2013 đến nay, huyện đã thí điểm xử lý đất dôi dư (XLĐDD) tại thị trấn và 2 xã Hồng Hưng, Hoàng Diệu.

Thận trọng và chặt chẽ


Huyện Gia Lộc xác định XLĐDD việc chính là hợp pháp hóa quyền sử dụng đất (SDĐ) nhằm thực hiện nghiêm pháp luật về đất đai, giải quyết tình trạng lấn chiếm, SDĐ trái quy định tồn tại từ những năm trước để công tác quản lý đất đai chặt chẽ hơn. Việc làm này cũng góp phần bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của người SDĐ, tạo công bằng xã hội, làm cơ sở để xác lập hồ sơ địa chính, xác định diện tích tính thuế SDĐ phi nông nghiệp được chính xác, công bằng hơn.

XLĐDD (trong đó có nhiều trường hợp là đất lấn chiếm) là công việc rất phức tạp do liên quan đến chính sách đất đai qua nhiều thời kỳ, liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhiều người dân, nhiều sự việc đã diễn ra từ lâu… Việc lưu giữ hồ sơ liên quan đến quản lý đất đai ở địa phương còn hạn chế. Do vậy, khi triển khai kế hoạch làm điểm XLĐDD, huyện Gia Lộc đã yêu cầu các xã, thị trấn phải tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai trong Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó trưởng thôn để thống nhất chủ trương; tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân biết, đồng thuận. Khi xét duyệt phải thực hiện thận trọng, đúng quy định của pháp luật, khách quan, dân chủ, công khai đến mọi người dân có liên quan.

UBND huyện Gia Lộc đã thành lập Ban Chỉ đạo làm điểm XLĐDD, đất lấn chiếm, cấp và cấp đổi giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Ban Chỉ đạo huyện cũng thành lập tổ công tác giúp việc; ban hành kế hoạch làm điểm tại thị trấn Gia Lộc và 2 xã Hồng Hưng, Hoàng Diệu; tổ chức triển khai, kiểm điểm tiến độ thực hiện, phân công cán bộ chuyên môn hướng dẫn các địa phương làm điểm. Tại các địa phương làm điểm đã thành lập Hội đồng XLĐDD, triển khai thực hiện kế hoạch của huyện, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ.

Những bước đi đầu tiên


Tại xã Hồng Hưng, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ địa chính cùng các trưởng thôn lập thông báo so sánh diện tích đất đang sử dụng với diện tích đất ghi trong “sổ đỏ” để gửi cho các hộ. Thông báo này được gửi kèm với mẫu đơn đề nghị XLĐDD, hợp thức hóa quyền SDĐ, cấp và cấp đổi “sổ hồng” được giao cho cấp ủy thôn phát đến từng hộ. Xã đã phát 1.711 thông báo gửi cho các hộ. Đến đầu tháng 9-2013, xã đã tiếp nhận 527 đơn đề nghị XLĐDD. Trong 527 trường hợp này có 382 hồ sơ có diện tích đất dôi dư. Hội đồng XLĐDD xã đã tổ chức 2 đợt xét duyệt hồ sơ. Đợt 1 vào tháng 5-2013 đã xét duyệt 91 hồ sơ ở thôn Phương Bằng. Đợt 2, xã Hồng Hưng xét duyệt 93 hồ sơ đề nghị cấp đổi “sổ hồng” cho các trường hợp diện tích hiện trạng sử dụng đủ và thiếu so với “sổ đỏ”.

Việc XLĐDD ở xã Hồng Hưng đã đáp ứng được nhu cầu của nhiều hộ dân. Theo ông Hoàng Tuấn Nghĩa, cán bộ địa chính xã Hồng Hưng, đất dôi dư ở địa phương có 2 dạng chính. Một là, đất hiện trạng sử dụng thừa ra so với “sổ đỏ” đã cấp mà nguyên nhân là do đo đạc, tính toán diện tích để cấp “sổ đỏ” trước kia chưa chính xác. Hai là đất dôi dư do các hộ dân lấn chiếm. Ông Đặng Đình An ở thôn Phương Khê có đất dôi dư thuộc dạng thứ nhất. Ông An được thừa kế thửa đất có diện tích ghi trong “sổ đỏ” 200 m2, được cấp “sổ đỏ” năm 1996. “Năm 2013, diện tích đo đạc hiện trạng SDĐ của thửa đất nhà tôi là 711 m2, kích thước thửa đất cũng có chênh lệch với kích thước ghi trong sổ đỏ. Từ năm 1973 đến nay, diện tích, kích thước thực tế thửa đất nhà tôi không có sự thay đổi, không có lấn chiếm, đất không có tranh chấp. Rõ ràng, việc đo đạc, tính toán kích thước, diện tích thửa đất để cấp sổ đỏ trước kia chưa chính xác. Tôi đã có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại sổ hồng mới cho nhà tôi phù hợp với số liệu thực đo vừa qua”, ông An cho biết.

Tại thị trấn Gia Lộc, tổ công tác XLĐDD của thị trấn đã lập danh sách 206 hộ có diện tích đất dôi dư phải xử lý. Trước mắt, thị trấn tập trung xử lý tại 2 khu vực, gồm các hộ sống gần sông Sa La và 6 hộ có diện tích dôi dư đã có nội dung kết luận sau thanh tra. Ngày 17-10-2013, UBND thị trấn đã làm việc với 35 hộ dân sống gần sông Sa La để thông báo cho từng hộ biết diện tích dôi dư, giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn các hộ làm đơn đề nghị hợp thức hóa. Đến nay, Hội đồng XLĐDD thị trấn đã xét duyệt được 7 trường hợp.   

Xã Hoàng Diệu cũng đã xét duyệt cho 394 trường hợp, trong đó 114 trường hợp không có diện tích dôi dư, 131 trường hợp đất dôi dư nhưng không có khả năng lấn chiếm và 149 trường hợp dôi dư do lấn chiếm.

Nhiều khó khăn

Qua những bước đầu tiên để XLĐDD tại các địa phương làm điểm cho thấy, công việc này còn rất nhiều khó khăn. Việc xác định nguồn gốc đất, quá trình sử dụng, thời điểm lấn chiếm đất… mất nhiều thời gian, trong khi hồ sơ địa chính ở các địa phương thường không đầy đủ. Ông Phạm Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc cho biết: “Có một số hộ không muốn XLĐDD vì liên quan đến việc phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong khi đó, việc XLĐDD phải có sự đồng thuận của chủ hộ, các hộ phải tự nguyện đề nghị cấp có thẩm quyền hợp thức hóa cho đất dôi dư. Hộ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ tài chính là một điều kiện bắt buộc để hợp thức hóa quyền SDĐ. Nếu hộ không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì sẽ không công bằng với hộ chấp hành tốt pháp luật, không có đất dôi dư”. Ngoài ra, nhiều hộ dân sử dụng “sổ đỏ” để thế chấp vay vốn nên việc xác định diện tích đất dôi dư gặp khó khăn.

Việc XLĐDD ở huyện Gia Lộc mới chỉ là những bước đi đầu tiên. Theo quy trình, sau khi Hội đồng XLĐDD cấp xã tổ chức xét duyệt sẽ công khai kết quả xét duyệt tại UBND xã, nhà văn hóa trung tâm các thôn để mọi người biết. Sau đó, Hội đồng XLĐDD sẽ gửi hồ sơ đề nghị các ngành của huyện thẩm định. Tiếp đó, huyện sẽ tổ chức thẩm định, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực địa, thông báo cho hộ dân thực hiện nghĩa vụ tài chính… Sau khi thực hiện đúng quy trình đề ra, chỉ các hộ đủ điều kiện mới được xét duyệt hợp thức hóa, cấp hoặc cấp đổi “sổ hồng”.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Hướng tới quản lý đất đai chặt chẽ