Do giá trị kinh tế khá cao và ổn định, trong xã hiện có gần 50 hộ trồng 5 ha cây thanh long ruột đỏ.
Gia đình chị Phạm Thị Huệ hiện có hơn 1 mẫu ruộng trồng thanh long ruột đỏ
Gần 10 năm nay, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, giá trị kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với cấy lúa nên người dân thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng (Kinh Môn) đã không ngừng mở rộng diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ.
Chị Phạm Thị Huệ ở thôn Đại Uyên cho biết năm 2011, chị có nhờ người quen mua hộ 10 gốc thanh long ruột đỏ để trồng ở vườn nhà. Sau 3 năm, loại cây này phát triển nhanh, cho quả to, mọng nước và rất ngọt. Thấy cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, chị đã bàn với gia đình nhân giống trồng trên toàn bộ diện tích vườn nhà. Năm 2016, gia đình chị đầu tư làm cọc bê tông, trồng 5 sào cây thanh long tại khu vực ruộng canh tác của gia đình. Vụ quả đầu tiên cho thu lãi hơn 100 triệu đồng. Các thương lái đến tận nơi thu mua với giá 17.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất 25.000 đồng/kg. Đến nay, gia đình chị có hơn 1 mẫu ruộng trồng cây thanh long ruột đỏ.
Giá trị kinh tế của loại cây này khá cao và ổn định nên người này truyền tai người kia về kinh nghiệm trồng. Trong xã hiện có gần 50 hộ trồng 5 ha cây thanh long ruột đỏ, tập trung chủ yếu ở thôn Đại Uyên. Nhà ít trồng vài ba sào, nhà nhiều tới gần mẫu.
Chị Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bạch Đằng cho biết Chi hội Phụ nữ thôn Đại Uyên vừa ra mắt mô hình "Tổ phụ nữ liên kết trồng cây thanh long" gồm 36 thành viên với diện tích trồng 70.000 m2. Chi hội sẽ phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các chị em và gia đình trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; vận động các thành viên chia sẻ, giúp đỡ nhau về kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tham gia hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ xã sẽ tham mưu với Đảng ủy, chính quyền xã Bạch Đằng hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập HTX Thanh long Đại Uyên để xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhằm giúp loại cây này có thị trường tiêu thụ ổn định.
THU HƯƠNG