Sản xuất cây ăn quả vẫn còn tự phát, không có định hướng rõ ràng nên hiệu quả kinh tế mang lại không tương xứng với tiềm năng.
Để nâng cao giá trị kinh tế của cây ăn quả, cần quan tâm hơn nữa tới quy trình sản xuất đồng bộ theo tiêu chuẩn GAP
Với đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng, nhất là tác động của xu thế hội nhập, muốn cây ăn quả có chỗ đứng thì nông dân phải thay đổi tập quán canh tác, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Để thực hiện điều này, sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là lựa chọn duy nhất.
Cây ăn quả (CAQ) là một trong những thế mạnh, đóng góp tỷ trọng lớn và làm đa dạng bức tranh nông nghiệp Hải Dương. Tuy nhiên, sản xuất CAQ vẫn còn tự phát, không có định hướng rõ ràng nên hiệu quả kinh tế mang lại không tương xứng với tiềm năng.
Tránh được mùa, mất giáHiện nay, toàn tỉnh có hơn 21.000 ha CAQ, giảm gần 800 ha so với năm 2010. Mặc dù tới thời điểm hiện tại, vải vẫn là CAQ chủ lực, nhưng diện tích vải chỉ còn 10.667 ha, giảm gần 2.500 ha so với năm 2010. Trong khi đó, các loại CAQ như chuối, cam, na… được trồng bổ sung để bù đắp cho diện tích vải bị phá bỏ lại nhỏ lẻ, phân tán nên ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất. Tuy số liệu kể trên không thể đánh giá được đầy đủ giá trị kinh tế của nhóm cây này nhưng nó cũng là dấu hiệu cho thấy CAQ sẽ có khả năng mất dần vị thế nếu như không được đầu tư bài bản và định hướng lâu dài. Trước thực trạng này, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao giá trị CAQ, trong đó ưu tiên thực hiện các mô hình sản xuất theo VietGAP.
Những năm trước tỉnh chỉ chú trọng tới việc xây dựng mô hình sản xuất sạch cho cây vải bởi quả vải có nhiều lợi thế xuất khẩu. Cây ổi cũng được trồng thử nghiệm theo quy trình VietGAP nhưng chỉ thực hiện được 6 ha xã ở Liên Mạc (Thanh Hà). Năm nay, bên cạnh việc mở rộng diện tích sản xuất vải VietGAP gồm 36 mô hình với diện tích 246,05 ha, hướng dẫn nông dân tiếp cận kỹ thuật cao hơn là GlobalGAP ở 10 ha vải thuộc xã Thanh Xá (Thanh Hà), tỉnh còn đầu tư sản xuất sạch cho nhiều loại cây ăn quả khác. Đây là năm đầu tiên nhiều hộ dân trồng cam, na ở thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn áp dụng phương pháp canh tác mới, sản xuất sạch, an toàn và đồng bộ. Người dân các huyện Thanh Hà, Ninh Giang cũng phấn khởi tham gia các lớp tập huấn sản xuất VietGAP cho 80 ha ổi. Tuy quy mô thực hiện vẫn còn quá ít so với diện tích thực tế nhưng đây chính là nền tảng ban đầu để nâng cao hiệu quả sản xuất CAQ.
“Nhiều người vẫn băn khoăn và trông chờ những hộ thực hiện trước đạt kết quả khả quan thì mới làm theo”.
|
|
Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhóm CAQ có thể phát huy được tiềm năng thì cần phải tạo thế và lực nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho mặt hàng này, nhất là những trái cây có thế mạnh để xuất khẩu. Để làm được điều này, phải quan tâm hơn nữa tới sản xuất sạch theo các quy trình thực hành nông nghiệp tốt như BasicGAP, VietGAP, EuroGAP, GlobalGAP... Đây cũng chính là chìa khóa duy nhất để giải bài toán thị trường, tránh tình trạng được mùa mất giá. Thực tế đã chứng minh cây vải được chăm sóc theo quy trình VietGAP có chất lượng tốt hơn và giá bán sản phẩm cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với sản xuất thông thường.
Còn nhiều khó khănMặc dù xác định sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP là lựa chọn sống còn giúp CAQ của tỉnh có thể khẳng định vị trí trên thị trường nhưng việc thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thực hành nông nghiệp tốt đòi hỏi nông dân phải tuân thủ đúng quy trình, bảo đảm tỷ lệ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Có như vậy mới đáp ứng được các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, từ trước tới nay, người dân vẫn thường làm theo thói quen, kinh nghiệm. Vì vậy, việc thay đổi tư duy sản xuất không phải là việc một sớm một chiều. Hơn nữa, để đánh giá hiệu quả của một phương thức, cách làm mới cần phải có thời gian trong khi tâm lý người dân phải thấy được lợi ích trước mắt thì mới thực hiện theo.
Cũng giống như những loại nông sản khác, CAQ có nhiều bất lợi về thị trường do đặc thù mùa vụ. Bởi vậy, nhiều người dân lo ngại nếu bảo đảm được yếu tố năng suất thì khó đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và ngược lại. Anh Nguyễn Trọng Hải ở xã Trường Thành (Thanh Hà) cho biết: "Chúng tôi luôn bị động từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nên chỉ có thể lấy số lượng để bù cho giá bán. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người vẫn băn khoăn và trông chờ những hộ thực hiện trước đạt kết quả khả quan thì mới làm theo”.
Trước những khó khăn gặp phải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Trước mắt, cần áp dụng đồng bộ theo BasicGAP. Đây là kỹ năng thực hành nông nghiệp cơ bản, hướng dẫn người dân cách sử dụng vật tư nông nghiệp hợp lý, tránh lạm dụng quá mức. Từ đó, tạo nền tảng để hướng tới những quy trình phức tạp hơn, đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của nhiều thị trường khó tính. Năm nay, có hơn 6.000 ha vải và gần 200 ha na được chăm sóc theo phương pháp này. Bên cạnh đó chính quyền địa phương cần là cầu nối giữa 2 nhà (nông dân và doanh nghiệp), giúp cho mối quan hệ này trở nên bền chặt, từng bước hình thành chuỗi cung ứng lâu dài. Có như vậy mới có thể nâng cao giá trị sản xuất của CAQ.
DŨNG CƯỜNG