Với những giá trị nổi bật, Côn Sơn - Kiếp Bạc hội đủ các yếu tố của một di sản văn hóa thế giới.
Rước lễ trong ngày hội Kiếp Bạc
Côn Sơn - Kiếp Bạc là quần thể di tích, danh thắng quốc gia quan trọng cả về giá trị lịch sử, văn hóa gắn với tên tuổi của các bậc danh nhân của đất nước. Với những giá trị nổi bật, nơi đây hội đủ các yếu tố của một di sản văn hóa thế giới.
Hội tụ tinh hoa dân tộcĐức Thánh Trần với chòm râu dài quắc thước, diện mạo uy nghi bước lên đài duyệt quân. Hai bên các tướng Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng đeo gươm tháp tùng. Dưới sông Lục Đầu, gần trăm chiến thuyền cờ xí rợp trời. Trên mỗi thuyền, một vị đại tướng cùng quân sĩ oai phong đứng dưới lá cờ đại phần phật tung bay từ hai bờ tả, ngạn xuất phát tiến về hội trước đài. Tiếng hô “sát Thát” vang vọng mặt sông. Ở trên bờ là màn biểu diễn múa rồng, đánh Thó đặc sắc của dân binh Hội Xuyên (Gia Lộc) do tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa chỉ huy. Tiếp đến màn biểu diễn võ dân tộc do 200 võ sinh Võ Nhất Nam thể hiện... Đó là quang cảnh hoành tráng, đặc sắc của lễ hội quân trên sông Lục Đầu, một trong nhiều nghi thức cổ truyền của lễ hội Kiếp Bạc - Côn Sơn.
Côn Sơn - Kiếp Bạc là quần thể di tích, danh thắng nổi tiếng cả về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên. Khu di tích Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ thứ X, đến thế kỷ XIII, XVII trở thành chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Nửa đầu thế kỷ XV sau kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Trãi đã về sống ở nơi đây. Khu di tích Vạn Kiếp là phòng tuyến quân sự được Hưng Đạo Vương xây dựng ở thế kỷ XIII để bảo vệ cho kinh đô Thăng Long. Căn cứ Vạn Kiếp có vị trí đặc biệt quan trọng, nơi từng diễn ra các trận đánh ác liệt trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Năm 1300, Hưng Đạo Đại Vương qua đời, được nhân dân lập đền Kiếp Bạc để thờ cúng. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành một trong những trung tâm văn hóa lớn của đất nước. Hằng năm, theo lệ cổ vào ngày mất của Đức Thánh Trần (20-8 âm lịch) và ngày viên tịch của Thiền sư Huyền Quang (22 tháng giêng âm lịch), triều đình đều cử các quan đại thần về dự tế, lễ cầu quốc thái dân an; nhân dân xa gần hành hương trẩy hội, tưởng niệm các bậc vĩ nhân. Nhiều hình thái văn hóa phi vật thể đặc sắc và hấp dẫn được bảo lưu như tế, rước bộ, hội quân, lễ mộc dục, lễ cầu an... Năm 1962, Côn Sơn - Kiếp Bạc được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Từ năm 2006 đến nay, hàng loạt nghi lễ được phục hồi như lễ tưởng niệm Đức Thánh Trần, lễ rước bộ, lễ hội quân trên sông Lục Đầu, lễ ban ấn, diễn xướng hầu thánh, lễ cầu an - hội hoa đăng tại lễ hội Kiếp Bạc, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ Mông sơn thí thực, các trò chơi dân gian đu tiên, chọi gà, vật dân tộc, hát chèo, hát quan họ…
Đủ yếu tố của một di sản văn hóa thế giớiCông ước bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ký tại Paris (Pháp) năm 1972 chỉ rõ, di sản thế giới là di chỉ hay di tích của một quốc gia như rừng, dãy núi, hồ, sa mạc, tòa nhà, quần thể kiến trúc hay thành phố... do các nước có tham gia Công ước di sản thế giới đề cử cho Chương trình quốc tế Di sản thế giới, được công nhận và quản lý bởi UNESCO. Để đưa một tài sản, văn hóa, thiên nhiên vào di sản thế giới thì các di tích, quần thể các công trình xây dựng, các di chỉ, tài sản thiên nhiên, các khu vực tự nhiên…phải có giá trị nổi bật toàn cầu.
Phong cảnh Côn Sơn
Theo bà Nguyễn Thị Cuối, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Côn Sơn - Kiếp Bạc hội đủ các yếu tố cần thiết của một di sản văn hóa thế giới cả ở khía cạnh di tích văn hóa, danh thắng, vật thể và phi vật thể. Đây là nơi của những công trình kiến trúc văn hóa, tôn giáo độc đáo, có giá trị từ thời Trần, như: Đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn, bia ký, lăng mộ; những di chỉ khảo cổ học quan trọng: Phủ đệ Trần Hưng Đạo, hệ thống lò gốm Vạn Yên, di chỉ Ao Cháo, Từ Cũ, Hang Tiền, Viên Lăng, khu vực chùa Côn Sơn, Thanh Hư Động... Về lịch sử, đây là nơi gắn với những sự kiện tiêu biểu trong lịch sử chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Về giá trị phi vật thể, Côn Sơn-Kiếp Bạc là nơi hội tụ tinh thần dân tộc, tâm linh tín ngưỡng dân gian cùng giáo lý uyên bác của nhà Phật, các giai thoại, truyền thuyết, lễ hội, phong tục, diễn xướng độc đáo. Ở đây văn hóa Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo cùng tồn tại, phát triển qua nhiều thế kỷ, mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là nơi hội tụ của những vĩ nhân, anh hùng dân tộc: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông, Thiền Quang, Trần Nguyên Đán. Đây cũng là vùng danh thắng với thiên nhiên kỳ thú: sông Lục Đầu, Cồn Kiếm, núi Ngũ Nhạc, núi Trán Rồng, núi Phượng Hoàng…
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thị xã Chí Linh. Việc quy hoạch nhằm bảo tồn, nghiên cứu làm phong phú thêm các giá trị văn hóa của quần thể di tích, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam; tạo tiền đề đề nghị công nhận quần thể di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới. Để hướng tới mục tiêu quan trọng này, tỉnh Hải Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo đề án chi tiết Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đề án Quy hoạch được thực hiện trên địa bàn các xã, phường: Cộng Hòa, Lê Lợi, Hưng Đạo, Văn An, Bắc An, Chí Minh, Hoàng Tân, Cổ Thành, Sao Đỏ, Phả Lại. Diện tích quy hoạch là 8.340 ha, được phân thành 2 vùng. Vùng bảo tồn và khai thác đặc biệt có diện tích 3.568 ha, vùng đệm diện tích 4.772 ha. Các nhóm dự án gồm: Bảo tồn, tôn tạo di tích ở 3 khu vực trọng tâm: Côn Sơn, Kiếp Bạc và Phượng Hoàng. Xây dựng một số di tích mới như: Biểu tượng Thiền phái Trúc Lâm trên đỉnh núi Côn Sơn, tháp chuông trên đỉnh Ngũ Nhạc, tượng đài chiến thắng trên đỉnh núi Trán Rồng và Nhà truyền thống giáo dục tại núi Phượng Hoàng…Vốn đầu tư ước tính là 1.600 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, địa phương, từ khai thác các hoạt động du lịch và xã hội hóa. Thời gian thực hiện dự án quy hoạch chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2009-2015, giai đoạn 2 từ năm 2015-2020.
Ông Nguyễn Đức Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đề nghị công nhận Côn Sơn - Kiếp Bạc là di sản thế giới là một lộ trình dài và phải có được sự phối hợp nhiều ngành chức năng. Chặng đường trước mắt, chúng ta đã lập hồ sơ trình Chính phủ công nhận Côn Sơn-Kiếp Bạc là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt. Hiện hồ sơ đã được Chính phủ phê duyệt. Đây là bước đệm để tiến tới lập hồ sơ đề nghị công nhận quần thể di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc là di sản văn hóa thế giới.
NGỌC HÙNGVề giá trị phi vật thể, Côn Sơn - Kiếp Bạc là nơi hội tụ tinh thần dân tộc, tâm linh tín ngưỡng dân gian cùng giáo lý uyên bác của nhà Phật, cùng các giai thoại, truyền thuyết, lễ hội, phong tục độc đáo của dân tộc.
|