Từ những cánh đồng "chiêm khê mùa thối", những năm sáu mươi thế kỷ trước, nông nghiệp Hải Dương đã có những bước phát triển mạnh mẽ như hôm nay. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ ngành nông nghiệp, nay nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh. Họ tập hợp trong một tổ chức hưu trí ngành nông nghiệp Hải Dương. Mùa xuân này, hội đã cho ra mắt tập thơ Hương lúa khá dày dặn và như lời tựa đã khẳng định, "còn gì vui hơn được đọc thơ, làm thơ về một thời cống hiến, những tình cảm đọng lại trong cuộc sống muôn màu hôm nay".
Chúng ta bắt gặp ở đây những tên tuổi vốn là những nhà quản lý ngành như Phạm Văn Toàn, Vũ Thái, Nguyễn Văn Đôn..., những người đã từng xắn quần lội ruộng với nông dân.
Sinh ra trên đất Hải Hưng
Làm nghề nông nghiệp đã từng gian truân
(Phạm Văn Toàn)
Về hưu, họ càng có điều kiện chiêm nghiệm. Bởi người ta chỉ sống một lần thôi/ Nhưng lẽ sống, cách làm còn lưu mãi/ Hãy là nước tưới cây khô sống lại/ Hãy là đất để con người tồn tại (Vũ Cẩm Tú). Dưới mắt họ, cuộc sống vẫn phát triển. Vạn vật xôn xao mừng buổi mới/ Muôn loài lấp ló đợi ngày xuân (Nguyễn Văn Đôn). Tác giả Đặng Văn Trình, Hội trưởng Hội Hưu trí đã ghi lại nhiều hình ảnh nông nghiệp, nông thôn sống động qua các bài Hoài niệm, Mong sao, Nhớ, Vào đông...
Xóa ách ba sào, chung hợp tác
Trống đánh kẻng la lại vỡ òa
Ra thế nông dân mong đổi mới
Được mạnh giàu, nước mãi của ta
(Bài Hoài niệm)
Các nhà quản lý nông nghiệp nay nghỉ hưu vẫn quan tâm đến cuộc sống hôm nay. Có những trăn trở như tác giả Nguyễn Văn Thanh trước những tiêu cực xã hội (Sông quê, Tiền chùa, vòng xoáy...). Có những giây phút biết tự "răn mình": Răn mình trong sạch làm điều thiện/ Giúp bạn kiên cường tránh vết nhơ (Nguyễn Đình Thọ). Các tác giả Nguyễn Công Diêm (bài Về quê thăm mẹ), Nguyễn Anh Bân (bài Nhớ cơ quan cũ), Nguyễn Duy Phiếu (bài Gửi mẹ quê hương) đã có những vần thơ sâu nặng tình người, tình bạn, tình quê...
Tác giả Đào Hữu Thảnh có vốn Hán học đã sáng tác một số bài thơ chữ Hán và dịch thơ Đường, có sự trau chuốt, khác với các bản dịch đã công bố. Bài thơ Đào hoa khai ông sáng tác đầu xuân Nhâm Thìn, thể tứ tuyệt, nghe vừa có tính truyền thống lại phảng phất hương xuân mới:
Chợt thấy đào hoa mỉm miệng cười
Đón xuân nao nức rộn lòng người
Trăm hoa đua nở khoe hương sắc
Chỉ có hao đào đặc sắc tươi.
Đọc Hương lúa, chúng ta cảm nhận tấm lòng những người một thời gắn bó với nông nghiệp thật đáng quý.
VƯƠNG BẠCH