Hùng Sơn đổi thay sau dồn điền, đổi thửa

13/04/2016 07:20

Sau dồn điền, đổi thửa, xã Hùng Sơn (Thanh Miện) đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.



Sau dồn điền, đổi thửa, xã Hùng Sơn phát triển nhiều mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả cao


Thay đổi tập quán canh tác

Trước đây là xã nghèo nhưng chỉ sau 5 năm thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), Hùng Sơn đã bứt phá trong phát triển kinh tế và trở thành xã có thu nhập bình quân đầu người đứng tốp đầu của huyện. Năm 2010, thu nhập của người dân nơi đây là 12 triệu đồng/người thì năm 2015 đã tăng lên gần 35 triệu đồng. Ông Trịnh Duy Hiền, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm 2011 xã là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai DĐĐT. Việc này đã tạo ra luồng sinh khí mới khiến nông dân bám ruộng, bám đồng hơn. Bà con ai nấy đều phấn khởi khi đồng ruộng được quy hoạch vuông vức, đường sá đi lại thuận tiện. Trên cơ sở đó, xã xây dựng nhiều phương án sản xuất theo hướng tập trung, khai thác tối đa thế mạnh của từng xứ đồng và lựa chọn được những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp chuyển biến rõ rệt với nhiều mô hình mới, cách làm hay”.

DĐĐT tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xóa bỏ tập quán canh tác manh mún nhỏ lẻ trước đây. Ông Phạm Ngọc Hiện, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: “Diện tích đất nông nghiệp của xã không nhiều, chỉ gần 200 ha nhưng trước đây trung bình mỗi hộ có tới gần 5 thửa ruộng, bất tiện trong sản xuất. Sau DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn 1,5 thửa tập trung vào một khu. Để thuận tiện cho việc đi lại, phục vụ sản xuất, mỗi gia đình tình nguyện hiến gần 30 m2 đất/thửa để xây dựng bờ lô, bờ vùng rộng rãi. Từ khi đồng ruộng có diện mạo mới, 7 đội sản xuất của xã hoạt động hiệu quả hơn hẳn. Các đội vận động bà con tham gia quy vùng sản xuất lúa, bảo đảm "một vùng, một giống, một thời gian". Làm như vậy vừa hạn chế sâu bệnh, vừa giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, quy trình canh tác từng bước được cải thiện theo hướng sản xuất hàng hóa nên người dân không còn vất vả như trước. Trong khi đó, năng suất lúa ngày một tăng cao". Để phá vỡ thế độc canh cây lúa, địa phương khuyến khích nông dân thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao và đầu ra ổn định. Hơn 13 ha ruộng chuyên canh lúa trước đây của thôn Thái Thạch đã  chuyển sang trồng các cây ăn quả như bưởi, cam, táo... và kết hợp trồng xen rau ngắn ngày để tận dụng quỹ đất, giúp người dân có thể "lấy ngắn nuôi dài". Diện tích đất này cũng được cấp trên hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới nước theo công nghệ tiên tiến. Người dân có thể chủ động về nguồn nước, tiết kiệm sức lao động. Mặc dù chưa thể khẳng định hiệu quả của mô hình sản xuất mới này mang lại nhưng đây chính là tiền đề để hướng tới sản xuất sạch.

Phát triển trang trại và dịch vụ

DĐĐT là điều kiện để phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn xã có 6 máy gặt đập liên hoàn, 10 máy cày, máy bừa cỡ lớn. Ngoài ra, các hộ còn chủ động mua máy cấy thủ công để giảm thời gian gieo cấy và chi phí sản xuất. "Khi xã mới bắt đầu DĐĐT, tôi đã tính mua máy cày bởi ruộng lớn rất thuận lợi. Lúc đầu, tôi có ý định mua để phục vụ gia đình. Do nhu cầu sử dụng máy móc trong sản xuất lớn, tôi chuyển sang làm dịch vụ, mua thêm máy gặt phục vụ bà con. Hiện tại, gia đình tôi có 1 máy gặt đập liên hoàn, 2 máy cày. Vào mùa vụ, trừ chi phí, tôi thu lãi gần 2 triệu đồng/ngày", ông Phạm Quang Ảnh ở thôn Phù Nội nói.

Khu đồng trũng thôn Thái Thạch trước chỉ cấy 1 vụ lúa bấp bênh giờ là gia tài lớn của không ít hộ dân. Anh Triệu Tuấn Tú, chủ một trang trại lớn ở khu vực này cho biết: Ngày trước, chỉ cần một trận mưa to là nơi này bị ngập nên không mấy ai canh tác. Từ khi DĐĐT, người dân có điều kiện cải tạo nơi đây thành khu nuôi thủy sản tập trung. Mặc dù thời gian đầu gặp nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật nhưng đã dần được khắc phục. Hiện tại thay vì nơm nớp lo mất mùa do thiên tai, người dân ở đây đã có của ăn của để. Mỗi năm, gia đình anh Tú thu lãi hơn 200 triệu đồng trên diện tích đất bị bỏ hoang trước kia.

Anh Triệu Tiến Bằng ở thôn Phù Nội cũng tình nguyện xin nhận ruộng ở vùng đồng trũng của thôn. Không ngờ diện tích đất xấu, ở xa đó lại “hóa vàng” chỉ trong thời gian ngắn. Nhờ mạnh dạn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản và thường xuyên học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, ao cá trên khu đồng trũng chưa đầy 1,5 mẫu của gia đình anh giờ đã cho thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, xã có hơn 30 hộ thoát nghèo và làm giàu từ những khu ruộng trũng nhờ phát triển nuôi thủy sản.

DĐĐT tạo ra bước ngoặt lớn trong sản xuất nông nghiệp của xã Hùng Sơn. Từ thành công ban đầu, trong thời gian tới, xã tiếp tục quy hoạch, phân vùng sản xuất nông nghiệp theo lợi thế của từng thôn. Gần 10 ha ruộng thấp, trũng ở khu đồng Trớn, thôn Phù Nội đang được cải tạo, xây dựng mô hình nuôi cá, chạch kết hợp cấy 1 vụ lúa. HTX Dịch vụ nông nghiệp xã tích cực hợp tác với các doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, tìm đầu ra thuận lợi cho các sản phẩm nông nghiệp. "Chỉ khi sản xuất nông nghiệp theo quy trình bài bản, chuyên nghiệp thì mới có thể nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Địa phương coi DĐĐT là khâu đột phá đầu tiên trong quy trình đó", ông Trịnh Duy Hiền cho biết thêm.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hùng Sơn đổi thay sau dồn điền, đổi thửa