Tổ chức cho học sinh tham quan các di tích văn hóa, lịch sử trong tỉnh vừa có ý nghĩa giáo dục vừa thúc đẩy du lịch nội tỉnh phát triển.
Giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương bằng hình thức tham quan các di tích sẽ thúc đẩy du lịch nội tỉnh phát triển
Đây là hướng đi giàu tiềm năng nếu có sự phối hợp giữa các ngành giáo dục, văn hóa và du lịch.
Thị trường rộngTừ nhiều năm nay, nhiều lớp học sinh trong trường phổ thông, đặc biệt là các lớp cuối cấp (lớp 9 và 12) đã được phụ huynh, giáo viên tổ chức cho đi tham quan, du lịch. Nhiều trường, lớp học tự tổ chức đi trong 1 ngày ở các địa điểm du lịch trong tỉnh. Thầy giáo Phương Kim Cánh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) cho biết, năm nào trường cũng có nhiều lớp được phụ huynh học sinh tổ chức cho đi tham quan. Nhà trường thường cử giáo viên chủ nhiệm đi cùng để phối hợp quản lý học sinh. Nhà trường cũng có ý định tổ chức cho học sinh đi tham quan các di tích văn hóa, lịch sử theo quy mô rộng hơn từng lớp riêng lẻ nhưng vẫn đang nghiên cứu các phương án tổ chức.
Hơn 500 trường học phổ thông (tiểu học, THCS, THPT) là thị trường tiềm năng để khai thác các tour du lịch ngắn trong tỉnh. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng cho con đi theo các tour do công ty lữ hành tổ chức dù chi phí có thể cao hơn. Chị Nguyễn Thanh Huyền (phường Quang Trung, TP Hải Dương) có con đang học lớp 7 cho biết: “Học sinh THCS vẫn còn hơi nhỏ, ít được đi ra bên ngoài nên nếu nhà trường phối hợp với công ty du lịch tổ chức tour thì tôi yên tâm hơn vì sẽ có thêm người quản lý các cháu. Đi có chương trình bài bản, có hướng dẫn viên thuyết minh sẽ hữu ích cho các cháu trong học tập”.
Tỉnh ta có nhiều thuận lợi trong việc tổ chức tham quan ngay tại địa phương cho học sinh vì có nhiều di tích văn hóa, lịch sử gắn với sự học và các danh nhân nổi tiếng. Nếu khai thác được thị trường trường học sẽ thúc đẩy du lịch nội tỉnh phát triển hơn, vì hiện nay các công ty lữ hành mới chủ yếu đưa khách trong tỉnh đi tham quan bên ngoài. Ông Trần Khoa Văn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Đông Nam Á, đơn vị đã tổ chức nhiều tour du lịch cho học sinh cho biết, hai tour phù hợp với đối tượng này nhất là: cụm di tích Văn miếu Mao Điền - làng tiến sĩ Mộ Trạch và đảo cò Chi Lăng Nam; cụm du tích Côn Sơn – Kiếp Bạc và đền thờ Chu Văn An. Du lịch theo tour do công ty lữ hành tổ chức có nhiều hoạt động cho học sinh tham gia hơn như các trò chơi dân gian, thi hỏi đáp nhanh về lịch sử, hướng dẫn tại các di tích cũng như trên xe... Nhờ đó, học sinh sẽ hứng thú với chuyến đi và thu được nhiều kiến thức hữu ích. Các công ty lữ hành có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức bữa ăn, di chuyển cho nhiều người nên sẽ quán xuyến được chuyến đi tốt hơn so với phụ huynh và giáo viên tự tổ chức.
Nhiều lợi íchGiáo dục về lịch sử, văn hóa cho học sinh bằng di tích đã được đưa vào trong chương trình học và trên thực tế được chứng minh là cách làm hiệu quả. Thầy giáo Nguyễn Chí Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, năm nào nhà trường cũng phối hợp với Hội phụ huynh đưa học sinh đi tham quan các di tích trong tỉnh. Để chuyến đi thực sự hữu ích thì cần có chương trình bài bản từ trước, yêu cầu học sinh tìm hiểu về di tích, sau khi về có viết bài thu hoạch. Qua đó, các em thêm hiểu biết và yêu quý các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương mình. Những chuyến đi cũng là những kỷ niệm đẹp của học sinh trong thời gian học tại trường, tăng sự gắn bó giữa học sinh với học sinh, thầy cô và mái trường.
Tuy nhiên, hiện nay không phải trường học nào cũng tổ chức được những hoạt động như vậy. Theo ông Khổng Quốc Tuân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh, trung tâm sẵn sàng hỗ trợ các trường về mặt thông tin, làm cầu nối giữa các trường với các công ty lữ hành, các điểm đến để tổ chức các tour du lịch cho học sinh thuận lợi và hữu ích nhất. Trong năm vừa qua, trung tâm đã tư vấn và làm cầu nối cho nhiều công ty lữ hành ở Hà Nội đưa hơn 10.000 học sinh về tham quan các di tích ở Hải Dương. Nếu các trường học và công ty trong tỉnh có nhu cầu, trung tâm sẵn sàng hỗ trợ.
Vướng mắc lớn nhất của các trường hiện nay là không có kinh phí cho hoạt động này và không phải nơi nào cũng vận động được xã hội hóa. Nếu ngành giáo dục có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí thì việc vận động sẽ dễ dàng hơn. Các điểm đến cũng cần có chính sách giảm giá vé cho các đoàn học sinh, hỗ trợ thuyết minh và địa điểm để tổ chức các trò chơi dân gian. Khi có sự chung tay góp sức từ nhiều phía thì loại hình du lịch trường học sẽ dễ phát triển hơn, góp phần giáo dục văn hóa, lịch sử cho học sinh qua thực tiễn một cách sinh động, đồng thời thúc đẩy thị trường du lịch nội tỉnh theo hướng đi mới.
VIỆT HÒA