Hướng đến xóa bỏ bao cấp

24/01/2013 06:48

Đây là hướng đi mới vừa giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa tạo cho người dân ý thức chủ động trong phòng tránh thai...


Mô hình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai vẫn khó tiếp cận công nhân các khu công nghiệp. Trong ảnh: Tuyên truyền kiến thức chăm sóc  sức khỏe sinh sản cho công nhân Công ty May Formostar Việt Nam. Ảnh: Thanh Nga


Từ đầu năm 2012, mô hình tiếp thị xã hội (TTXH) các phương tiện tránh thai được triển khai tại tỉnh ta. Việc triển khai mô hình này nhằm thay đổi nhận thức của người dân về việc dịch chuyển dần từ bao cấp sang trả tiền cho các phương tiện tránh thai. Đây là hướng đi mới vừa giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa tạo cho người dân ý thức chủ động trong phòng tránh thai.

"Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà"


Xã Hồng Phúc (Ninh Giang) hiện có hơn 1.400 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15- 49 tuổi), trong đó có 789 người đã có chồng. Đây là nhóm đối tượng chính được cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số trong xã hướng đến trong TTXH các phương tiện tránh thai. Chị Lê Thị Làn, cộng tác viên dân số kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đà Phố đã có 9 năm gắn bó với công tác dân số - KHHGĐ. Trong tay chị lúc nào cũng có bản danh sách những phụ nữ cần tiếp cận. Để triển khai mô hình TTXH mới, chị phân từng nhóm đối tượng phù hợp với từng loại biện pháp tránh thai. Đã quen với việc "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà", chị Làn cho biết: "Đa số chị em đều đi làm công nhân cả ngày nên tôi phải tranh thủ buổi tối hoặc ngày nghỉ cuối tuần để gặp gỡ, trò chuyện, tuyên truyền cũng như tiếp thị các phương tiện tránh thai phù hợp với từng chị em". Xã Hồng Phúc cũng thường xuyên duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ "Phụ nữ không sinh con thứ ba", "Mẹ chồng nàng dâu", "Sinh con một bề", nhằm tuyên truyền rộng rãi về mô hình TTXH các phương tiện tránh thai. Chị Bùi Thị Xuân Huệ, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: "Trước đây, nhiều chị em còn e dè, đi mua bao cao su hay thuốc tránh thai đều phải giấu diếm, nhưng nay họ đã cởi mở hơn. Nhiều người đã tự tìm đến các cộng tác viên dân số để tìm hiểu và lựa chọn được biện pháp tránh thai phù hợp. Gần 1 năm nay, trong túi các cộng tác viên dân số lúc nào cũng có sẵn bao cao su và thuốc tránh thai, sẵn sàng cung cấp cho chị em trong xã". Trong năm 2012, xã Hồng Phúc đã tiếp thị được 3.600 chiếc bao cao su, 425 vỉ thuốc tránh thai.


Cộng tác viên dân số xã Hồng Phúc (Ninh Giang) tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tại Trạm Y tế xã


Tuy mới triển khai nhưng huyện Ninh Giang là một trong những đơn vị đi đầu về TTXH các phương tiện tránh thai. Năm 2012, toàn huyện đã tiếp thị được 32 nghìn chiếc bao cao su, vượt chỉ tiêu hơn 200%, 2.400 vỉ thuốc tránh thai, vượt chỉ tiêu 71%. Bên cạnh đó, huyện vẫn duy trì phát miễn phí bao cao su, thuốc tránh thai cho những người nghèo, cận nghèo.

Còn những khó khăn


Năm 2012, Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện Cẩm Giàng tiếp nhận  27.500 chiếc bao cao su, 2.850 vỉ thuốc tránh thai nhưng kết quả TTXH chỉ đạt khoảng 40%. Hiện tại, việc TTXH các phương tiện tránh thai tại huyện còn gặp nhiều khó khăn. Ông Lưu Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm dân số- KHHGĐ huyện cho biết: "Nhiều người dân còn băn khoăn, nghi ngờ việc các cộng tác viên dân số tiếp thị các phương tiện tránh thai. Họ nghĩ bao cao su, thuốc tránh thai vẫn được phát miễn phí. Hơn nữa, ngay trong ngành y tế cũng chưa có sự thống nhất, trong khi dân số duy trì cả bao cấp và tiếp thị các phương tiện tránh thai thì trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS hiện vẫn phát miễn phí bao cao su cho nhiều đối tượng. Ngoài ra, đa số đối tượng cần tiếp cận trên địa bàn huyện Cẩm Giàng đều làm công nhân trong các khu công nghiệp nên cộng tác viên ít có thời gian gặp gỡ để tiếp thị. Hiện nay, toàn huyện có 67 nhà thuốc, hiệu thuốc luôn có sẵn các phương tiện tránh thai với nhiều mẫu mã phong phú, lại là kênh dễ tiếp cận đối với bất kỳ đối tượng nào".

Với những khó khăn trên, năm qua, việc TTXH  các phương tiện tránh thai tại huyện Cẩm Giàng chủ yếu thông qua các hiệu thuốc, các nhà nghỉ. Số lượng bao cao su, thuốc tránh thai mà các cộng tác viên dân số tiếp thị được rất ít. Hơn nữa, theo như đánh giá của nhiều cộng tác viên dân số và các chị em phụ nữ, các phương tiện tránh thai đang tiếp thị chưa phong phú về chủng loại, khó cạnh tranh với nhiều mặt hàng tràn lan từ các nước khác. Đặc biệt, vỉ thuốc tránh thai tiếp thị và vỉ thuốc bao cấp chỉ khác nhau về nhãn mác còn thành phần thuốc thì giống nhau (?!)

Tiến tới xóa bỏ bao cấp

Thời gian qua, Nhà nước đã bao cấp hoàn toàn việc cấp phát, sử dụng các phương tiện tránh thai cho mọi đối tượng. Nhờ vậy, nhận thức về KHHGĐ đã nâng lên đáng kể, tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung đã duy trì được mức sinh thay thế. Đến nay, chính sách dân số chuyển hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, TTXH các phương tiện tránh thai là cách để đánh vào ý thức của người dân, làm sao để họ chủ động sử dụng các phương tiện tránh thai phù hợp.

Năm 2012, toàn tỉnh đã tiếp thị được 450 nghìn chiếc bao cao su, 28.700 vỉ thuốc tránh thai có trợ giá của Nhà nước, đã góp phần giảm chi ngân sách và hoàn thành chỉ tiêu các biện pháp tránh thai. Số bao cao su tiếp thị đạt 20,3% và thuốc uống tránh thai đạt 10,5% số người sử dụng trong năm. Ông Phạm Hồng Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh cho biết: "Chủ trương triển khai TTXH các phương tiện tránh thai, tiến tới xóa bỏ bao cấp là hoàn toàn phù hợp, bởi vì nhiều người dân lâu nay có suy nghĩ là của cho không là của không tốt, có cấp miễn phí, họ nhận nhưng rồi có khi không dùng đến. Khi chuyển sang thực hiện theo cơ chế thị trường, bán chứ không miễn phí nữa thì nếu muốn dùng, người dân sẽ mua. Khi đã bỏ tiền ra mua thì phải dùng chứ không bỏ đi như những thứ được miễn phí. Như thế là góp phần chống lãng phí và duy trì sự bền vững trong công tác dân số". Cũng theo ông Phạm Hồng Tuấn, để tiến tới TTXH các phương tiện tránh thai hoàn toàn thì biện pháp trước tiên phải tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, chủ động tiếp cận các phương tiện tránh thai phù hợp. Để hoạt động TTXH có hiệu quả thì cần đào tạo mạng lưới quản lý chương trình, trau dồi kỹ năng TTXH cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số. Đồng thời, tăng chi phí hoa hồng để khuyến khích đội ngũ trên tích cực tham gia chương trình.

MINH HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng đến xóa bỏ bao cấp